Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
cho đi

Nhìn xuống để thương người thua mình

Posted on 19/07/202421/06/2024 by admin

Đợt đi thiện nguyện với trẻ em cùng cao, đoàn thiện nguyện quyết định trao tặng tập sách, tôi thấy trong mỗi phần quà có kèm theo 1 đôi dép tổ ong nhỏ.

Khi được hỏi, thì anh/chị trong đoàn có chia sẻ rằng: những đứa trẻ ở đây đều ít khi mang dép và hầu hết là không có dép để mang. Chúng leo rừng lội suối mỗi ngày với đôi chân trần, có khi bị gai đâm đến mưng mủ.

Thật vậy bạn ạ, có bao giờ chúng ta nhìn lại mới thấy mình đã có quá nhiều rồi không, bản thân trước đây cũng từng mua rất nhiều thứ mà không kiểm soát, mua vì thích chứ không phải vì cần. Chỉ việc đi làm mà có đến tận 7, 8 đôi giày nào là cao gót, búp bê, sandal để thay đổi. Trong khi đó có những người không có 1 đôi dép tử tế để mang.

Như nhạc sĩ Lê Hựu Hà có viết:

“Hãy nhìn xuống đây để thấy thương người thua mình.

Vẫn gượng sống vui với niềm tin.

Hãy nhìn xuống chân để lắng nghe nỗi bất bình” – Hãy nhìn xuống chân

Nhìn xuống mới thấy thương hơn những đôi chân còn quá nhiều thiếu thốn. Có đôi chân còn quá nhiều gánh nặng, cũng có những đôi chân phải bước đi ngày đêm để giẫm đạp lên nhau chỉ vì muốn vượt lên phía trước.

Lâu lắm rồi tôi không có mua quần áo mới hay nói khác hơn là không còn thói quen mua sắm không kiểm soát nữa. Trước đây có thể mua vì thấy đẹp, có đợt giảm giá khuyến mãi, mua vì sắp đi dự một cái tiệc nào đó, mua vì thấy người khác mặc đẹp hay mua vì người khác nói đẹp đó mua đi. Mà không cân nhắc suy nghĩ xem mình sẽ mặc nó như thế nào, mặc được vào những dịp nào, mặc được bao nhiêu lần, có dễ phối cùng với những món đồ mình đang có sẵn ở nhà hay không? Và rồi kết quả là những cái đầm chỉ mặc đúng duy nhất một lần vào buổi tiệc đó và không bao giờ mặc lại nữa.

Giờ đây tôi không chọn quần áo vì kiểu cách, thời trang, xu hướng, thương hiệu hay ánh nhìn của những người xung quanh, tôi chọn quần áo vì nó làm cho tôi cảm thấy thoải mái, làm cho tôi có được sự dễ chịu và có thể yêu thương được cơ thể chính mình, chứ không phải là sự chiều chuộng chính mình như trước kia.

.

Càng cho đi, sẽ càng có nhiều khả năng nhận được. Hành động cho đi sẽ ý nghĩa vô cùng to lớn khi ta biết rằng việc cho đi đó không lấy đi của ta bất cứ điều gì mà ngược lại nó sẽ làm tăng trải nghiệm của ta lên gấp bội.

Có câu chuyện kể rằng, một lần nọ một trong những đồ đệ của Phật đã nói: Con sẽ trao mọi niềm vui, sự thiền tịnh, mọi tài sản quý giá bên trong con cho thế giới này, trừ hàng xóm của con bởi hắn thật đáng kinh tởm. Phật nói với đồ đệ rằng: Con hãy quên thế giới này đi, chỉ cần trao nó cho hàng xóm của con.

Nghĩa cơ bản của lòng trắc ẩn là chấp nhận những yếu kém của người khác, không phải mong đợi người khác hành xử như những thánh nhân. Lòng trắc ẩn không phải là mối quan hệ, nó chỉ đơn giản là bản thể của ta. Ta thích bày tỏ tình yêu thương đối với cây cối, với chim muông, với con người một cách vô điều kiện mà không chờ sự hồi đáp.

Và ta cũng cần hiểu rằng khi mình cho đi, mình đối xử tốt với ai đó, không có nghĩa là sẽ được người ta đối xử tốt lại, không phải làm ơn rồi sẽ được trả ơn. Đôi khi chúng ta nhận được không đáng với công sức bỏ ra, nhưng cuộc sống ngoài trả bằng vật chất còn đền đáp bằng tinh thần, vui với việc mình làm là được. Miễn sao khi mình giúp được ai đó, mình thấy vui, thấy an. Bấy nhiêu đó đã là quá đủ rồi. Bởi cho đến cuối cùng cốt lõi của việc cho đi và giúp đỡ người khác cũng chỉ để thấy vui và thấy an thôi mà.

Không quá kỳ vọng vào những gì mình sẽ nhận được. Cuộc sống luôn mang đến những bất ngờ, chính vì bất ngờ nên mới thú vị.

