Nhân duyên tạo ra ta, mà chính ta cũng tạo ra nhân duyên.
Hôm ấy chủ nhật, buổi chiều xứ lạnh, trời thấp xuống, lất phất mưa phùn.
Bình thường tôi cũng là đứa hay nói, nhưng khi ngồi trước mưa, tôi có thể ngồi hoài, im lặng hàng giờ nghe tiếng mưa rơi, khi thì ầm ầm, khi thì rả rít, khi thì cảm nhận có làn nước tạt vào da mỗi lần có cơn gió thổi qua, nhưng lạ thật vẫn có cảm giác ấm áp len vào người.
Cứ ngồi yên như thế với mưa, không nói gì, chỉ nhìn. Khi ngắm mưa nhìn có vẻ đăm chiêu nhưng thật ra là chẳng nghĩ gì. Vì chẳng nghĩ gì nên kỷ niệm cứ tự nhiên đến, như đốm lửa gặp gió thì tự cháy bùng lên.
Rồi chúng dẫn tôi đi về quá khứ với rất nhiều những kí ức và những câu hỏi: Tôi tự hỏi liệu bản thân tôi có là một trong những nguyên nhân tự làm thay đổi nhân duyên của mình không ?
Vâng, tôi tự thay đổi nhân duyên, bạn ạ!
Tôi chọn nghề, tôi chọn môi trường làm việc, tôi chọn bạn cùng chơi, tôi chọn người tôi muốn gặp, tôi chọn người tôi muốn trò chuyện, tôi chọn người yêu, tôi chọn người kết hôn, tôi chọn nhân duyên và tôi cũng là nhân duyên. Tất cả đều có duyên có cớ, không có gì là tình cờ cả, tất cả là do tôi tạo ra.
Có lẽ nhân lành đã tạo ra duyên lành.
Nhưng trong cái quá trình tạo ra duyên lành ấy, cái điều mà đã thúc đẩy tôi đi như thế, luôn có một cái gì đó không ổn bạn ạ. Đó là khúc quanh, ngã rẽ, hay có khi là khoảng dừng vì chính tôi đã kiệt sức, lắm lúc lại là hoang mang, khiến tôi không còn đủ niềm tin, không còn dám bước tiếp, lại có đôi khi là nỗi sợ nữa. Như có một cái gì không ổn lúc một chồi non đang nảy mầm xanh mướt, bỗng úa héo, có con sâu nào đó đã cắn vào chồi làm cho nó không còn sức sống. Có cái gì đó trong bản tính tác động đến những lựa chọn của tôi, khiến mũi tên tôi đã phóng đi bỗng chệch hướng ?
Tại tôi bạn ạ, không đổ lỗi cho người khác được. Một chút rơi, một chút mất niềm tin, một chút nghi ngờ chính mình, một chút khoảng lặng, một chút trong tính cách con người tôi đã làm tôi chệch đường bay.
Lần gần đây nhất bạn nghi ngờ bản thân mình là khi nào ?
Cảm xúc lúc đó của bạn ra sao ?
Bạn đã hành động như thế nào ?
Còn tôi bất an là cảm giác đầu tiên khi tôi nghi ngờ chính mình. Tiếp đó là sự suy diễn dựa trên những dữ kiện mà mình có, những sự suy diễn cứ thế nối tiếp nhau tạo nên càng nhiều sự nghi ngờ.
Tất cả đều đến từ cái tâm trí bất an của tôi bạn ạ. Khi tôi thấy mình bắt đầu có những hành vi không còn giống như trước. Khi những lời hứa, những cam kết tôi đặt ra cho chính mình không thực hiện được. Khi tôi không còn dành thời gian để yêu thương chính mình. Nhưng thay vì dừng lại để quan sát và chiêm nghiệm thì tôi lại chọn cách suy đoán và suy diễn để rồi làm cho sự việc ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Bạn có giống như tôi không, chúng ta dường như luôn có 1 lý do nào đó để nghi ngờ chính mình, ví dụ như một lời nhận xét, một câu nói vu vơ của người khác dành cho mình, ta liền lập tức tin ngay đó là sự thật, để rồi ngày càng mất niềm tin vào chính mình, luôn cho rằng bản thân là yếu kém, không giỏi bằng người khác. Những suy nghĩ ấy cứ liên tục cuốn chúng ta đi sâu vào những vòng xoáy tiêu cực, rồi chỉ khi có một sự kiện nào đó xảy tới, kí ức cũ được kích hoạt, ta lại thấy tổn thương và chìm đắm trong sự lo âu và bất an vì hình ảnh đầy khiếm khuyết của bản thân.
Chúng ta thường xây dựng hình ảnh bản thân lung linh hoàn hảo và sợ sự đánh giá từ những người xung quanh, đó là lý do chúng ta đã phải đeo rất nhiều những mặt nạ.
