Điều gì khiến bạn lo lắng nhất khi bước ra chia sẻ một điều gì đó?
Sợ không đủ giỏi?
Mình có thật sự giỏi như mình nghĩ?
Có phải tất cả những thành tựu mình đạt được, đều là do may mắn hay không?
Đó là những câu hỏi luôn hiện ra trong đầu tôi mỗi khi tôi muốn bắt đầu một điều gì mới. Đặc biệt là thời điểm tôi quyết định nghỉ việc và thành lập nên blog này.
Tôi luôn có những suy nghĩ là tại sao các bạn phải xem blog của mình. Trong khi ở ngoài kia có hàng ngàn người khác đang làm rất giỏi ở mảng này. Họ có kiến thức nhiều hơn tôi, viết hay hơn tôi, nội dung cuốn hút hơn tôi. Họ nói về những chủ đề phổ biến hơn tôi nào là tài chính, cách tạo thu nhập thụ động, cách kiếm tiền online.v.v. Họ làm về youtube, tiktok các thứ, thì có nhiều người xem hơn, ai lại đi xem blog như này…
Tôi không phải là chuyên gia về một lĩnh vực nào cả, nên những gì tôi nói thì làm sao có giá trị và thuyết phục được người khác. Hầu hết tất cả chúng ta đều đang mắc phải nỗi sợ này. Đặc biệt là người hướng nội, thì nỗi sợ này lại càng hiện rõ hơn nữa.
Những sinh viên luôn nghĩ rằng mình sẽ không giỏi như những sinh viên khác.
Những giáo viên sẽ luôn nghĩ rằng mình sẽ không thể dạy tốt bằng những giáo viên khác. Rồi lỡ đâu có một ngày sinh viên sẽ phát hiện ra là mình không giỏi nhiều về những kiến thức chuyên môn thì sao?
Những người sếp luôn nghĩ rằng mình sẽ không giỏi như những người sếp khác. Rồi nhân viên sẽ sớm phát hiện ra rằng mình không có đủ năng lực để quản trị, lãnh đạo, để ngồi ở vị trí này và rồi họ sẽ thôi không tôn trọng mình nữa.
Nếu chúng ta tiếp tục để cho những vấn đề này ảnh hưởng đến cuộc sống thì ta sẽ không bao giờ đạt được những tiềm năng tối đa của bản thân, sẽ không bao giờ dám dấn thân vào những công việc phức tạp, sẽ dễ dàng bỏ qua những cơ hội mới, thử thách mới.
Dưới đây là 3 lầm tưởng phổ biến nhất của việc cho rằng bản thân không đủ giỏi, không phải là một chuyên gia.
Lầm tưởng 1: Mình không biết cách chia sẻ kinh nghiệm để người người khác đón nhận
Mình là ai mà có thể chia sẻ về điều này. Mình có điều gì đặc biệt mà người khác phải nghe mình. Và những suy nghĩ này khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản và mất đi động lực. Vậy làm thế nào để có thể loại bỏ đi những suy nghĩ này, để có thể tự tin bước ra ngoài và chia sẻ những điều bạn biết về thế giới?
Trước hết cần phải khẳng định một điều rằng, việc bạn suy nghĩ và cảm thấy rằng mình chưa đủ giỏi để chia sẻ điều này, ai sẽ nghe mình chứ? Thì đây đều là những suy nghĩ hết sức bình thường, cho dù bạn mới bắt đầu hay đã có nhiều kinh nghiệm, thì ai trong chúng ta cũng có những lúc cảm thấy như vậy.
Lầm tưởng 2: Cần phải được đào tạo bài bản
Bạn cần phải được đào tạo bài bản mới có thể viết lách được. Bạn phải là một diễn giả hay một tác giả nào đó thì mới có thể chia sẻ về một chủ đề cho người khác nghe được.
Nhưng thực tế ngay cả bản thân tôi, tôi không phải là một người được đào tạo bài bản về viết. Tôi không được học qua một trường lớp đào tạo nào về viết cả.
Tuy nhiên tôi vẫn đang làm công việc này hằng ngày. Và trong khoảng thời gian đó, tôi coi mình là một người viết, đơn giản chỉ vì tôi muốn viết. Tôi muốn chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm của mình với mọi người xung quanh.
Tôi xem viết như một hình thức để tôi có thể trò chuyện và giao tiếp với những người xung quanh. Vậy tôi có cần phải được đào tạo bài bản mới có thể giao tiếp được hay không? Chắc chắn là không rồi. Và bạn cũng vậy, bạn cũng có thể chia sẻ kiến thức, trải nghiệm, sự hiểu biết của bạn như cách mà bạn đang giao tiếp với một ai đó. Và hãy làm nó một cách cởi mở, chân thành, tự nhiên và xuất phát từ trái tim nhé.
