Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
chân thật để được sống là mình.

Sống chân thật trong thời đại thiếu chân thật

Posted on 22/12/202411/10/2024 by admin

Nếu hỏi đâu là điều ý nghĩa nhất, cốt lõi nhất, quan trọng nhất, giá trị nhất mình nên có được trong cuộc đời này là gì ?

Thì đó là việc mình còn được sống.

Đích đến cuối cùng trong thực hành tâm linh cũng chỉ để hiểu được sự hiện diện của mình trong cuộc đời này, đó là điều vô giá, là một sự kì diệu.

Chỉ cần mình còn ở đây thôi đã là quá quan trọng rồi. Nhưng vì mình chưa thấy được giá trị của việc hiện diện nên cứ liên tục đắp lên những giá trị khác nhau, luôn muốn thêm nhiều thứ khác: thêm thu nhập, thêm tài sản, thêm sự công nhận, thêm mối quan hệ, thêm quyền lực, thêm địa vị, thêm danh tiếng, thêm tài năng, thêm ngoại hình… để mình được giá trị hơn trong mắt người khác.

Xã hội này, người thân, bạn bè, những người xung quanh và cả chính mình đều đánh giá một người nào đó thông qua những yếu tố bên ngoài, những thứ người đó sỡ hữu, mối quan hệ xã giao mà người đó có được, giá trị của người đó được ghi nhận từ đám đông.

Chúng ta luôn muốn có giá trị hơn một ai đó vì không quen với việc bản thân yếu kém hay nhỏ bé, không chấp nhận mình là một người bình thường, mà không hề biết thật ra mình sẽ đặc biệt với một vài người, và mình cũng sẽ luôn bình thường với một vài người nào đó.

Việc từng bước bỏ xuống những giá trị đến từ bên ngoài, để trở về nhận diện và trân trọng những giá trị bên trong là điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa vô cùng lớn. Vì thứ quan trọng nhất vẫn luôn ở đây, ngay lúc này đó là sự hiện diện.

Như một thân cây khi có được phần gốc vững chãi rồi thì nó sẽ bám rễ rất sâu. Và việc của mình là cứ ngày ngày nuôi dưỡng và bám rễ thật chắc. Có thể sự cố gắng của mình trong mắt người khác sẽ chẳng đem lại lợi ích gì, nhưng chỉ riêng mình mới biết được mình cần làm gì. Sự kiên nhẫn, nổ lực vì mình trước thảy và có thể một thời điểm nào đó mình sẽ gặt hái được những quả ngọt.

Cái khó của cuộc đời này là mình không biết được ngày mai sẽ ra sao. Nó giống như một trò chơi, nó hấp dẫn nhưng cũng nhiều thử thách, thú vị nhưng lại là một cuộc chơi bất tận. Cái quả ngọt có thể đến vào ngày mai, tháng sau, năm sau hay liệu nó có thể đến được trong kiếp sống này không, bản thân mình cũng không biết được. Nhưng cũng chính vì sự ngẫu nhiên và không thể đoán biết trước đó mang lại nhiều sự tò mò và hấp dẫn, đem lại nhiều cảm xúc mạnh nhưng cũng có khi là sự chán nản và sợ hãi.

Cuộc sống thực tế luôn không ngừng thử thách chúng ta, bạn ạ!

Vì chúng ta đang sống trong môi trường có nhiều sự tương tác và kết nối với người khác. Nên điều mình cần là đi từng bước, điều chỉnh từng chút một.

Càng kết nối với người thân tôi càng thương họ nhiều hơn, vì thấy họ cũng có quá nhiều tổn thương, vẫn còn bị ảnh hưởng và chi phối bởi tác động từ bên ngoài dẫn đến những niềm tin sai lệch, kẹt lại với những góc nhìn đầy sự định kiến, giới hạn về tư duy, cảm xúc nhiều hạn chế, họ vẫn chưa biết cách để nhận diện cảm xúc của bản thân.

Thật sự hiện diện

Bước đầu tiên là học cách để hiện diện, quan tâm, thấu hiểu, kết nối sâu sắc tạo ra không gian an toàn với người thân để họ được là chính họ.

Nuôi dưỡng mối quan hệ cũng như trồng cây vậy, cần có sự đều đặn đồng hành mỗi ngày, tưới tẩm mỗi ngày, không cần phải bón phân thật nhiều hay mang cho họ thật nhiều vật chất tiền bạc nhưng lại không dành sự chú tâm. Mà chỉ cần biết trân trọng thấy được sự hiện diện của đối phương, người thân mình đang ở đây, một sự biết ơn vô cùng lớn vì họ vẫn còn hiện diện.

