Tôi vẫn luôn biết ơn cuộc sống này vì cuộc đời này đã cho tôi có được sự lạc quan (mặc dù không phải lúc nào tôi cũng thế).
Khi đối mặt với những khó khăn hay một vấn đề nào đó xảy đến trong cuộc sống, vì có được sự lạc quan nên tôi dễ tìm ra cách. Tôi gọi tên được cảm xúc. Tôi biết sẽ có một chút hụt hẫng, tiếc nuối khi mọi thứ không diễn ra theo mong muốn của mình, nhưng bằng sự lạc quan tôi tự nói với chính mình:
Ừ! thì thôi, lần sau mình quay lại, mình thử lại.
Lạc quan đôi khi nó cũng cần có thêm sự kiên nhẫn. Nên tôi luôn thấy rằng, không có gì làm khó được mình .
Tôi thích ví cuộc đời này như một đại dương (hơn là một dòng sông hay ao hồ). Mà đại dương mênh mông thì luôn tồn tại những con sóng lớn, nhỏ khác nhau. Và những con sóng đó sẽ luôn chuyển động không ngừng. Còn chúng ta sẽ là người cầm lái con thuyền đi trên đại dương mênh mông đó, để đương đầu với những con sóng, những thách thức đó.
Đôi khi ở một số thời điểm, khi bị rơi vào sự bế tắc, tôi cũng tự hỏi chính mình rằng: “Liệu vốn sống của mình đã đủ chưa? Đủ nhiều, đủ vững chắc để có thể đối diện với nó hay chưa? Hay mình phải đối diện với nó như thế nào đây?
Thứ nhất là tôi sẽ không chọn bỏ cuộc mà là thẳng thắn nhìn nhận và đối diện, bởi cuộc sống này đôi khi có những thứ chúng ta không thể lựa chọn được. Chúng ra không có quyền lựa chọn câu chuyện cho cuộc đời mình, cũng như không có quyền lựa chọn bối cảnh, xuất thân, nguồn gốc bắt đầu của câu chuyện.
Chúng ta sinh ra ở đâu, khi nào, bố mẹ là ai, màu da sắc tộc ta đang có là gì, những tổn thương mà ta phải mang theo trong suốt quá trình trưởng thành ra sao. Tất cả đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, đều đã được định đoạt trước, hay nói cách khác chúng ta không thể nào quyết định được phần mở đầu của câu chuyện.
Tôi nhận ra rằng, bản thân tôi có quyền chọn lựa cách phản ứng với sự việc. Tôi có thể đau khổ, hoặc hi vọng, tôi có thể tuyệt vọng hoặc hạnh phúc. Tôi có quyền quyết định việc tôi sẽ là ai và trở thành con người như thế nào. Chúng ta luôn có sự lựa chọn, một cơ hội để nắm trong tay quyền kiểm soát.
Tôi đang ở đây, bây giờ và hiện tại, tôi đã học được cách nói chuyện với bản thân như thế, hết lần này đến lần khác, cho đến khi cảm giác lo lắng dần lắng xuống. Chúng ta không thể chọn một cuộc sống vắng mặt khổ đau, nhưng chúng ta có thể chọn để được tự do và trở nên mạnh mẽ hơn.
Có lẽ tôi luôn chọn sự mạnh mẽ.
Mạnh mẽ và kiên trì để vượt qua mọi thứ, nhưng khái niệm về mạnh mẽ đối với tôi không có nghĩa là mình phải gồng lên, hay mạnh mẽ là bất cần sự trợ giúp của một ai khác, mà mạnh mẽ tôi có được đó là sự dám thừa nhận và đối diện với chính mình. Thừa nhận rằng đôi lúc bản thân tôi vẫn có sự yếu đuối. Tôi biết rằng những giới hạn bản thân tôi cần phải vượt qua nó không nằm ở bên ngoài – mà ở ngay bên trong chính tôi.
Tại vì ngày xưa thì tôi lại là người gần như muốn giải quyết mọi thứ một mình, bởi vì tôi nghĩ cho đến cuối cùng tôi phải là người cảm thấy hạnh phúc,tôi tự thấy mình mới có thể giải quyết được. Nhưng đôi lúc tôi thấy như đang tự đóng khung chính mình, tạo nên một không gian chật chội để dồn nén chính cảm xúc của bản thân.
Giờ đây mỗi khi gặp một vấn đề nào đó, tôi đều luôn áp dụng quy tắc 80/20. 80 phần trăm bản thân sẽ cố gắng tìm giải pháp, bởi cho đến cuối cùng bản thân tôi mới là người quyết định cuộc đời mình.
