Trong quá khứ, nàng từng là người khá vội vàng, hời hợt trong các mối quan hệ tình cảm.
Nàng thích cái cảm giác có người yêu, có lẽ bởi nàng muốn có được sự quan tâm, chiều chuộng, được yêu thương. Rất nhiều lần giao tiếp trong mối quan hệ, nàng chạy theo cảm xúc bản thân, thậm chí là ép buộc đối phương phải chiều chuộng cảm xúc của mình.
Có lẽ trong suốt cuộc đời, chúng ta có thể mong đợi hoặc đòi hỏi một ai đó thể hiện tình yêu theo cách ta cảm thấy mình được yêu lần đầu tiên: quan tâm ta từng li từng tí, đứng lên bảo vệ ta, âu vuốt ve ta, v.v..
Chỉ biết đòi hỏi mà không biết lắng nghe, không chịu tìm hiểu và cũng chẳng biết cách cho đi. Rồi khi người khác không đáp ứng được những nhu cầu ấy của nàng. Nàng giận dỗi, trách móc và không ngừng đổ lỗi.
Để cuối cùng, những xa cách, rạn nứt xuất hiện và mối quan hệ dần tan vỡ.
Giơ đây nhìn lại, thật lòng nàng cảm thấy biết ơn những người đã đi qua cuộc đời nàng. Bởi bằng một cách nào đó, họ đều đã dạy cho nàng những bài học, cho nàng có dịp để trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu.
Sau những va vấp, tổn thương nàng mới nhận ra rằng, hoá ra trước đây nàng không thương họ như chính bản thân nàng tưởng. Sau hành trình ấy nàng rút ra được 3 bài học cho chính mình.
1.Yêu chính mình trước khi có thể yêu lấy người khác
Yêu thương chính mình là lúc ta có thể chấp nhận con người mình một cách trọn vẹn.
Thành thật với chính mình, thành thật với cả những cảm xúc, bất kể đó là cảm xúc vui vẻ, buồn tủi hay thậm chí là cô đơn.
Bởi cô đơn vẫn luôn là một trong những lý do lớn nhất để người ta trốn chạy và tìm cách sa vào các mối quan hệ lãng mạn. Nhưng thật ra, những lúc như thế luôn là cơ hội để ta học cách đối diện, kiên nhẫn, thấu hiểu và chữa lành cho bản thân hơn là việc trốn chạy.
Nếu không làm quen được với việc ở một mình, với sự tĩnh lặng của nội tâm, sớm muộn gì ta cũng đánh mất chính mình trong tình yêu mà thôi.
Biết yêu chính mình và có thể tìm được một người để có thể chia sẻ cho nhau niềm vui ấy. Đó mới chính là nền tảng vững chắc cho một mối quan hệ.
Yêu chẳng bao giờ là một điều dễ dàng. Yêu mình đã khó khăn, và để mở lòng thương người khác theo cách họ mong muốn lại càng khó hơn gấp nhiều lần.
2.Chữa lành vết thương của chính mình trước khi có thể yêu một ai đó
Khi chưa kịp lành vết thương mà vội vàng bắt đầu một mối quan hệ mới, ta mang theo một tâm hồn tổn thường, một trái tim đầy sự xáo trộn, để đi vào trong tình yêu. Rồi lại thất bại và thất bại có khi lại rất nhanh, nhanh hơn những lần trước.
Bởi ta không có gì để cho đi cả. Vì khi bước vào tình yêu, bản thân ta trước hết phải có được giá trị, ta phải đáng yêu, thì ta mới xứng đáng để được người khác nâng niu và chiều chuộng.
Trong khi đó nếu ta chỉ bước vào tình yêu với một vẻ bề ngoài, một vóc dáng đẹp, một ít thành tựu gì đó, trong khi bên trong ta lại hoàn toàn trống rỗng, chẳng có gì, mà chỉ toàn là những nỗi đau và tổn thương ta mang theo từ những mối quan hệ trong quá khứ.
Để rồi khi cả 2 còn một hành trình dài phía trước để đi cùng nhau, thì lại phát hiện ra rằng, bản thân đang có quá nhiều vấn đề, quá nhiều vết thương của tình yêu. Ta lại hành xử với người mình yêu theo những tổn thương cũ. Ta nhìn tình yêu mới bằng con mắt cũ.
