Trong cuộc sống, cái chết là một đề tài ít được nhắc tới đối với nhiều người, đặc biệt là trong nền văn hoá phương Đông thậm chí còn là điều cấm kỵ. Vì nó đem đến nhiều suy nghĩ đau buồn, thậm chí gợi điềm xúi quẩy.
Nhưng sống ở đời luôn có những thứ bất ngờ, nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, ví như chuyện thiên tai, lũ lụt, tai nạn, hay khi nghe tin một người quen biết vừa qua đời vì bệnh tật, và cả những lúc bản thân ta cũng phải đối diện với sinh tử của chính mình, khiến ta không khỏi nghĩ về cái chết.
Và mỗi lần như thế, bản thân tôi lại có những sự chiêm nghiệm và mở ra những góc nhìn mới về chuyện sinh tử và cái chết.
1.
Nói tới chuyện chuyển công việc, tôi vừa mới đăng kí thi một vị trí công việc mới, có thể nói là chuyên ngành hoàn toàn mới với tôi từ trước đến nay. Dĩ nhiên, với tính tham lam muốn thử sức ở một lĩnh vực mới, mà bản thân cũng không chắc là có vào nổi hay không.
Tôi có một cảm nhận mơ hồ rằng mỗi một công việc rồi sẽ dẫn tôi đi theo những con đường khác nhau, với những trải nghiệm khác nhau và những tương lai khác nhau.
Tôi không biết được tương lai phía trước rồi sẽ như thế nào, liệu tương lai đó có phù hợp với tôi hay không, hay nó sẽ biến tôi trở thành con người như thế nào.
Và bản thân thì cứ phân vân suy nghĩ mãi. Mỗi khi đứng giữa ngã 3 đường, đứng trước những sự lựa chọn, không biết chọn hướng nào, cảm giác thật là băn khoăn.
Khi nào đậu rồi sẽ tính. Biết đâu không đậu thì sao.
Biết đâu vài tháng nữa tự nhiên thấy anh chàng nào, rồi lại say nắng, rồi lại kết hôn, rồi lại chuyển sang một công việc hay cuộc sống hoàn toàn mới. Cũng đâu biết rồi ngày mai mình còn hiện diện trên cuộc đời này nữa hay không?
Vậy nên thôi cứ sống tốt được ngày nào biết ngày đó vậy, làm tốt hết sức trong hoàn cảnh hiện tại thôi.
2.
Mấy hôm nay đang đọc quyển Amrita. Quyển sách với những câu từ rất đẹp, trong đó có một đoạn thế này:
“Mãi gần đây tôi mới nghiệm ra rằng, con người, hiện hữu trong một thực thể rắn chắc trước mắt mỗi chúng ta, thực ra chỉ là một thứ yếu đuối, đến mức chỉ cần va đập nhẹ với bất cứ thứ gì cũng sẽ tan vỡ một cách rất dễ dàng. Những con người tôi biết, những con người tôi yêu thương, những cái lòng đỏ trứng gà sống, lại tồn tại thêm một ngày nữa… Thật kỳ diệu là họ, chuyển động giữa hàng trăm thứ có thể hủy hoại họ bất cứ lúc nào, lại có thể kết thúc một ngày bình yên vô sự. Ý nghĩ đó cứ bám riết lấy tôi”.
“Mỗi khi một người thân quen mất đi, phải chứng kiến những tiếng bi thương của những người xung quanh, tất nhiên tôi cũng đôi chút ngỡ ngàng chưa thể tin ngay rằng nỗi đau đến vậy là có thật, song ngẫm lại, sự bàng hoàng đó có lẽ không đáng gì so với điều kỳ diệu là con người đó đã sống đến tận giây phút ấy. Và cứ nghĩ như thế, tôi có cảm giác rằng tuy chúng ta đang sống nhưng cái sự sống đó có thể dừng lại bất cứ lúc nào…” – Trích Amrita.
Thế Amrita có nghĩa là gì?
Amrita là thứ nước cam lộ quý giá chữa lành tâm hồn. Nghĩa là thứ nước mà thần linh dùng để uống, người ta vẫn hay gọi là “Cam lộ” đó! Ý là mỗi ngày sống trên đời cũng giống như từng giọt nước ta uống vậy. Amrita được xem là giọt nước mắt, thứ nước có thể chữa lành lòng người.
Đọc tiểu thuyết giúp tôi hiểu ra rằng, cuộc đời này vốn vô thường, cái chết như 1 phần rất đỗi bình thường của cuộc sống. Một người hôm nay còn hiện diện, có thể hôm sau lại không, đó là cách mà thế giới xung quanh vận hành.