Nhà sư Ajahn Jayasaro có lần nói đến một kỹ thuật thiền: nhớ lại những hành động tốt, những cử chỉ từ tâm mà mình đã làm trong quá khứ. Dù mình đã làm việc tốt ấy cách đây mười năm, hai mươi năm, nhớ lại trong lúc ngồi thiền giúp tâm sáng lên một cách bất chợt. Như một viên ngọc chợt sáng lên từ dưới đáy nước, những hành động từ tâm ấy, dù lâu đến bao nhiêu đi nữa, vẫn còn đấy, gặp dịp là hiện ra, mang lại hoan hỷ trong lòng.

Phật giáo nhắc rất nhiều đến việc bố thí. Và ta cần phải hiểu thật rõ và thật sâu về ý nghĩa của 2 từ này.

Bố thí đâu chỉ là cúng dường, đâu chỉ là làm việc từ thiện. Bố thí cũng có nghĩa là cho, nhưng là cho mà không thấy người cho, không thấy những lời tán dương ca tụng, cũng là cho cả những thứ vô hình chứ không nhất thiết là vật chất hữu hình.

Cho như vậy, ai cũng có thể cho đi, chứ không phải người dư dả giàu có mới cho được, vì đâu có phải chỉ có tiền, có tài sản, vật chất, mới gọi là cho. Cho một tiếng cười cũng là cách bố thí. Một lời nói dịu dàng. Một cái nhìn trìu mến. Một lời cám ơn. Một cái ôm. Một ánh nhìn. Một lời chào. Một lời xin lỗi. Một lời tha lỗi. Như cây cho bóng mát xuống mặt đường, nó cứ việc toả bóng mát đâu cần ai cảm ơn hay nhắc nhở điều gì. Cho đi với tấm lòng thiện và cái tâm rộng mở.

Nhặt rác bỏ vào thùng, không cần biết đó là rác của mình hay của người, đó là cho môi trường thêm sạch đẹp. Dắt một người mù qua đường là cho sự ấm áp, cho tình thương người.

Nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng người khác cũng là cách cho đi, bởi lịch sự là đem niềm vui đến cho người và cho mình. Lịch sự với người bắt đầu bằng lịch sự với mình, và lịch sự với mình bắt đầu bằng lịch sự với thân thể, quần áo, thái độ, cử chỉ, nói năng, đi đứng.

Miệng mở ra nói lời “cảm ơn” thể hiện sự trân trọng của người nhận, mà cũng đem lại niềm vui cho người cho. Cái miệng đẹp nhất là khi nở nụ cười. Nụ cười khi nhận là đã đẹp, nụ cười khi cho đi vô điều kiện ấy lại càng đẹp hơn.

Nhân cách của một người được thể hiện thông qua những hành động, cử chỉ dù là nhỏ nhất, những điều tưởng chừng như vụn vặt. Cũng như thế, nơi một chuyện vặt, nhiều khi tôi học được nhiều bài học hay.

Người lớn cho cái bánh, tôi sẽ cầm với cả hai tay. Khi ngồi, tôi sẽ không ngồi đối diện với người lớn. Nói chuyện với người lớn, tôi luôn bắt đầu bằng từ “dạ”. Có lẽ bạn sẽ cười tôi vì thứ lịch sự rườm rà đó, hay có khi sẽ cười gia đình tôi vì giáo dục quá nghiêm khắc. Nhưng thử tưởng tượng bạn cho đứa nhỏ một cái bánh, nó sẽ nhận bằng 2 tay và cúi đầu cảm ơn, mắt nó sáng lên, miệng nó cười tươi, mình cho kẹo mà còn thấy vui hơn cả người nhận. Liệu lúc đó bạn có còn cười cái thứ lịch sự rườm rà ấy nữa không ?

Tôi nghĩ “Cảm ơn” là hai từ mà người lớn nên dạy cho trẻ nhỏ, dạy để con biết rằng con không phải là trung tâm của vũ trụ này, con cũng là một thành phần của xã hội, của cộng đồng. Để con biết ngoài bản thân ra thì vẫn còn có những người xung quanh. Để con ngoài việc biết nhận còn phải biết cho đi nữa, biết chia sẻ với những người còn khó khăn hơn mình. Khi được người khác cho thì phải biết đáp lại bằng một lời “cảm ơn” hay bằng một món quà khác, dù nhỏ, dù chẳng có gì, nhưng miễn xuất phát từ tấm lòng, bấy nhiêu đó là đủ.

Phật nói: Người biết cho đi ắt là người biết quên mình. Quên mình thì an lạc. An lạc thì thành công trong cuộc đời.

“Khi con trao tặng ai một đoá hoa hồng, tay con sẽ ướp đẫm mùi hương.”

Một tấm lòng bình an, một tấm lòng đủ rộng, một trái tim biết thương nhưng không cần thương lại, một tấm lòng biết cho đi nhưng không cần đáp trả, đó là lúc chúng ta bình an, tự do và hạnh phúc lắm bạn ạ. Vậy nên cứ gieo đi từng chút, từng chút một, bạn nhé.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.