Những trải nghiệm nào trong quá khứ đã có tác động lớn lên cuộc đời bạn và phần nào định nghĩa con người bạn ở hiện tại?
Khi nhìn nhận lại những trải nghiệm cũ đó, bạn cảm thấy gì?
Và bạn có rút ra được gì cho mình từ những trải nghiệm đó hay không?
Phản chiếu lại quá khứ là việc ta tự soi xét lại trải nghiệm của bản thân một cách khách quan, thẳng thắn thừa nhận đâu là điểm mạnh mà bản thân cần phát huy. Đâu là những hạn chế, điểm yếu cần khắc phục. Từ những trải nghiệm đó rút ra được những bài học gì cho bản thân, nếu sau này gặp lại ta có chọn hướng giải pháp đó không hay sẽ làm khác đi.
Việc nhìn nhận lại quá khứ cũng là cách để nhìn nhận lại chính mình, tự phản chiếu và soi xét bản thân với mục đích hướng đến sự phát triển và trưởng thành hơn.
Trải qua quá trình rèn luyện, tôi đã dần hiểu rõ hơn giá trị thật sự của việc này. Đôi khi có những kỉ niệm tuổi thơ tưởng chừng như đã chìm vào quên lãng, nhưng khi càng lớn và nhìn lại từ một góc nhìn trưởng thành hơn, tôi lại thấy mình lại hiểu ra được rất nhiều điều.
Theo như giáo sư tâm lý Jordan Peterson từng nói: “Khả năng hồi tưởng lại quá khứ trong tâm trí con người, chính là cách để chỉ dẫn cho con người thực hiện những hành động ở hiện tại và cũng đồng thời định hướng tiếp theo cho con đường tương lai”.
Có những sai lầm, tổn thương hay đổ vỡ trong quá khứ và chúng ta thầm ước rằng giá như mình có thể quên chúng đi, đừng bao phải nhớ mãi đến nó. Chúng ta cầu nguyện và mong rằng có một phép màu nào đó có thể xoá được những mảng ký ức đen tối đó ra khỏi tâm trí mình.
Nhưng ký ức là một phần con người ta, là một phần gắn liền trên chặng hành trình mà ta đang đi. Vậy nên chỉ cần ta nhìn nhận lại quá khứ với một tư duy tích cực hơn ta sẽ thấy rằng: Những ký ức, những trải nghiệm từ quá khứ đó vốn là một món quà, mà chúng ta may mắn đã có được trong cuộc sống này.
Việc nhìn lại quá khứ, giúp ta nhìn lại những sai lầm, rút ra những bài học và tự nói với bản thân sẽ không lặp lại sai lầm đó trong tương lai nữa.
Nếu ta không biết nhìn về quá khứ, không biết rút ra kinh nghiệm cho bản thân, chắc chắn rồi ta sẽ lặp lại những sai lầm cũ. Và đôi khi cái giá phải trả đắt gấp nhiều lần.
. . .
Nhìn nhận quá khứ với một tư duy tích cực.
Khi nhìn lại hành trình của mình, tôi thấy có những cú ngã đã từng đẩy tôi rơi thẳng xuống vực sâu. Từng có những tổn thương, từng có những thất bại khiến tôi chìm vào hố sâu của những căng thẳng và lo âu.
2 NĂM TRƯỚC
Tôi đã từng phải trải qua những ngày u ám của cuộc đời mình. Tôi thức giấc với cái đầu nặng trĩu. Nó làm tôi lơ lửng cả ngày. Nó hút cạn hết nguồn năng lượng của tôi.
Tôi lên giường ngủ với những rối ren, lo âu, bộn bề về công việc. Về những mối quan hệ và nó làm cho tôi mất ngủ. Để rồi khi tôi thức dậy tôi vẫn thấy nó. Vẫn xám xịt và càng thêm nặng nề hơn.
Tôi đã phải suy nghĩ và làm nhiều việc cùng lúc. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân khiến cho tôi mệt mỏi. Và có lẽ một phần là những kết quả tôi nhận lại được thực sự không rõ ràng.
Tôi nhớ mình đã viết: Tôi cảm thấy mình đang gặp vấn đề về kiểm soát nỗi lo. Đặc biệt là nỗi sợ một thứ gì đó sẽ diễn ra trong tương lai. Những thứ tôi mong muốn mình phải đạt được nhưng lại không thể nắm chắc. Tôi không biết liệu những cố gắng của tôi có đem lại được kết quả hay không? Tôi có nên tiếp tục không? Và cả những thứ mà bản thân tôi cũng không thể gọi tên chính xác nó là gì.
Tôi bất an và sợ hãi. Bản thân tôi ở thời điểm ấy là một đứa vô cùng nhạy cảm bởi những lời nói tiêu cực và những tác động của môi trường xung quanh. Đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời tôi. Tôi sau đó phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu và chấp nhận rằng bước lùi ấy khiến tôi phải có một xuất phát điểm chậm hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa.
Tôi đã từng bám chấp vào những tổn thương và khổ đau đó, để rồi ngày ngày tôi nuôi dưỡng một tâm lý tiêu cực, bi quan. Tôi luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những người xung quanh. Tôi cho rằng người khác đã cướp đi của tôi tất cả mọi thứ, từ hạnh phúc cho tới tất cả những điều mà tôi khát khao và mong muốn có được.
Tôi nhìn đời với lối tư duy nạn nhân, rằng tôi luôn là người bị hại, bởi vì họ nên đời tôi mới khổ. Tôi đã lựa chọn bản thân trở thành một tù nhân. Và chính tôi cũng là tên cai ngục giam giữ mình trong những tổn thương đó.
Tôi nhận ra rằng tôi không thể chọn một cuộc sống vắng mặt khổ đau. Nhưng tôi có thể lựa chọn được thái độ để đối mặt với khổ đau đó để được tự do, để thoát khỏi quá khứ tổn thương, thoát khỏi những thất bại và sợ hãi, thoát khỏi những giận dữ và lỗi lầm, thoát khỏi những ân hận và sự nuối tiếc, để có được một cuộc sống trọn vẹn và đủ đầy.
Và tôi ở hiện tại, khi đã vượt qua được giai đoạn ấy rồi, tôi tự thấy mình như đã lột xác. Có lẽ chỉ khi con người ta gặp phải một biến cố, thăng trầm nào đó thì mới có thay đổi, sống khác đi và trưởng thành lên được. Như chỉ khi rơi xuống đáy sâu nhất của nỗi thất vọng, tôi mới có thể tự tìm được lối lên.
Cảm giác thất vọng về bản thân là vô cùng tiêu cực và bế tắc. Và vượt qua nó tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, rèn luyện bản thân suốt những năm tháng sau đó, để trở nên vững vàng và mạnh mẽ hơn về tinh thần, để từ đó khẳng định và chứng minh được giá trị bản thân.
Nếu thời gian có quay trở lại, nếu cuộc đời bắt tôi phải đối diện với quá khứ ấy một lần nữa, tôi vẫn luôn biết ơn và sẵn sàng đối diện, bởi quá khứ đó đã tạo nên tôi của ngày hôm nay, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, một phiên bản dần hoàn thiện hơn.
Tôi không muốn đổi thay chút nào những trải nghiệm đã qua, cho dù hành trình đó chẳng dễ chịu chút nào, mà chỉ toàn là gập ghềnh sỏi đá.
Bởi nhờ có quá khứ đó, tôi mới được trở thành chính mình của hiện tại.
. . .
.
.
,
,