Nhìn những người xung quanh mình, những con người bình thường tưởng chừng có cuộc sống an yên lại chất chứa trong lòng nhiều tâm tư, cảm xúc phức tạp. Những tâm hồn mong manh đang cố gắng chống chọi giữa cuộc đời, trước hoàn cảnh khắc nghiệt, đối diện với những giấc mộng vỡ tan, sự ly biệt, mất mát, nỗi tổn thương nhưng rồi họ vẫn học cách vực dậy để tiếp tục tồn tại. Họ học cách đối diện và không bao giờ chọn cách từ bỏ.
Nhìn những đứa trẻ sơ sinh vừa chào đời, một sức sống mới. Rồi trong quá trình chúng lớn lên, có biết bao nhiêu là thứ nguy hiểm và đe doạ từ cuộc sống ngoài kia: bệnh tật, tai nạn, biến cố, và nhiều thứ nguy hiểm khác nữa..v.v. Tất cả đều đang de doạ lên cuộc sống của chúng hằng ngày.
Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng khi bao nhiêu các rủi ro tiềm ẩn đó lướt qua trong đầu, tôi chợt nhận thấy rằng cuộc đời này vô thường biết bao, sự sống này vốn mong manh, chẳng có điều gì là chắc chắn hay cố định mãi mãi.
Sự tồn tại của chính mình, của những người thân yêu trong gia đình, của những người xung quanh tôi nữa, tất cả những người mà tôi yêu thương cho đến giờ phút này, quả thật là một phép màu. Một điều vô cùng may mắn.
Nghĩ như vậy, tự dưng lại thấy cuộc sống mới nhiệm mầu và kỳ diệu làm sao. Mỗi ngày còn nhìn thấy ánh mặt trời thực sự là một phước lành của sự sống.
3.
Thực hành chánh niệm, có thể hiểu nôm na là học cách sống chậm, để có thể cảm nhận rõ hơn mọi thứ đang hiện hữu ngay trong hiện tại này đây.
Làm mọi thứ một cách chậm rãi hết mức có thể và tạm thời ngắt đi những kết nối bên ngoài. Điều này nghe qua có phần mâu thuẩn so với một xã hội vốn hiện đại và vội vã như hiện nay, một xã hội đang thời kỳ công nghiệp hóa và coi trọng tốc độ.
Nhưng không hiểu sao mỗi lần được làm quen lại với nếp sống chậm rãi ấy, tôi lại thấy một cảm giác yên lòng, một sự thoải mái, thực sự nhẹ nhõm, được toàn tâm toàn ý và hoàn toàn chìm đắm vào thế giới bên trong chính mình. Quan sát rõ hơn sự vận động của thân, tâm, ý, dẫn đến những lối hành xử của chính mình.
Tôi nhận thấy cuộc sống của mình giờ đây mỗi ngày trôi qua một cách khác đi. Thấy bản thân không còn nhiều mong cầu ham muốn nữa, thấy mãn nguyện và bằng lòng với hiện tại nhiều hơn.
Tôi không còn bận tâm quá nhiều về việc người khác sẽ nghĩ gì về mình, về việc mình phải sống theo một chuẩn mực chung của số đông hay xã hội đặt ra. Không phải bon chen đua đòi với ai hay so sánh ghen tỵ với bất kỳ người nào khác. Cũng thấy cởi mở, bao dung và học cách tha thứ cho những lỗi lầm của chính mình và cũng như những lỗi lầm của người khác.
Ai rồi cũng phải tự đi trên hành trình trưởng thành của cuộc đời mình. Và ai thì rồi cũng sẽ phải chết.
Và một lần nữa, trên tất cả, đó là cảm giác bình an hơn bao giờ hết. Tận hưởng từng khoảnh khắc bình dị nhỏ nhặt của cuộc sống. Tận hưởng từng phút từng giây mình còn hiện diện trên cõi đời này.
4.
Dạo gần đây, liên tục có những câu hỏi tự đặt ra cho chính mình. Bởi từ khi theo đuổi lối sống tối giản, bớt quan tâm đi nhiều thứ kể cả những mối quan hệ tiêu cực.
Tự hỏi liệu mình có đang sống lạnh lùng hay bất cần quá không?
Sự điềm tĩnh, sâu sắc, dịu dàng, bình an mà mình đang có liệu có phải thật không? Hay chỉ là lớp vỏ bọc mình đang cố tạo nên.
Liệu mình có đang bị ngộ nhận và thay đổi theo chiều hướng xấu hơn không?
Sự thay đổi về môi trường, những thói quen xấu, những điều tiêu cực xung quanh liệu có ảnh hưởng nhiều đến mình hay không? Tâm tính mình có trở nên xấu đi hay không?
