Mấy nay đang đọc cuốn “Phụ nữ vô hình”.
Cảm xúc khi đọc quyển sách này là thấy rằng có quá nhiều sự bất công mà phụ nữ phải đối diện, đến từ những dữ liệu và lổ hỏng dữ liệu. Những bất công diễn ra một cách có hệ thống mà phụ nữ phải chịu đựng.
Càng đọc lại càng ngạc nhiên, cũng có lúc buồn, lúc lại thất vọng vì thấy bản thân mình đã không biết những điều này trước đó.
Năm 1930, tổ chức lao động quốc tế quy định không ai nên làm quá 48 giờ/tuần tại nơi làm việc. Tuy nhiên những khuyến khích này chỉ dành cho những người làm việc có lương thôi, nó không đề cập đến những công việc không lương mà phụ nữ phải làm.
Và khi nhìn thấy mẹ mình và hầu hết những người phụ nữ xung quanh thì hầu như đến hơn 75% những công việc không lương là do phụ nữ làm. Và trung bình là họ phải dành ra từ 3-6 tiếng cho những công việc không lương ví dụ như: dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc con cái, và rất nhiều những công việc nhỏ khác nữa. Những công việc nhà này họ không được trả lương và kèm theo nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Ví dụ như ở Anh 42% những công việc bán thời gian là do phụ nữ đảm nhận, trong khi nam giới chỉ là 11%. Vậy tại sao phụ nữ lại chọn những công việc bán thời gian như vậy, dù công việc bán thời gian có mức lương rất ít, nhưng vì đây là những công việc cho họ có được sự linh hoạt có thể chăm sóc con cái và chăm sóc nhà cửa, chăm sóc cho người chồng.
Bởi khối lượng công việc không lương của phụ nữ không bắt đầu hay chấm dứt khi họ sinh con. Trong khi đó môi trường làm việc truyền thống trước nay đều thiết kế theo cuộc sống của những người lao động không vướng bận việc nhà, không phải chăm lo mẹ già con mọn. Môi trường làm việc dựa trên quy ước rằng nhân viên có thể đều đặn đi làm hằng ngày theo những giờ giấc cố định, mà không quan tâm đến giờ mở cửa hoặc vị trí của trường học, siêu thị, nhà trẻ thì môi trường làm việc ấy không dành cho phụ nữ.
Vấn đề là những công việc chăm sóc ấy lại không được tính đến, thậm chí còn được xem là mặc định. Đó là một sự thiệt thòi lớn cho phụ nữ, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thẻ chất và cả sức khoẻ tinh thần nữa, bời vì họ không có được sự tự do để tận hưởng cuộc sống như là nam giới.
Và còn nhiều sự bất hợp lý khác nữa, ví dụ như nhiều dữ liệu chỉ ra rằng hầu hết những sản phẩm lại được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn cơ thể của đàn ông như: đàn piano phù hợp với ngón tay của người đàn ông hơn, hay smartphone nó phù hợp với tay của người đàn ông hơn so với tay của người phụ nữ. Rồi kể cả sách giáo trình y khoa, nơi mà cơ thể nam có số lần xuất hiện gấp 3 lần so với cơ thể của phụ nữ.
Rồi môi trường công sở, nhiệt độ văn phòng được thiết kế vào năm 1960 dựa trên tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi của cơ thể một người đàn ông trung bình 40 tuổi, nặng 70kg. Nhưng nhiều nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ trao đổi chất của một người phụ nữ trẻ tuổi, làm việc văn phòng nhẹ nhàng thấp hơn đáng kể. Điều này có nghĩa là các văn phòng hiện tại đang lạnh quá mức chịu đựng của phụ nữ tới 5 độ. Tình trạng dễ thấy là hầu hết các nhân viên nữ đều phải choàng khăn khi ngồi ở văn phòng bất kể thời tiết bên ngoài là mùa hè hay mùa đông.
Thế mới thấy một sự chênh lệch quá lớn trong sự hiện diện của phụ nữ và đàn ông. Còn phụ nữ chúng ta đôi khi cũng chẳng để ý tới, mà chỉ đơn giản là tự thay đổi bản thân để phù hợp và thích nghi với môi trường, với cuộc sống hằng ngày mà thôi.
Phụ nữ từ xưa đến nay luôn làm việc. Họ làm việc không công hoặc bị trả lương thấp, việc không được đánh giá cao hoặc vô hình, nhưng họ vẫn luôn làm việc. Nhưng môi trường làm việc hiện đại lại không phục vụ phụ nữ. Từ địa điểm đến giờ làm, cho đến các tiêu chuẩn quy định của nó, nơi làm việc đã được thiết kế xoay quanh cuộc sống của nam giới. Phụ nữ vẫn sẽ chịu thiệt thòi vì văn hoá ở nơi làm việc đều dựa trên niềm tin nhu cầu nam giới là nhu cầu phổ quát.