Còn 20 phần trăm còn lại tôi dành cho cảm xúc, cho sự yếu đuối bên trong con người mình, tôi thử mở lòng để nhận sự trợ giúp từ những người xung quanh, ví dụ như về mặt tinh thần, tôi cần được chia sẻ, cần được trò chuyện, cần được quan tâm.
Tự do nằm ở việc học cách đón nhận những gì đã xảy ra. Tự do có nghĩa là gom đủ dũng khí để phá bỏ những giới hạn cũ, dù chỉ là từng suy nghĩ nhỏ nhất.
. . .
Cuộc đời vốn dĩ là những con sóng.
Nên giờ đây mỗi khi cảm thấy bị bó hẹp hay đóng khung một lần nữa, tôi chủ động mở lòng mình, mở cánh cửa đó thêm một lần nữa, để đối diện với nó. Để tâm trí có được sự bình lặng. Dần dần theo thời gian trải qua hành trình trưởng thành, tôi tự tích luỹ thêm vốn sống mỗi ngày.
Hầu hết tất cả chúng ta mỗi khi vui chúng ta chỉ tận hưởng niềm vui đó mà ít khi dành sự chú tâm và quan sát sâu sắc về chúng, những khi đó chúng ta khá chủ quan.
Đến khi phải đối diện với nỗi buồn, thì mình lại chọn cách ôm nó vào trong, để rồi tự nhốt bản thân kẹt lại với những nỗi buồn đó. Ta nói nhiều về nỗi buồn, nhưng ít khi nói về niềm vui.
Vậy nên việc đầu tiên cần làm là nhận diện được cảm xúc.
Khi ta vui ta biết mình đang vui, mình nhận thức được vì sao nó mang đến niềm vui cho mình, mình biết ơn và trân trọng cảm xúc đó, khoảnh khắc đó, mình không chủ quan, mình đừng để bị phụ thuộc hay cố tìm mọi cách để bám chấp vào hạnh phúc đó.
Và khi mình buồn mình lại càng phải nhận diện được cảm xúc đó rõ ràng hơn nữa, chứ không phải chỉ lúc vui mình mới để ý, còn đợi đến khi mình buồn rồi, mình tổn thương rồi, thì mình mới bắt đầu chú ý đến nó.
Mình phải chú ý đến nó ngay từ khi nó vừa mới bộc lộ suy nghĩ hay cảm xúc đó thôi là mình đã phải nhận diện được nó rồi. Chứ không phải đợi đến khi mình tức giận xong rồi, mình tổn thương rồi, mình mới nói là mình tức giận.
Cả niềm vui và nỗi buồn mình đều phải biết cách để cân bằng nó.
Điều thứ 2 quan trọng là mình gọi tên nó như thế nào.
Những lúc mình vui mình chỉ tận hưởng mà ít khi chịu đặt câu hỏi vì sao. Đến lúc mình buồn thì mình lại không ngừng than trách, không ngừng đặt những câu hỏi, không ngừng đổ lỗi, tại sao lại là tôi, tại sao tôi phải chịu những điều như thế này.
Cuộc đời này luôn tồn tại song song niềm vui và nỗi buồn. Bởi vì cuộc đời này là muôn màu muôn vẻ, đẹp xấu là tuỳ vào cách mà mình thấy. Chứ không phải là lúc vui thì cuộc đời mới đẹp, còn lúc buồn thì cuộc đời lại xấu. Điều ta cần làm là nhận diện, gọi tên cảm xúc, không so sánh và phán xét nó.
Cuộc đời này, vũ trụ này sẽ luôn gửi đến cho ta những bài toán thông qua những khó khăn, thử thách, và khi ta được vốn sống đủ nhiều, đủ vững chắc (vốn bạn bè, vốn kiến thức, vốn hiểu biết, vốn trải nghiệm, vốn network) thì khi đối mặt với bất cứ vấn đề nào ta cũng sẽ tràn đầy sự tự tin, còn khi không có đủ số vốn đó thì mình có làm gì đi chăng nữa, mình vẫn cảm thấy chênh vênh.
Tôi luôn nhìn nhận những sóng gió đến với cuộc đời tôi như những bài toán. Tôi không thấy nó xấu. Tôi thấy nó thú vị. Tôi thấy cuộc đời rất hay và tôi biết ơn điều đó. Vũ trụ đã gửi đến cho tôi những bài toán vì vũ trụ có niềm tin rằng tôi sẽ giải được nó.
Tôi đang tự do và tôi cũng đang trên hành trình đi chinh phục sự tự do này, bởi khi tôi có được sự tự do, tự do cả trong tâm trí, khả năng tư duy, một vốn sống đủ đầy, thì dù cuộc đời có thêm bao nhiêu con sóng nào nữa, tôi tin mình vẫn có thể vượt qua được.
. . .
.