Nhưng rồi lại chợt nghĩ.
Môi trường hay tác động từ những yếu tố xung quanh, suy cho cùng đều là những điều kiện bên ngoài, mà nếu đã là yếu tố bên ngoài thì cũng không thể làm thay đổi triệt để tính cách, nếu cái gốc cái cốt lõi bên trong của mình thực sự vững vàng.
Tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày đều sẽ học cách nhận biết rõ ràng thực tại và tìm cách nuôi dưỡng những phần tốt lành bên trong mà bản thân muốn hướng tới.
Nuôi dưỡng cái phần tâm và ý mà bản thân mình yêu quý trong mình, cái con người mà mình muốn trở thành đó. Nhổ đi cỏ dại rồi trồng thêm hoa, chăm sóc cho khu vườn tâm của chính mình, kiến tạo không gian cho những hạt giống tốt lành được sinh sôi nảy nở. Và rồi trong những ngày suy nghĩ, phản tư, rèn luyện và tu dưỡng tâm tính, chả biết sao thấy suy nghĩ lại quay về với cái chết.
Nhìn nhận lại cuộc đời mình, sống đến gần tuổi băm của đời người, tôi may mắn vì thấy cuộc đời đã ưu ái cho tôi có được quá nhiều thứ.
Tuổi thơ trọn vẹn bên gia đình đầy đủ tình yêu thương của cha và mẹ. Hành trình trưởng thành cũng không đến nổi quá khó khăn hay trải qua nhiều mất mát đau khổ như một số người bất hạnh khác ở đời.
Nhưng cũng không tránh khỏi những lúc tiêu cực, khi trong những lần cảm xúc chạm đáy, khiến trong đầu không khỏi nảy lên những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một kiếp người: “Cuộc sống này sao quá nhiều đau khổ, chết đi chắc nhẹ hơn”.
Và khi những cảm xúc tiêu cực ấy qua đi, cứ mỗi sớm mai thức dậy, thấy phổi vẫn còn căng tràn những hơi thở, thấy lòng vẫn tràn đầy tình yêu thương và sự biết ơn vì lại được đón thêm một ngày mới với cơ thể và tâm trí trọn vẹn này.
5.
Trong cuốn “Đường xưa mây trắng”, Đức Bụt từng dạy rằng: Sống ở đời, càng thương nhiều thì càng bị ràng buộc nhiều, càng bị ràng buộc nhiều thì càng khổ đau nhiều. Đời là cõi tạm, nên thân xác chúng ta đang mang này cũng là tạm, nếu quá bám chấp những cái tạm thì chúng ta sẽ còn khổ.
Cho nên những người thân yêu của ta trong kiếp này, về bản chất họ là những linh hồn tự do, hết kiếp sống này họ lại sẽ đi tìm kiếp khác. Vậy yêu quý người nào đó, thì phải biết cách yêu cả tâm hồn họ, con người họ, nhưng đừng gắn bó với cái thể xác, cái tạm thời của họ. Ta vẫn sẽ yêu nhưng tình yêu của ta vượt lên trên mọi sự sở hữu bám chấp. Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương, có duyên gặp gỡ trong một kiếp người đã là may mắn lắm rồi.
Và khi đọc Osho, tôi có lời giải đáp cho riêng mình khi đối diện với cái chết. Điều làm tôi tâm đắc là cách nhìn nhận của ông về cái chết, Osho bảo: chết là một phần tất yếu của sự sống. Vạn vật vô thường, cái chết đến mà không báo trước. Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào và mặc dù rất khó chịu khi nghĩ về nó, nhưng ta vẫn không bao giờ thoát được viễn cảnh đó. Vô thường là cầu nối giữa sinh và tử, khiến mỗi bước chúng ta đi đều không thể chắc chắn.
Trong cuốn tiểu thuyết “All Men Are Mortal – Ai rồi cũng chết” của nhà văn Simone de Beauvoir có đoạn: Nhân vật chính là Raymond Fosca, nhờ uống một loại thuốc vào thế kỷ 14 mà trở nên bất tử. Ban đầu, ông cho rằng sự bất tử là một phúc lành. Nhưng rồi, ông dần nhận ra món quà bất tử của mình cũng đồng thời là một lời nguyền, khi tất cả người thân của ông qua đời, và ông đâm chán nản tuyệt vọng. Cái chết có thể đáng sợ, nhưng thay vào đó là sự bất tử thì còn kinh khủng bội phần.”
