Tâm lý học có 2 tượng đài lớn Sigmon Freud và Carl Jung là 2 tượng đài đầu tiên của tâm lý học, họ nói về giấc mơ, về bản năng, tiềm thức, đó là giai đoạn đầu tiên của tâm lý học. Quan điểm của hai nhà tâm lý học này là tất cả hành vi của con người đều bị tác động bởi tiềm thức.
Sau đó đến giai đoạn thứ 2 nhà tâm lý học người Nga Ivan Petrovich Pavlov, nghiên cứu về phản xạ có điều kiện, để ai đó thay đổi thì cần tạo ra những điều kiện để họ thay đổi về mặt hành vi.
Làn sóng thứ 3 của tâm lý học trị liệu, sử dụng CBT – Cognitive Behavior Therapy là biện pháp tâm lý trị liệu nhằm hỗ trợ bệnh nhân có thể nhận thức được sự ảnh hưởng của cảm xúc và suy nghĩ lên hành vi của bản thân.
Làn sóng thứ 4 là Energy Chsycology, Tâm lý học năng lượng là một tập hợp kỹ thuật tương đối mới phối hợp hướng tiếp cận phương Đông về tư duy cơ thể, với Tâm lý học phương Tây và các ý tưởng tâm lý liệu pháp. Một sự toàn diện hơn, tất cả những thứ có trong con người đều là năng lượng, khi thực hành là cách để giải phóng những điểm năng lượng đang bị tắc nghẽn vì khi để nghẽn lâu quá sẽ tạo ra sự căng thẳng.
Từ khoá “chữa lành” trong những năm gần đây phải nói là hot hơn bao giờ hết. Người người cần chữa lành, nhiều không gian chữa lành cũng được mở ra: như quán cà phê chữa lành, homestay chữa lành, quán ăn chữa lành…v.v.
Bản thân tôi đã từng phải xóa rất nhiều những bình luận trong các nội dung của mình. Những bình luận kêu gọi người trẻ đang gặp vấn đề tâm lý đăng ký vào những hoạt động, chương trình nghiên cứu, rồi nào là hàng trăm khoá học tâm lý miễn phí trên mạng xã hội..,
Tôi cũng không biết trong các chương trình đó họ chia sẻ những gì, nhưng sự không rõ ràng về thông tin khiến tôi thấy lo lắng, liệu rằng khi những bạn trẻ đăng ký vào đó thì họ có được giúp đỡ hay không, hay sẽ bị lợi dụng cho một mục đích khác. Bởi vẫn có rất nhiều nơi, những tổ chức núp bóng là những chương trình chữa lành, rồi những nội dung hô hào, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực, đôi khi là những chiêu trò thao túng tâm lý nữa.
Tất nhiên, việc nhiều người quan tâm về các chủ đề này, thì tôi không có vấn đề gì với việc đó cả. Vì mỗi người đều có quyền quyết định việc tin hay không tin điều gì. Tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Tôi không thể đánh giá rằng họ có ý định tốt hay không, nhưng việc mong muốn thao túng tâm lý người khác núp bóng “tâm lý học”, chắc chắn là một việc không đúng.
Và sẽ thật sự nguy hiểm cho chúng ta cũng như những bạn trẻ nếu chúng ta thiếu kiến thức về tư duy phản biện, khả năng tiếp cận và chọn lọc thông tin để có thể phân biệt được đâu mới là nguồn thông tin chất lượng, điều gì đúng, điều gì sai, đâu là khoa học, đâu là mê tín dị đoan…
Ví như những từ khoá mà chúng ta thấy nhiều nhất trong những năm gần đây như: thần số học, năng lượng, tiền kiếp, sinh trắc vân tay, trắc nghiệm tính cách…Tôi không có ý bài xích hay phê phán, chỉ muốn nói là trước khi tin vào một điều gì đó, chúng ta cần có quá trình tìm hiểu kĩ thông tin, đừng vội tin hay thần thánh hoá bất kì một điều gì, bởi không có gì là hoàn toàn tuyệt đối và duy nhất cả, có chăng chỉ là một trong những phương pháp hay yếu tố để tham khảo mà thôi.
Cũng nhiều lần trong những bài viết, luôn nhắc đi nhắc lại rằng, những nội dung mà tôi truyền tải đó là những trải nghiệm cá nhân của chính tôi, nó đúng với tôi nhưng không có nghĩa là đúng với tất cả. Vậy nên nó chỉ mang tính tham khảo, và việc vận dụng nó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân.