Lầm tưởng 3: Phải có tất cả mọi câu trả lời
Bạn cho rằng để viết và chia sẻ về một chủ đề nào đó, đồng nghĩa với việc bạn phải có câu trả lời cho tất cả.
Đây là một suy nghĩ hoàn toàn không chính xác và nó sẽ cản trở bạn rất nhiều trong quá trình bạn sáng tạo ra rất nhiều giá trị cho thế giới này.
Thực tế, rằng không một ai trong chúng ta có thể biết tất cả. Và hơn nữa, để có thể bắt đầu chia sẻ về một chủ đề nào đó, bạn hoàn toàn không cần phải biết tất cả, không cần phải có câu trả lời cho mọi thứ.
Lầm tưởng 4: Tất cả những điều này người khác đã nói rồi
Mình không có ý tưởng gì mới, tất cả những điều này người khác đã nói rồi và họ làm rất tốt, còn đâu còn chỗ cho mình nữa.
Nhưng thực tế thì, là một ý tưởng dù đã được chia sẻ bao nhiêu lần đi nữa, thì chưa có ai chia sẻ nó bằng giọng điệu của riêng bạn, chưa có ai chia sẻ nó bằng phong cách của bạn và cũng chưa có ai chia sẻ nó với một dấu ấn của riêng bạn.
Và nếu đứng ở góc độ người đón nhận, thì dù cho họ có nghe về chủ đề này bao nhiêu lần đi nữa, nhưng biết đâu điều họ cần là ai đó chia sẻ cho họ theo cái cách mà họ đồng điệu. Và rất có thể một ai đó ở đây là bạn.
Vì thế đừng bao giờ để suy nghĩ, rằng ý tưởng này đã được chia sẻ rồi, chủ đề này đã được nói nhiều rồi, cản trở bạn nhé. Hãy nhớ rằng bạn có thể biến mọi nội dung, mọi chủ đề trở nên mới mẻ độc đáo bằng cách hoà trộn nó theo cách riêng của bạn, cá tính của bạn, giọng điệu của bạn và câu chuyện của bạn.
Và rất có thể câu chuyện của bạn là một động lực để một ai đó thốt lên: cuối cùng thì mình đã hiểu mình sẽ làm điều này (mặc dù họ đã nghe về điều đó rất nhiều lần trước đó).
Hãy nhớ rằng mọi điều bạn chia sẻ không cần phải mới. Chỉ cần nó xuất phát từ chính bạn. Thay vì nghĩ rằng mình là ai mà có thể chia sẻ về những điều này. Thì hãy nghĩ mình là ai mà không chia sẻ về những điều này.
. . .
Thực tế là sẽ không bao giờ có thể loại bỏ được nỗi sợ này, tuy nhiên sẽ có những cách để ta có thể đối đầu với nó và giảm thiểu nó. Cái quan trọng nhất là chúng ta cần phải đối mặt và phát hiện ra được giá trị cốt lõi của bản thân ta là gì.
Tập trung phát triển bản thân, những điều có thể kiểm soát được
Khi tôi mới bắt đầu hình thành ý tưởng thành lập blog, một trong những điều làm tôi lo lắng là khi nhìn xung quanh mình, tham khảo rất nhiều những blogger khác cũng đang làm cũng chủ đề với tôi. Và họ đang làm cực kì tốt. Nhưng rồi tôi tự nhủ rằng bản thân tôi cũng sẽ có những giá trị riêng, vẫn sẽ mang lại được giá trị cho người xem ở một góc độ nào đó.
Tôi nhận ra, nếu đã là năng khiếu bẩm sinh là điều mà tôi không thể quyết định được, tôi cũng không thể trở về quá khứ để cố gắng làm học sinh giỏi văn. Tôi cũng không có được một bạckground đẹp là học sinh trường chuyên hay gì cả.
Vậy nên thay vì tập trung vào những điều tôi không thể kiểm soát ấy, thì tôi bắt đầu nhìn nhận bản thân xem liệu tôi sẽ đem lại được cho người khác những giá trị gì? Nhưng rồi khi tôi bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề, đâu là điểm mạnh và đâu là những khó khăn mà tôi đang phải đối mặt.
