Trước giờ khi nhắc về tình cảm gia đình, người ta vẫn thường nhắc về tình mẹ. Vì giữa mẹ và con bao giờ cũng dễ gần gũi với nhau hơn cả. Còn với người cha, có lẽ 1 phần do sự khác biệt về giới tính, mà tình cảm ấy thường được giữ kín, ít bộc lộ ra bên ngoài.
Tình thương người cha dành cho con không thể hiện nhiều ra bên ngoài như cách mà mẹ thường làm, và thường chỉ chọn thể hiện qua hành động.
Và cha nàng cũng vậy.
Tình yêu cha dành cho nàng thường được giấu vào bên trong thông qua những hành động thường ngày như việc mỗi khi trời nắng nóng, cha sẽ luôn vào bật điều hoà trước 15 phút để kịp làm mát phòng cho nàng. Cha để ý thấy nàng thích một món ăn nào đó thì mỗi lần về sẽ đều mua để sẵn…và tất nhiên sẽ chẳng đi kèm một lời nói nào cả, tất cả chỉ là hành động và hành động.
Với cha yêu thương không phải bằng lời nói hay cảm xúc, mà hành động là cách yêu thương tốt nhất. Cha là người không chia sẻ cảm xúc nhiều ra bên ngoài. Vậy nên việc bước chân vào thế giới của cha nàng cần nhiều hơn sự kiên trì để có thể lắng nghe và thấu hiểu.
Kết nối được với cha mẹ, chia sẻ được với cha mẹ là một trong những trụ cột để có đời sống tinh thần thật khoẻ mạnh. Nghệ thuật giao tiếp chính là ở chỗ đó: Kiên trì, lắng nghe và thấu hiểu.
Nàng hỏi cha một câu. Thấy cha trả lời xong rồi thôi.
Nàng lại hỏi thêm một câu.
Lần này thì cha đã bắt được tần số và thao thao bất tuyệt về tuổi trẻ của cha, về tình yêu với mẹ, về những sự thiếu thốn ngày xưa.
Càng trò chuyện với cha thì nàng lại càng hiểu về cách mà cha dành tình thương cho những người thương bên cạnh.
Cha mẹ nào cũng đầy tâm sự, đầy trải nghiệm, đầy những câu chuyện hay ho để kể cho con cái. Chỉ là con cái có chịu dành thời gian để kiên nhẫn và lắng nghe hay không. Hoặc là cha mẹ nghĩ rằng chúng nó trưởng thành hết rồi, thời đại bây giờ cũng khác thời đại ngày xưa, nên chắc chúng cũng chẳng muốn nghe nữa.
Lắng nghe và thấu hiểu luôn cần sự nổ lực từ 2 phía, trong bất kì mối quan hệ nào cũng vậy, mối quan hệ con cái và cha mẹ hay mối quan hệ giữa vợ chồng trong hôn nhân.
Chợt nàng nhớ đến quyển sách “Bố con cá gai” mà nàng từng được đọc.
Tác phẩm là câu chuyện đầy xúc cảm về hành trình của hai bố con Daum. Một cậu bé nhỏ tuổi nhưng đã mang trong mình căn bệnh quái ác. Mẹ của em bỏ rơi bố con để sang Pháp thực hiện giấc mơ họa sĩ và đó cũng chính là vết sẹo đầu tiên và mãi không thể lành lại trong tim Daum.
Dưới những sự cố gắng của người cha cùng với sự mạnh mẽ kiên cường của Daum mà phép màu đã tìm đến hai bố con. Sau nhiều năm ròng rã chiến đấu cùng căn bệnh, bằng tình yêu thương của người bố dàng cho con, thì may mắn đã mỉm cười khi họ tìm được người phù hợp để ghép tủy cho Daum.
“Cá gai là một loài cá rất kì lạ. Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi đâu mất… Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng… Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá bố, cứ thế đi theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết” – Trích “Bố con cá gai”.
!
Không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong gia đình có đầy đủ tình thương của cha và mẹ. Không phải ai cũng có 1 người cha có đủ sự dịu dàng dành cho con cái toàn lời yêu thương. Nhưng dù cha là người như thế nào, thì trong suốt chặng đường lớn lên vẫn có những người cha không ngừng hy sinh thầm lặng, với mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đứa con của mình.
Và đôi khi chúng ta chưa hề biết đến sự hy sinh thầm lặng, to lớn mà cha đã và đang trao đi mỗi ngày. Dù cho con cái có trưởng thành thế nào đi nữa, thì họ cũng vẫn luôn mang lại những điều ấm áp và cảm động nhất cho chúng ta, như cái cách họ đã từng âm thầm làm trong suốt quá trình chúng ta lớn lên.
Giờ đây nàng đã biết cách kết nối và thể hiện tình yêu thương của mình cho gia đình, cho những người thương xung quanh.
Tuy mỗi người một tính cách, nhưng sự chia sẻ tận tâm trong từng lời nói những cuộc hội thoại với sự lắng nghe, thấu hiểu sẽ được nàng nhớ hoài hoài mãi về sau.
Mong rằng mối quan hệ của tất cả người cha và con trên thế giới này sẽ được xích lại gần nhau hơn. Nhưng quan trọng là chúng ta phải có đủ nhận thức và kiên nhẫn để dần kết nối lại những sợi dây đứt gãy đó.
Mong mọi người cha đều nhận lại được tình yêu thương, sự trân trọng, từ những người họ thật lòng yêu thương và chọn hy sinh.
Mong rằng mọi đứa con có thể dành thời gian để gần cha nhiều hơn.
Và mong cha cũng vậy, có thể đến gần đứa con của mình.
. .
.
.
.