Chính tôi cũng từng tìm hiểu và thực hành nhiều phương pháp về cảm xúc, tôi không phủ nhận cũng không thần thánh hoá những phương pháp đó, chỉ là trong quá trình tìm hiểu và thực hành, tôi thấy đó là một công cụ hữu ích trong việc phát triển bản thân, giao tiếp và đối nhân xử thế.
Nhiều người hỏi tôi làm sao để thấu hiểu bản thân và tìm thấy bình an từ bên trong, hay làm cách nào để đối mặt và vượt qua những tổn thương đau khổ. Họ không biết cách nào để đối mặt và tìm đến tôi để xin lời khuyên.
Gần đây, tôi cũng nhận được e-mail từ một bạn đọc, bạn chia sẻ thành thật rằng bạn đang cảm thấy lo âu và bế tắc. Và cứ mỗi khi như vậy, bạn lại tìm đến những cách giải trí khác nhau như xem phim, nghe nhạc, lướt mxh, ăn uống, mua sắm, để được xoa dịu, để tạm thời có thể quên đi, để trốn chạy thực tại. Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời chỉ có tác dụng cho phần ngọn, trong khi tận cùng phần gốc rễ thì chưa được chạm tới. Và rồi kết quả là nó chỉ giúp được bạn trong nhất thời, và bạn cứ chìm vào vòng lặp cảm xúc đó mãi mà không dứt ra được.
Tôi thật sự lo lắng và muốn nói với họ rằng, sẽ chẳng có một phép màu hay điều kì diệu duy nhất nào để có thể nhanh chóng làm họ vơi bớt những khổ đau, đó là vấn đề mà chúng ta phải mất rất nhiều thời gian và đôi khi là cả đời để đi cùng nó.
Tôi có thể làm gì để giúp đỡ được họ đây, khi mà chỉ được nói vài lời và trong ít ỏi thời gian. Một lời động viên tích cực lên, hay hãy chấp nhận và đối diện rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Nhưng làm sao có thể nói những lời ấy với những người đang phải chịu đựng những đau khổ, bởi những người đang bị giày vò giữa những vùng tối, điều họ cần là làm sao để hết buồn, hết khổ nữa và họ không cần những câu nói truyền động lực đó. Giống như một bệnh nhân khi đi khám bác sĩ, mong muốn của họ là khi ra về ít ra cũng sẽ có được một giải pháp dù nhỏ nhoi như một toa thuốc giảm đau, một lời khuyên hay một cách luyện tập nào đó.
Vậy nên không phải lúc nào tôi cũng đưa ra một lời khuyên cụ thể, đôi lúc tôi hỏi họ những câu hỏi, đôi lúc tôi cũng trở nên im lặng, nhưng một điều tôi biết mình đã làm và có tác dụng tích cực đối với họ đó là sự hiện diện và luôn ở bên cạnh họ.
Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy bất lực vì nhìn thấy người khác khổ, còn mình không cách nào giúp được, để rồi cũng không ngừng tự trách chính mình. Nhưng rồi khi tôi nhận ra rằng sẽ có đôi lúc mình không giúp được người khác, mình bất lực, mình không làm được. Vậy tại sao mình không chấp nhận điều đó, mình chấp nhận cái sự bất lực này, nhưng mình chỉ cần ở bên cạnh họ, lắng nghe họ, sự hiện diện là điều mình có thể làm được, ít ra cũng cho họ thấy được rằng họ không cô đơn, vẫn sẽ có người luôn bên cạnh đồng hành dẫu không thể giúp được họ.
Lắng nghe là sự im lặng, không những là im lặng về mặt vật lý, mà là còn im lặng cả về mặt tâm trí nữa. Việc im lặng đó sẽ tạo ra không gian an toàn, thoải mái cho đối phương chia sẻ, cũng là cách để họ có thể tự nhìn lại chính mình.
Một thái độ cần có trong việc lắng nghe sâu đó là cần ý thức rằng mình nghe không phải là để giải quyết vấn đề, không phải để cho lời khuyên, cũng không phải để kể về những câu chuyện trải nghiệm của bản thân, mà mình nghe để tạo không gian cho người khác nhìn rõ được cảm xúc của họ, nghe để đối phương có thể giảm bớt được áp lực căng thẳng.
Krishnamurti từng nói: “Lắng nghe là một nghệ thuật. Để có thể lắng nghe thực sự, người ta nên từ bỏ hoặc gạt qua một bên tất cả thiên kiến, định kiến và các hoạt động hằng ngày. Khi bạn đang ở trong tâm trạng dễ tiếp thu thì mọi thứ có thể được hiểu một cách dễ dàng; bạn đang lắng nghe chỉ khi bạn thật sự chú ý đến điều gì đó. Nhưng đa số chúng ta lại lắng nghe thông qua một bức màn kháng cự. Chúng ta bị che mắt bởi những thiên kiến, những phiền não, mong muốn và sợ hãi hằng ngày của mình. Thật ra chúng ta thật ra chỉ đang lắng nghe những ồn ã của riêng mình, những tiếng động của riêng mình, chứ không phải những gì đang được nói.”
