18 tuổi, tôi bắt đầu công việc làm thêm tại một quán kem trà sữa, 22 tuổi tôi làm thu ngân siêu thị, tuổi 23 tôi làm telesale, tuổi 24 tôi bước chân vào ngành dịch vụ khách hàng, 25 tuổi tôi đứng quầy pha chế, phục vụ cho quán cafe của mình.
Cứ vậy, mỗi công việc đi qua, đều dạy cho tôi những bài học.
Điểm chung của những bài học này là dạy tôi cách cảm thông và thấu hiểu.
Tôi hiểu được công việc mà những người phục vụ phải làm, từ đó có cái nhìn và cách hành xử khác đi. Tôi biết dọn gọn tô nĩa phần ăn của mình, tôi kéo lại ghế sau khi đứng lên, tôi nói chuyện nhẹ lời với người phục vụ, và luôn nói lời cảm ơn vì họ đã cho tôi có được một bữa ăn ngon.
Tôi không hối thúc những bạn thu ngân trong siêu thị, bởi tôi hiểu được lượng khách hàng quá tải mỗi cuối tuần, tôi hiểu đôi chân họ đã phải mỏi ra sao.
Tôi không nhìn những người pha chế như những công việc nhàn hạ và hào nhoáng, bởi tôi hiểu cảm giác khi nhận được những lời khen chê góp ý của 9 người khách hàng với 10 khẩu vị, tôi hiểu đôi tay và đôi chân của họ phải vất vả như thế nào, tôi hiểu niềm vui của phần típ nhỏ hay câu: em ơi khỏi thối, và cảm ơn em.
Tôi im lặng, kiên nhẫn nghe hết lời của một bạn telesale, khi là bảo hiểm, khi là chứng khoán, khi là nhà đất, thậm chí là lừa đảo hay vay tiền, công việc nhẹ lương cao. Mặc dù rất phiền, nhưng có lẽ cái phiền đó chẳng đâu vào đâu với một người phải nổ lực để có công việc nuôi sống bản thân mỗi ngày, nổ lực của một người bán hàng. Tôi hiểu đó là phần việc mà họ phải hoàn thành, bởi tôi nể phục sự điều chỉnh về cảm xúc khi liên tục nhận hằng trăm lời từ chối, những cú dập máy (đôi khi có vài phần từ chối vô cùng bất lịch sự).
Những bài học ấy dạy tôi chậm lại trước khi buông ra một lời chỉ trích, phán xét hay có khi một lời chê, một lời góp ý, một lời đóng góp vì không hài lòng, lúc ấy sẽ chọn cách nói, cách thể hiện sao cho thể hiện rõ nhất quan điểm của mình nhưng tránh công kích cá nhân hay làm tổn thương người khác.
Còn nếu là lời chê chỉ cốt để thấy mình hơn người, thấy mình đúng và họ sai, thì sẽ thôi, sẽ dừng lại.
Vì chính tôi ngày xưa ấy cũng từng sợ hãi run rẩy, khi khách hàng lớn tiếng vì tính sai tiền.
Vì chính tôi ngày xưa cũng từng làm vỡ ly tách, từng ngủ gật vì ca tối làm về muộn.
Vì chính tôi ngày xưa cũng từng khóc oà khi gặp phải những khách hàng khó tính và khó chiều.
Và tôi đã đi qua, tất cả những điều đó, để thấy mình khác hơn, hiểu chuyện hơn, cảm thông hơn, rộng lòng hơn, nhẹ nhàng hơn, và thương nhiều hơn.
.
.
.
.
.
.