Chỉ muốn nhắn nhủ rằng, những người đàn ông, những người chồng, đã đến lúc các anh phải thật sự nhìn nhận rằng: sự thật là bản thân các anh và thậm chí không một ai trong chúng ta, kể cả các doanh nghiệp, có thể làm được bất cứ công việc gì nếu không có những người đảm nhận công việc chăm sóc gia đình vô hình không công, công việc mà những người phụ nữ đã hy sinh và đứng ra cáng đáng nó.
Chúng ta cần phải nhận ra rằng công việc mà phụ nữ làm không chi là công việc phụ hay một phần việc dư thừa mà các anh làm cũng được, không làm cũng được. Công việc của phụ nữ, dù có được trả lương hay không lương thì nó đều đóng góp và mang lại nhiều giá trị cho kinh tế và xã hội. Chúng ta cần phải dành sự biết ơn và trân trọng những giá trị đó.
…
Mẹ tôi là mẫu người phụ nữ của gia đình. Cả một đời luôn sống vì chồng vì con, hy sinh cho gia đình. Nhìn mẹ tôi mới thấy rõ hơn về đức tính hy sinh của người phụ nữ.
Mà kể ra chắc cũng chẳng phải riêng mẹ tôi, mà vốn dĩ người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn gắn liền với đức tính hy sinh và chấp nhận hy sinh vì chồng vì con.
Tôi dành tất cả sự biết ơn cho những người phụ nữ ấy. Tôi trân trọng những điều họ đã làm, nhưng vượt lên tất cả sự biết ơn đó, tôi thấy thương họ nhiều hơn.
Nhiều lúc cũng tự hỏi, nếu là mình, thì mình có làm được như họ không? Mình có sẵn sàng hy sinh nhiều như vậy không? Chưa nói đến đó lại là những hy sinh thầm lặng.
Khi nghe một cô gái nào nói: Em đã hy sinh tất cả cho anh, mà sao anh không trân trọng, anh lại phụ tình em hay Mẹ đã hy sinh cả đời vì con, dành hết mọi thứ tốt nhất cho con vậy mà con lại hành xử với mẹ như thế. Người phải nghe câu đó chắc chẳng thấy vui vẻ gì. Và có lẽ người trong cuộc buộc phải thốt lên những lời nói ấy chắc sẽ buồn và đau gấp mấy lần nữa.
Khi nói đến 2 chữ “hy sinh”, giống như ta buộc phải lựa chọn, giữ lại hay bỏ đi một điều gì đó thì cuộc sống mới vẹn toàn.
Và khi sự hy sinh được gắn với ý nghĩa đánh đổi như thế thì trong cuộc sống sẽ lại xuất hiện càng nhiều thêm những vấn đề, cơm không lành canh không ngọt rồi bao nhiêu là bất mãn buồn phiền, vì mình đã làm nhiều thứ như vậy, bỏ đi cả ước mơ, đánh đổi luôn sự nghiệp, thậm chí quên luôn cả chính mình, nhưng lại không được công nhận, không được trân quý.
Xã hội hay kỳ vọng phụ nữ phải làm tất cả việc này thật hoàn hảo. Nhưng theo nguyên lý cái lò lửa, khi công việc, gia đình, bạn bè và bản thân là 4 cái bếp quan trọng nhất đời, thì cũng chỉ được phép 2 cái bật lên cùng lúc. Và có lẽ nỗi sợ lớn nhất của người phụ nữ là sợ bản thân không đủ tốt, không đủ tốt trong vai trò một người vợ, không đủ tốt trong vai trò người mẹ, không đủ tốt trong vai trò người phụ nữ của công việc, đôi khi cũng thấy không đủ tốt vì đã bỏ quên chính mình.
“Chưa từng có một người nào nói cuộc sống này sẽ dễ dàng. Làm mẹ là điều khiến bạn cảm thấy giống như một tấm chăn quá nhỏ. Dù cố gắng co kéo thế nào để che phủ mọi người, vẫn luôn có ai đó bị lạnh”
– Trích Thị trấn nhỏ, giấc mơ lớn.
Dù đang ở vai trò làm mẹ thì họ cũng vẫn là một người phụ nữ, vẫn là một cá nhân. Trách nhiệm làm mẹ không phải là tất cả, làm mẹ không phải là công việc 24h, đó chỉ là một phần của người phụ nữ mà thôi.
Nhưng chúng ta hầu hết những người phụ nữ đã quen với việc gom lại thành một, và đây cũng có thể là lý do mà tại sao ngày nay rất nhiều người phụ nữ lựa chọn cuộc sống độc thân, họ sợ làm mẹ, bởi làm mẹ đồng nghĩa với việc mất đi sự tự do. Khi làm mẹ người phụ nữ sẽ chấm dứt hết tất cả mọi thứ trước đây từng có, sở thích, đam mê, thời gian, để nhường chỗ cho các vấn đề liên quan đến gia đình con cái.