Mỗi lần sự nghi ngờ bản thân được bật lên, tôi lại rơi vào cái bẫy của sự so sánh rằng mình luôn kém cỏi, cái bẫy của sự hoàn hảo rằng mình không được phép phạm lỗi, cái bẫy của những quy chuẩn xã hội rằng mình không được có sự khác biệt so với đám đông, cái bẫy của thời trang, gu ăn mặc theo trào lưu, sành điệu, hợp mode, hợp thời. Cứ mỗi khi như thế tôi mất tận mấy ngày mới có thể vực dậy được năng lượng.
Dần dần tôi nhận ra rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi hay suôn sẻ. Phần lớn thời gian chúng mang đến nhiều rắc rối, những điều bất như ý. Nó như kiểu một trò chơi ấy, nhiều ải, nhiều chướng ngại vật, nhiều quái vật, nhiều thử thách và ta liên tục tìm cách cải thiện bản thân để qua ải. Nếu không qua được thì cứ chơi lại từ đầu.
Con đường họ đi có thể rất khác với con người tôi đi. Họ có thể đi con đường lớn với đầy những xa hoa cờ rợp, tôi có thể đi con đường làng vắng lặng chỉ có những bóng cây, nhưng tôi lại thấy vui với điều đó. Mỗi người có cho riêng mình những niềm tin và lựa chọn. Đó là lúc tôi dừng lại và nhận diện được cái bẫy so sánh mà mình có trước giờ.
.
Lần đầu trong đời, tôi có cảm giác như mình sắp chạm tới một cái gì ở trên cao, dẫu tôi cũng chẳng biết lý tưởng của tôi là gì. Chỉ biết là mình vui với công việc mà mình thấy ý nghĩa. Việc này cũng giúp người đấy, chính vì phiền phức nên mới có ý nghĩa. Con đường có lẽ hơi cô đơn nhưng mang lại nhiều giá trị cho những hành khách mà tôi sẽ gặp trên đường.
Vô số những lời khuyên và câu trả lời mà tôi đã nói với người khác, tôi không biết nó có tác dụng như thế nào đối với người hỏi hay không.
Việc này rất quan trọng.
Mỗi lần trả lời tôi đều suy nghĩ rất kĩ, tôi có thể khẳng định là chưa bao giờ mình trả lời một cách đại khái qua loa hay lấy lệ. Nhưng dù là thế nào đi nữa thì tôi cũng muốn biết câu trả lời ấy có giúp ích gì được cho người hỏi hay không. Biết đâu có những người làm theo lời khuyên của tôi rồi không có được những lựa chọn đúng hoá ra vì tôi mà cuộc đời họ lại bất hạnh.
Vấn đề này đã nhiều lần làm tôi phải trăn trở, khiến tôi day dứt không yên.
Và rồi tôi bắt đầu nhận được những lời cảm ơn, khi thì bằng lời nói trực tiếp, khi thì qua những đoạn tin nhắn trên messenger hay email. Họ cảm ơn vì những lời khuyên của tôi đã thật sự giúp ích được cho họ.
Một sự nhẹ nhõm và có chút niềm vui len nhẹ trong tôi, tôi vui vì biết được giá trị từ những việc mình đã làm. Nhưng tôi cũng biết rằng, lời khuyên của tôi có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người hỏi chứ không phải vì bất kì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn phấn đấu, không muốn đi tiếp, không có niềm tin vào chính mình thì dù có nhận bao nhiêu lời khuyên cũng như vậy thôi. Bởi có những người khi hỏi xin lời khuyên thực ra họ đã có sẵn câu trả lời, họ hỏi chẳng qua muốn xác nhận là điều đó đúng mà thôi, vì thế có những người sau khi đã nhận được lời khuyên thì lại tiếp tục đặt ra những câu hỏi, có lẽ vì nội dung lời khuyên rất khác với những gì họ đang nghĩ.
Trong suốt 45 năm đi dạy, đức Phật tùy người mà đặt câu hỏi, tùy trình độ, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh, tùy tâm lý. Trả lời cũng vậy. Có câu hỏi Ngài trả lời bằng khẳng định. Có câu hỏi Ngài trả lời bằng phân tích. Có câu hỏi Ngài trả lời bằng cách đặt lại câu hỏi trên câu hỏi. Lại có câu hỏi Ngài không trả lời.
Đâu ai có nói cho con cá rằng nước biển mặn thế nào, chi bằng nó cứ thử bơi vào thì sẽ biết. Cũng như có những việc không thể diễn tả bằng lời nói, chi bằng tự trải nghiệm thì mới rõ được.
Trong quá trình lớn lên chúng ta sẽ gặp rất nhiều người, đi qua những trải nghiệm khác nhau, cuối cùng cũng chỉ để nhận diện ra được những đặc điểm có bên trong mình.
Ví như khi chơi một trò chơi cảm giác mạnh, mình nhận thấy bên trong có sự hồi hộp, tim đập nhanh, nhưng sau đó lại là chút háo hức, mình nhận ra hình như mình cũng thích điều này.
Những trải nghiệm bên ngoài giúp mình nhận thấy những điều ở bên trong, tuy nhiên vì mình không ý thức được chuyện đó nên những trải nghiệm đó chỉ thoáng qua và trở nên hời hợt mà thôi.
.
.
.