Có 2 ông sư đi đường xa tầm đạo. Ngang qua một vũng lầy, gặp mấy cô xinh đẹp xúm xít. Các cô váy áo xúng xính đi dự tiệc, nên sợ bùn làm bẩn. Một ông sư thấy vậy, bèn điềm nhiên ghé lưng cõng từng cô qua chỗ lầy. Rồi hai ông đi tiếp. Ông sư không cõng cứ liên mồm trách ông kia:
”Thầy đã đi tu sao không tránh sắc dục, lại còn cõng gái đẹp trên lưng”.
Ông sư cõng điềm nhiên:
“Sao thầy khổ vậy, tôi đã vứt các cô ở lại bên rìa vũng nước, còn thầy vẫn cõng các cô ấy đến tận chỗ này.”
Thông thường người ta chỉ nghĩ đến việc buông bỏ khi thấy trên vai mình đã quá nặng, chỉ trân trọng khi thấy bản thân đã mất đi nhiều điều, chỉ đợi đến khi có bệnh thì mới tìm đến gặp bác sĩ. Nhưng lại quên mất rằng,
À, thì ra muốn nhẹ nhàng bình an, mình cần phải buông bỏ đi một số thứ.
À, thì ra khi thấy cuộc sống quá phức tạp là do mình đang giữ quá nhiều suy nghĩ rối ren trong đầu mà thôi.
À, thì ra buông bỏ không phải là trốn tránh, từ chối trách nhiệm, mà chỉ là cần chọn ra những thứ cần thiết, chọn ra sự ưu tiên và biết cách ném đi một vài điều tiêu cực, không cần thiết ra bên ngoài để lòng mình nhẹ hơn mà thôi.
Thời đại của nền tảng video ngắn, thông tin nhanh, thức ăn nhanh, con người chúng ta nếu muốn tồn tại và phát triển cũng phải học cách thích nghi nhanh, phải chạy, chạy và chạy nếu không sẽ bị bỏ lại.
Mình có đánh rơi gì không?
Ví như sức khoẻ của cha mẹ, những người thương xung quanh, và của chính mình. Ví như những giây phút chậm lại để lắng nghe chính mình, lắng nghe nhịp sống. Ví như những điều giản đơn tốt đẹp đáng lẽ mình sẽ có được nếu không chạy quá nhanh, không bận dán mắt vào điện thoại để rồi bỏ lỡ.
Ví như đánh mất cả sự kiên nhẫn và tinh tế nữa. Kiên nhẫn trong việc yêu thương, kiên nhẫn trong việc dành thời gian để lắng nghe và thấu hiểu (Thấu hiểu không phải là thứ có sẵn trong mỗi người, mà thấu hiểu là sự lựa chọn).
Kiên nhẫn để được nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp hơn. Kiên nhẫn để kết nối (kết nối không chỉ là trò chuyện được với nhau mà còn là giữ được sự lắng nghe nhau, là điều mà luôn nhắc nhở mình phải rèn luyện mỗi ngày). Kiên nhẫn để tự vấn chính bản thân là mình đã chăm lo đủ cho sức khỏe chưa, hay là vẫn đang bán mạng thâu đêm bên chiếc máy tính hay cho những cuộc tụ tập kết nối không mang lại nhiều giá trị.
……
Không dễ để dám thừa nhận bản thân đang cô đơn và bị kẹt lại trong một vùng tối, một vết thương đang bị hở dần. Không dễ để đối diện với thực tại rằng bản thân đang dần trở nên nhỏ bé và yếu đuối trước những bộn bề đang có ở hiện tại: sức ép công việc, gia đình hay các mối quan hệ. Không dễ để chia sẻ câu chuyện, những suy nghĩ có trong đầu mình với một người nào đó, chỉ để được cảm thấy nhẹ hơn, để cảm thấy bản thân được thấu hiểu, để thấy mình còn có chỗ dựa vào, thấy mình bớt cô đơn.
Và không dễ để nhận ra rằng, người can đảm nhất là người biết mình sẽ có những thời gian yếu đuối gục ngã.
3 năm kể từ tuổi 25, bản thân mới rơi trở lại trạng thái lưng chừng, hoang mang, vô định này.
Mặc dù thời điểm này có nhiều khó khăn, nhiều nỗi lo, nhiều vấn đề, nhưng luôn có niềm tin vào chính mình, tin rằng rồi mình cũng sẽ vượt qua được như cái cách mình đã làm cách đây 3 năm về trước.
Chững lại – lưng chừng – khoảng lặng – chậm lại
Đây là cơ hội để mình dừng lại, nhìn lại, dành sự chiêm nghiệm và rút ra những bài học, đã đến lúc từ bỏ con đường cũ, sẽ có một con đường mới phù hợp hơn, không mạo hiểm sẽ không có sự thay đổi.
Và rồi lại tìm đến viết trong những ngày này, bởi viết là một trong những cách kéo nàng ra khỏi đám mây mù này.
.
.
.