Và khi sự hy sinh và đánh đổi quá lớn người phụ nữ dần rơi vào trạng thái sỡ hữu, họ sở hữu con cái mình và luôn mong muốn kiểm soát chúng.
Nhưng nếu có thể nhìn ở một góc độ khác, một góc nhìn rộng hơn, ta sẽ thấy rằng, trách nhiệm làm mẹ chỉ là một phần của người phụ nữ mà thôi, nó không phải là hoàn toàn là con người ta, nó chỉ là một phần trong ta mà thôi. Ta vẫn là một cá nhân và tính cá nhân thì không đáng bị hy sinh vì bất cứ điều gì.
Là phụ nữ, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ cho rằng mình phải có nghĩa vụ hy sinh cho ai đó, cũng không nghĩ mình phải hy sinh những thứ đó vì chồng, vì con, hay vì ai khác. Và tôi nghĩ nếu là người đàn ông thật sự yêu thương tôi thì họ cũng sẽ chẳng cần sự hy sinh đó đó đâu.
Bởi tình yêu còn bao gồm cả sự trân trọng, cho phép, quan tâm, ủng hộ, vì nhau, cùng nâng đỡ giúp nhau tiến lên. Là yêu thương, tôn trọng người đó và tôn trọng chính mình. Là mỗi ngày làm mình trở nên tốt hơn và làm cho người đó tốt hơn trong mối quan hệ của cả hai. Là yêu thương mà không ràng buộc, không ép buộc đối phương làm những điều mà bản thân họ không muốn. Là để người ta có khoảng thời gian của riêng mình. Để người ta có tự do, kể cả việc phải chấp nhận buông tay đi nữa.
Luôn luôn là vậy. Sự vun vén luôn bắt đầu từ 2 phía, nếu chỉ có 1 chiều cho và 1 chiều nhận thì cũng sẽ đến lúc bên còn lại không còn gì để cho nữa, đó là lý do dẫn đến những cuộc hôn nhân tan vỡ với nhiều khổ đau và oán trách.
Bản thân vẫn cho rằng phụ nữ dù xông pha nơi thương trường, hay quyết định ở nhà quán xuyến gia đình chăm sóc chồng con, thì hãy nên xem đó là lựa chọn chủ động của chính mình chứ đừng cho rằng đó là hy sinh vì một ai cả.
Phụ nữ à, bản thân mỗi người chúng ta từ khi sinh ra đã là một cá thể với đầy đủ khả năng, tố chất, sứ mệnh của riêng mình.
Nếu bạn quyết định hy sinh tất cả những điều ấy vì tình yêu và cho rằng là xứng đáng, thì tôi vẫn hoàn toàn ủng hộ vì đó là lựa chọn của bạn, tôi tôn trọng sự lựa chọn đó.
Nhưng nếu bạn đã chọn hy sinh rồi, thì hãy ngừng đổ lỗi, và oán trách người khác đi.
Còn nếu thấy rằng cuộc sống này không chỉ có duy nhất tình yêu, mà còn nhiều điều khác nữa, thì hãy can đảm, một lần lựa chọn sống một cuộc đời như mình muốn. Chủ động lựa chọn và chịu trách nhiệm với những việc mình làm, phấn đấu vì những điều có ý nghĩa đối với mình.
Là yêu mình bằng cách chăm sóc bản thân một cách đầy đủ không chỉ chăm sóc sức khoẻ cơ thể mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần nữa.
Dành thời gian cho chính mình, tìm và hiểu bản thân, biết mình giỏi gì, thích gì, biết mình sinh ra để làm gì. Để mình làm điều mình muốn, chứ không phải bị ám ảnh quá sức để chạy theo những thứ vật chất bên ngoài hay những quy chuẩn của xã hội.
Hiểu rằng hạnh phúc là không cần đám đông. Hạnh phúc tự thân đến từ những giá trị sâu thẳm bên trong chính mình, chứ không phải đo đạc bằng vật chất mình có hay người đàn ông bên cạnh mình là ai.
…
Nhưng sau tất cả bản thân tôi vẫn là một người phụ nữ, rồi cũng sẽ đến một lúc nào đó cũng sẽ nhận trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, nhưng luôn tự nhắc nhở là vẫn phải giữ trách nhiệm với chính mình.
Sẽ có một khoảnh khắc mình chọn bản thân mình. Và mình không xấu hổ vì đã không làm tròn việc người phụ nữ. Một lần khác, mình sẽ quay lại việc làm mẹ không vấn vương gì đến công việc nữa. Chỉ có điều, đừng ai bắt mình làm cùng lúc 2 việc mà thôi.
.
.
.
.