Ý thức về cái chết giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn. Từ ngày xưa những người Ai Cập cổ đại đã thấm nhuần tư tưởng này. Trên các bàn tiệc, họ đem vào những bộ xương người chết để nhắc mỗi người nhớ về số mệnh của mình. Còn người Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng rõ điều này không kém: “Hãy tự thuyết phục bản thân rằng mỗi một ngày mới đều có thể là ngày cuối trong đời”.
Thực sự con người chúng ta đang không ngừng thay đổi mỗi phút mỗi giây, giống như mọi thứ khác trong thế giới hữu hình và vô hình này vậy. Có đến 50 đến 70 tỷ tế bào trong cơ thể chúng ta chết mỗi ngày, cho phép hàng tỷ tế bào mới được sinh ra và tồn tại trong thoáng chốc. Không có cái chết thì không có sự sống.
Như trong năm có bốn mùa xuân hạ thu đông. Như trời có lúc mưa lúc nắng. Như ngày và đêm nối tiếp nhau, 12h mặt trời mọc, 12h mặt trời lặn. Như ngày chỉ có 24 giờ. Như hoa nở rồi lại tàn. Như cây xanh rồi lại úa. Đó là quy luật cuộc sống. Mà đã là quy luật của sống thì ta không thể thay đổi được, bởi tiềm năng con người có hạn. Vậy nên ta chỉ có thể hai lựa chọn, 1 là chấp nhận và thuận theo nó, 2 chống lại và bị diệt vong.
Giống như nhiều người khi đối diện với nỗi đau, mất mát hay thậm chí là cái chết. Họ thường cảm thấy sợ hãi và tìm cách trốn tránh, họ không ngừng đặt ra những câu hỏi tại sao, họ không muốn nhận lấy những nỗi đau đó.
Trong bộ phim “Hạ cánh nơi anh”, nhân vật nữ chính từng ý định tự tử, cô kể lại trải nghiệm sinh tử của mình rằng khi một người đang đối mặt với cái chết, trong đầu họ hiện lên tất cả những khoảnh khắc trong cuộc đời từ lúc còn là 1 đứa bé cho đến khi trưởng thành, giống như đèn kéo quân, liên tục những hình ảnh trong suốt cuộc đời lần lượt được hiện ra.
Nhưng chỉ cần có thể lựa chọn bình an đối diện và nhìn nhận, thì cuộc sống sẽ mở ra một hướng đi hoàn toàn mới. Chỉ cần một ý nghĩ khác lướt qua trong đầu: Nếu phải chết, tại sao không chết trong an lành. Nếu nhìn lại nhưng giây phút trong cuộc đời đã từng có những khoảnh khắc hạnh phúc đến nghẹt thở, đến tưởng như có chết ngay tại lúc đó thì cũng mãn nguyện. Thế thì khi phải đối diện với cái chết thực sự, tại sao không thể an yên mà rời đi. Thế là chỉ mỉm cười, nhẹ nhàng bình thản mà đón nhận.
Nhiều người phương Tây theo lối sống vô thần và thực tế. Họ bám chặt vào những gì hữu hình, những vật chất cố định trên thế giới này. Cho nên, đối với họ, không tồn tại cái gọi là linh hồn. Chết là hết, là vĩnh biệt, là cát bụi lại về với cát bụi.
Văn hóa Phương Đông thì thường tin vào sự tồn tại của các linh hồn, của luân hồi nhân quả.
Bản thân tôi vẫn không thực sự biết có linh hồn hay không?
Nhưng vẫn nghĩ rằng cuộc sống này vốn còn nhiều điều bí ẩn và diệu kỳ mà chúng ta không thể nhìn thấy, không nhìn thấy thì không có nghĩa là chúng không tồn tại.
Nghĩ về cái chết để nhắc nhở bản thân cuộc sống này là hữu hạn. Nghĩ về cái chết là cách để sống tích cực và tràn đầy năng lượng từng ngày một. Nghĩ về cái chết và biết mình thể nào cũng chết, nên mỗi ngày trôi qua cố gắng sống tốt đẹp hơn, không lo sợ hay chần chừ khi làm những điều có ý nghĩa quan trọng với đời mình.
Bạn thân mến, nếu cuộc sống này khiến bạn phải trải qua quá nhiều nỗi đau mất mát, như khi mất đi người thân hay nếu bạn đã mất đi một mối tình, hay mất việc, thì hãy bỏ tất cả những nỗi buồn năm cũ lại phía sau. Một năm mới đến luôn mang theo nhiều hy vọng mới.
Tương lai mới.
Nổ lực mới.
Biến những điều tưởng không thể sẽ thành có thể.
Vì mỗi ngày còn được sống là vẫn còn cơ hội để thay đổi.
.
.
.
.