Ví dụ so với người khác về mặt hình ảnh, cách viết họ đang làm tốt rất nhiều lần so với tôi. Nhưng chỉ cần qua thời gian thì tôi vẫn có thể phát triển lên được. Tôi bắt đầu đăng kí khoá học về thiết kế chỉnh sửa hình ảnh. Học những khoá học về kĩ năng viết, từ những anh chị đi trước. Đó hoàn toàn là những điều mà tôi có kiểm soát và thay đổi được.
Rèn luyện thói quen tự ghi nhận bản thân
Khi ta có thể thấy được những giá trị, điểm mạnh của chính mình, bản thân ta luôn sở hữu những đặc điểm, nét tính cách riêng, chúng ta cũng có xu hướng cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Sẽ sẵn sàng đối diện với những thử thách và khó khăn phía trước.
Tự ghi nhận là yếu tố giúp ta có được một tâm lý vững vàng, sự tập trung tuyệt đối vào mục tiêu đề ra.
Ta không cần phải là một chuyên gia, mới có thể bước ra ngoài và chia sẻ kiến thức của mình. Chúng ta có thể chia sẻ kiến thức thông qua quá trình quan sát, thu thập, tổng hợp và chia sẻ lại dưới góc độ cá nhân.
Ví dụ như những bài viết được đăng tải trên blog nguoithuongkhoinghiep. Tôi luôn nhấn mạnh rằng, đây là những chia sẻ, những bài học mà tôi rút ra được từ chính trải nghiệm của bản thân tôi.
Vì mỗi người sẽ có hoàn cảnh và trải nghiệm khác nhau, dẫn tới cách thức thực hiện cũng khác nhau.
Giống như việc viết blog vậy. Tôi theo đuổi việc tập trung vào giá trị mình chia sẻ. Bởi đó mới đó là giá trị cốt lõi, bền bỉ và lâu dài. Và điều đó đã đúng bởi kết quả đã hiển hiện rõ ràng trên chính bản thân tôi bằng việc tôi đã bắt đầu có những đọc giả chất lượng. Hay việc đăng bài với tần suất đều đặn, sẽ góp phần giữ chân đọc giả ở lại với tôi lâu hơn. Trong mỗi bài viết, kiến thức mà tôi học được từ người khác, tôi sẽ đính kèm theo link, ghi rõ nguồn tham khảo, đồng thời có trích dẫn đầy đủ.
Tôi nghĩ rằng sẽ không ai là xuất chúng hay tài giỏi nhất cả, có chăng chỉ là xuất phát điểm mỗi người khác nhau, người đi trước và đi sau mà thôi.
Đừng đặt nặng vấn đề phải là chuyên gia mới có quyền chia sẻ. Hãy cứ nghĩ đơn giản rằng, tôi thích viết, tôi muốn viết và tôi muốn chia sẻ quan điểm góc nhìn cá nhân tôi đến mọi người. Mọi người có thể cùng quan điểm ủng hộ tôi, còn nếu không cùng quan điểm thì cũng chẳng sao. Mỗi cá nhân đều có những quan điểm góc nhìn khác nhau là chuyện bình thường.
Tôi chỉ muốn chia sẻ thông tin, không phải muốn thể hiện, muốn chứng minh hay muốn được công nhận mình là chuyên gia.
Vậy nên đừng áp lực với bản thân mình. Hãy cứ thoải mái và chia sẻ dưới góc độ cá nhân mình là người đã trải qua sự việc đó. Truyền đạt thông tin lại cho người đi sau và người chưa biết.
Khi nhận thức được điều này, chúng ta có thể tập trung vào những mặt tốt của bản thân để khai thác và phát triển, dễ dàng hơn trong việc truyền tải thông điệp và thuyết phục được khán giả.
Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng tạo được sự tin tưởng và thu hút được sự quan tâm từ những người xung quanh. Đồng thời cũng có thể sửa đổi và cải thiện những khuyết điểm để trở nên hoàn thiện hơn.
Đây là những cách có thể giúp bạn loại bỏ sự tự ti để có thể chia sẻ những hiểu biết của mình. Hãy học cách đóng gói những kiến thức thành những thông điệp giá trị cho những người xung quanh và biến nó trở thành một sự nghiệp của riêng bạn nhé.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng Nguoithuongkhoinghiep.com chưa?
- Nếu bạn là người mới, bạn có thể tìm lại toàn bộ bài viết cũ tại đây.
- Nếu bạn muốn cập nhật những thông tin mới nhất, bạn có thể ghé thăm chúng mình tại fanpage Nguoithuongkhoinghiep.com
- Nếu bạn có bất kỳ chia sẻ nào khác hay liên hệ hợp tác, bạn có thể gửi thư cho chúng mình tại địa chỉ htmd.95@gmail.com
Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm!