Luôn giữ và rèn cho mình quan điểm viết là: Giữ sự kỉ luật, đều đặn và không quá phụ thuộc hoặc trông chờ vào cảm xúc mà làm việc. Ngay cả với blog nguoithuongkhoinghiep.com, thì nàng cũng viết và lên bài đều đặn mỗi ngày thay vì đợi cảm hứng đến.
Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng yên ổn như vậy.
Cũng có những ngày nàng không viết được. Dù với kinh nghiệm cá nhân, nàng vẫn luôn tìm được cách hoàn thành các deadline. Nhưng vẫn có những cái không hoàn thành được, vẫn cảm giác bài viết chưa đủ hay. Viết để hoàn thành dealine thì được, chứ cảm xúc bên trong để nói cảm nhận năng lượng từ bài viết thì nàng không.
Cảm giác lúc đó thật tệ, nó giống như mình chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt.
Những lúc ấy, phải dừng lại, đứng lên, để máy tính sang một bên và đôi khi phải thốt lên rằng: mệt thật.
Những khoảng lặng, những lần mất cảm hứng như thế này, có thể đến từ nhiều lý do và nguyên nhân khác nhau. Có khi là do không khoẻ trong người. Có khi vừa nghe một tin không được vui lắm. Có khi là những bình luận mà nàng hay nói với chính mình là không được tỉnh thức và chánh niệm lắm đến từ người đọc.
Cái ngoại hình, cái biểu hiện bên ngoài sớm thôi đã là cái rất phù du rồi, huống chi là lời nói của con người còn phù du hơn gấp bội. Người ta nói ra một lời rồi người ta quên ngay lúc đó. Nếu suy nghĩ của mình lại bám vào một cái không tồn tại như thế thì tự mình lại làm mình khổ thêm. Dẫu biết là tự mình phải nuôi dưỡng nguồn năng lượng cho chính mình, song bị ảnh hưởng ít nhiều là điều khó tránh khỏi.
Kinh nghiệm của nàng lúc đấy chắc chỉ là nghỉ ngơi thôi. Đầu việc nào không gấp thì cứ tạm gác lại. Khi thì đi tập thể dục, khi thì đi gội đầu dưỡng sinh, thường thì những cách đó đa phần hiệu quả rất nhiều.
Rồi cứ thả lỏng nằm hòa với chính mình. Không đòi hỏi phải nhanh, phải theo kịp ai khác, cứ là mình của lúc đó thôi với tất cả sự mệt mỏi, rệu rã của mình. Chờ một cái gì đó đến, chờ nàng lấy lại năng lượng, chờ nàng trở dậy và bước đi.
Có nhiều chuyện bản thân sẽ không thể nào quản được ví như chuyện đại dịch covid, chuyện cháy rừng, chuyện mưa bão, cũng như chuyện lòng mình vậy. Nhưng rồi dù là chuyện lớn lao hay vụn vặt nhỏ bé, rồi tất cả cũng sẽ qua.
Rồi cái gì nó đến sẽ luôn đến. Ngày rồi cũng sẽ hết, một ngày buồn cũng chỉ là một ngày buồn, chứ không phải là cả cuộc đời để mình đắm chìm trong những nổi buồn đó. Cảm xúc cũng giống như thời tiết vậy, có những ngày mưa to là khi mình có nhiều cảm xúc mạnh mẽ, nhưng cơn mưa tới rồi cũng sẽ đi thôi. Và nếu mình sống cả đời mà không dám tận hưởng cơn mưa đó thì sẽ buồn chán và khổ lắm.
Không phải cơn bão nào đi qua cũng kèm theo sự phá huỷ, có những cơn bão đi qua sẽ để lại phù sa cho đất. Nỗi đau cũng vật, có những nỗi đau là cần thiết, bởi nó buộc chúng ta dừng lại và nhìn sâu hơn vào chính mình cũng để tỏ hơn con đường mà mình đã, đang và sẽ đi.
Sống với nỗi buồn giống như một thướt phim quay chậm vậy. Dường như chúng ta ít có nhu cầu chú ý đến thế giới xung quanh hơn, do đó ta có thể tạm gác những mối quan tâm thường ngày để hướng sự chú ý vào nội tâm mình.
Trong thiền có 3 không: không nói, không thấy, không nghe. Điều này không có nghĩa là phải đóng lại hết mọi giác quan, buông bỏ hay mặc thế sự mà chỉ là ở một thời điểm nào đó cần cho mình dừng lại, cần một mình, cần ngồi yên, cần lắng lại, đôi lúc để buông bỏ, rời đi, tạm tránh xa..rồi mọi thứ cũng sẽ trôi qua.
Luôn có cái gì đó đến, khiến nàng nhận ra mình không cô đơn và không một mình.
Nàng vẫn cần ai đó khác, lắng nghe những điều nàng muốn nói.
Nàng vẫn cần ai đó khác, mỉm cười cùng nàng.
Nàng vẫn cần ai đó đi chợ cùng, nấu cho nàng một bữa cơm, dù nàng cũng có thể tự nấu như trước giờ cũng hay làm. Chỉ là đôi lúc nàng muốn một chút khác đi. Bởi cái cảm giác được chăm chút đến từ người nào đó chắc chắn sẽ rất khác. Nàng cũng đâu biết đâu, nhưng có lẽ trong những cử chỉ hành động của người khác lại có thêm một chút tình yêu, trân trọng, nâng niu, gìn giữ, được thêm vào, những điều mà ngôn ngữ bình thường không diễn tả được chỉ có thể thông qua hành động.
Nàng không thể diễn tả hay nhớ hết được những khái niệm hạnh phúc đã từng đọc, những định nghĩa về hạnh phúc của những triết gia nổi tiếng, nhưng nếu bạn hỏi nàng một cách mô tả đơn giản nhất về hạnh phúc thì theo nàng là: cảm giác được ở một nơi làm nàng thấy yêu mến, cùng với người cho nàng cảm giác thoải mái và dễ chịu, với một ly cà phê buổi sáng, bữa cơm trưa trong nhà, giấc ngủ say cùng nhau sau một ngày bận rộn.
Nàng chỉ cần có thế, không cần quá nhiều, nhưng cũng đủ nhiều, để có thể chẳng bao giờ có được.
Và có thể hạnh phúc cũng phải đến từ trái tim biết thương, vòng tay biết dang rộng ôm lấy vừa đủ một người, đôi tai biết lắng nghe, đôi mắt biết nhìn, nhìn những điều giản đơn và thật gần.
Gọi đó là sự quan tâm, niềm ấm áp hay tình yêu thương cũng được.
Nhưng nàng biết mình cần thứ đó.
.
.
.