Con đường dẫn đến tình yêu sẽ bắt đầu từ quá khứ và sự chữa lành của chính ta, sau đó mới hướng ra bên ngoài, đến các mối quan hệ với người khác
3.Follow your heart
Từng đọc qua cuốn sách “Sống với trái tim”, một cuốn sách nghiên cứu về trái tim, dựa trên góc nhìn về tâm linh và khoa học tâm thức. Nàng bắt đầu hiểu một cách chi tiết về cách hoạt động và những sự thật về trái tim.
Rằng cơ quan đầu tiên xuất hiện trong cơ thể con người là trái tim, chứ không phải là trí não.
Ngay từ trước khi ta chào đời, cỗ máy thần kỳ ấy đã chăm chỉ, đều đặn bơm năng lượng sống đi khắp cơ thể. Ngày qua ngày trái tim đập ít nhất 115.000 nhịp với mục đích duy nhất là giữ cho con người được sống.
Não có vai trò tiếp nhận thông tin, xử lí logic từ phía bên ngoài. Khi ra quyết định, nó dựa trên những thông tin rất hữu hạn. Ngược lại trái tim của chúng ta lại rất thông minh. Đó là lý do ta sẽ nghe rất nhiều lời khuyên “Follow your heart”.
Nhiều người hay bảo yêu bằng lý trí. Nhưng thử nhớ lại khoảnh khắc ta rơi vào tình yêu hay khi ta nói yêu ai đó, ta có cảm giác từ trái tim chứ không phải từ não bộ.
Trái tim là nơi quyết định người mà ta muốn ở cùng cả đời. Trái tim rất kì diệu, màu nhiệm mà đôi lúc chính bản thân ta cũng chẳng thể nào giải thích được.
Trái tim ở những góc nhìn khác nhau, góc nhìn của những nhịp đập.
Nhịp tim của ta còn có khả năng điều hòa cảm xúc. Nhịp tim khỏe và đều mang đến cho ta cảm giác bình tĩnh. Nhịp tim nhanh, ngắn, ngắt quãng có thể gây nên cảm giác hoảng sợ dù là những người khỏe mạnh nhất.
Vì vậy, hiểu về trái tim thực sự là một nhu cầu cơ bản của con người.
.
Những năm gần đây nàng có thể cảm nhận được rõ hơn về nhịp tim của mình.
Hai mươi tuổi, lần đầu tiên trong đời nàng phải đối mặt với việc nghiêm túc điều chỉnh trạng thái căng thẳng của mình. Mỗi khi gặp căng thẳng hay lo lắng một điều gì đó, nhịp tim nàng bắt đầu đập nhanh dữ dội.
Công việc của nàng là sự lặp lại liên tục, ngày này qua ngày khác. Nhưng nàng thì càng ngày càng cảm thấy lạc lõng.
Bản tính nhút nhát đã khiến nàng trở thành kẻ luôn cố gắng chiều lòng người khác, kể cả khi việc đó khiến nàng hoàn toàn cạn kiệt năng lượng.
Vậy mà khi cảm nhận những dấu hiệu căng thẳng mà cơ thể gửi đến, nàng chọn lờ đi, nàng chọn cách lấp đầy nó bằng những mối quan hệ bên ngoài.
Nàng biết bản thân chỉ có một lượng năng lượng nhất định, và nó cần được bảo toàn và phục hồi. Nàng phải mất rất nhiều năm sau đó mới hiểu được cách làm sao để sống theo nhịp điệu của riêng mình.
Nàng biết cách yêu thương bản thân nhiều hơn, biết tạo nên những khoảng thời gian có thể ngồi lại để tái tạo năng lượng cho chính mình.
Nàng học cách nói không. Khi ở gần những người có khả năng khiến nàng kiệt sức, nàng dựng nên một ranh giới- một bức tường vô hình để ngăn đi nguồn năng lượng tiêu cực của họ, cũng như là cách để nàng bảo vệ cho nguồn năng lượng của chính mình.
Hiểu về trái tim là cách tiếp nhận và làm mới lại tâm hồn. Bằng cách hiểu rõ bản thân, ta dễ dàng thấu hiểu người khác, từ đó có khả năng thương yêu một cách chân thành.
Gieo yêu thương vào trong tim sẽ biến ta thành một phần của con đường tình yêu. Sau rồi, tình yêu của ta sẽ được đáp lại thay vì phải đòi hỏi một cách ép buộc.
Chúng ta sẽ nhận được những gì mình cần khi không còn đòi hỏi phải có được nó nữa.
.
.
.
.