Khi mình cho đi tình thương mà không cần đáp lại có thể đến từ rất nhiều thứ ẩn sau hành động đó. Mình tương tác với người khác vì họ thật sự quan trọng với mình, chứ không phải vì bị kích hoạt hay tác động cảm xúc, đó mới là sự kết nối bền vững.

Trở về với bản chất thật sự của mình

Theo đạo Phật, thế giới hiện tượng là kết quả của không biết bao nhiêu những nguyên nhân và điều kiện không ngừng đổi thay. Tựa như cầu vồng xuất hiện khi mặt trời rọi sáng trên một màn nước mưa và mất đi ngay khi một trong các yếu tố cấu thành nó tan biến. Các hiện tượng tồn tại theo một phương thức chủ yếu là phụ thuộc vào nhau và không có tự tính thường hằng.

Tất cả đều là quan hệ và không có sự vật nào tự tồn tại hoặc hiện diện bởi chính nó cả. Khi đã hiểu ta sẽ có được những hiểu biết đúng đắn về bản chất của mọi sự vật, đó là tri kiến mà đạo Phật hay nhắc đến.

Tri kiến này giúp ta tháo bỏ dần những niềm tin mù quáng của tâm thức, những cảm xúc gây rối loạn, những nguyên nhân chính đưa tới tâm trạng “bất an” của chúng ta. Theo quan điểm của đạo Phật, mỗi chúng sinh đều mang sẵn trong mình tiềm năng hoàn hảo, hệt như mỗi hạt vừng đều chứa dầu ở trong nó. Và vô minh có nghĩa là không ý thức được điều ấy, tựa như chàng chăn cừu vừa nghèo lại vừa giàu – không hề biết rằng có một kho báu đang được cất giấu ngay trong túp lều của mình.

Trở về bản chất thật sự của mình, đó là kho báu sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Đây là cách chắc chắn nhất để tìm thấy sự thanh thản và phát triển lòng vị tha trong tâm thức mỗi người.

Việc soi xét đời sống chân thật trong thời đại thiếu chân thật này đòi hỏi ta phải biết dừng lại và giữ khoảng cách. Lùi một bước ra khỏi chính mình để ngắm nhìn bản thân được rõ ràng hơn.

Chân thật

Khi nhìn lại những kiến thức, những điều bản thân đã học như cảm xúc, tư duy, tâm trí, sống chánh niệm, tỉnh thức… mục đích cuối cùng cũng chỉ để có được sự chân thật: chân thật với chính mình, chân thật với những người xung quanh, chân thật trong cách mình suy nghĩ, cách mình thể hiện những giá trị sống, cảm xúc của mình, niềm tin của mình, điểm mạnh, điểm yếu mà mình được thể hiện nó với người khác, chân thật để được sống là mình.

Sự chân thật đó giúp tôi dần thoải mái hơn trong việc giao tiếp bằng ánh mắt với người khác. Và càng có được sự chân thật lại thấy chính mình càng có được sự tự do hơn.

Từng bước quan sát sự chân thật của bản thân mỗi ngày, thêm vào những giá trị sống mà mình muốn được sống, dần dần cuộc sống cũng trở nên hài hoà hoà hơn và bớt đi những mâu thuẩn.

Cái đích đến cuối cùng không phải là để bản thân trở thành một con người hoàn hảo mà chỉ là từng ngày cải thiện từng chút một mà thôi.

Trong cuốn “Dám bị ghét” của Kishimi Ichiro, có một câu nói đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ:

“Tôi quan tâm tới việc mình như thế nào hơn là mình được mọi người đánh giá ra sao”.

“Mình là ai”, chứ không phải là người khác nghĩ “Mình là ai”. Hãy trung thực với bản thân, và ngừng sống trong cái nhìn của người khác. Học cách yêu thương bản thân mình, chấp nhận mình là mình, khi ấy mọi đánh giá phán xét của người xung quanh sẽ chẳng còn quan trọng nữa.

“Đừng tốn công đi tìm bản thân mình nữa, hãy cầm cọ lên và hoạ ra con người mình đi. Thông qua những việc ta làm, từng nét một ta đang khắc hoạ nên chân dung của chính mình. Chỉ có ta, tác giả, đạo diễn và là diễn viên chính trong cuộc đời mình” – Sartre

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.