Trong một mô hình 5 cấp độ lắng nghe của Steven covey, có viết:
Cấp độ 1: thường xuyên làm gián đoạn, người nghe thường chen ngang khi người nói vẫn chưa nói được hết câu.
Cấp độ 2: Hijacking, nghe hết câu rồi mới cướp lời vì cho rằng bản thân đã có trải nghiệm tương tự.
Cấp độ 3: Cho lời khuyên mà chưa có sự quan sát, tìm hiểu kĩ bởi có khi người nghe họ không cần tới lời khuyên này, có khi điều họ cần là chỉ muốn được tâm sự.
Cấp độ 4: Lắng nghe chăm chú, nghe đối phương nói và đặt thêm câu hỏi, mở rộng chủ đề, cho đối phương không gian để nói và suy nghĩ.
Cấp độ 5: Lắng nghe chủ động, không chỉ nghe qua lời nói mà còn có thể hiểu được những thông điệp ẩn sau lời nói, giọng điệu của đối phương, nghe và quan sát sự tĩnh lặng, có khoảng dừng trong quá trình giao tiếp.
Thường thấy nhất đa số chúng ta đều lắng nghe ở cấp độ 1, trong khi tương tác tốt nhất là chúng ta cần nghe ở cấp độ 4 trở lên. Đồng cảm là ta nghe vì người khác, chứ không nghe vì chính mình. Cần đặt trọng tâm vào câu chuyện của họ, đồng cảm không nhất thiết phải có lời khuyên hay giải pháp đi kèm, đôi khi mục đích của đồng cảm chỉ là giúp cho đối phương yên ổn về mặt cảm xúc và dần thoải mái hơn.
Những lời nhận xét hay góp ý của người ngoài, thật ra không hề có ác ý, thậm chí đa số đều mang ý tốt. Nhưng, thú thật tôi thấy phần lớn chúng không mang lại một chút tác động tích cực nào cả. Nên bản thân tôi giờ đây rất hạn chế trong việc đưa ra lời khuyên chủ quan của mình, bởi đôi khi kinh nghiệm của mình là thật nhưng đâu chắc phù hợp với người khác, có khi lại làm người khác hoang mang và áp lực thêm. Nếu không được hỏi hay xin lời khuyên thì thường tôi sẽ chỉ im lặng. Còn nếu được hỏi xin lời khuyên tôi cũng sẽ cân nhắc kĩ lưỡng trước khi nói bất cứ một điều gì. Sẽ nói có chừng mực, và nhấn mạnh rằng đó chỉ là trải nghiệm của tôi, trải nghiệm của bạn sẽ hoàn toàn khác đó. Thế nên, hãy bình tĩnh để tự mình đi trên con đường riêng nhất đó.
Giống như việc có rất nhiều người họ có những vấn đề, nổi khổ mà không thể tìm được giải pháp, họ tìm đến gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma để xin lời khuyên với hy vọng rằng một người đã thiền suốt 60 năm chắc chắn sẽ đưa ra cho những lời khuyên và giúp giải quyết những vấn đề. Nhưng, thường thì Đức Đạt-lai Lạt-ma đều trả lời rằng: I don’t know, rồi ngài im lặng. Thật kỳ lạ quá, chẳng lẽ ngài ấy chưa bao giờ suy ngẫm hay phải trải qua về bệnh tật, khổ đau, cái chết của chúng sinh hay sao. Thật ra, khi ngài nói “tôi không biết”, ngài muốn nói rằng không có câu trả lời có sẵn hoàn toàn.
“Mỗi cảnh đời mỗi khác. Không biết hoàn cảnh cụ thể của anh chị, làm sao tôi có thể đưa ra lời khuyên đúng?”
Ngài không cố làm mọi người tin rằng ngài có một công thức kỳ diệu để cho họ hết khổ đau hay bệnh tật. Trái lại, ngài thường nói: “Có một điều chắc chắn là dù trong trường hợp nào đi nữa thì có mặt với tình thương và từ tâm cũng giúp ích cho người mà ta thiết tha giúp.
Bản thân tôi cũng đã từng phải trải qua những tổn thương về tâm lý và cũng đã tìm đến rất nhiều sách, xin nhiều lời khuyên, bài học kinh nghiệm của những người mà tôi tin là họ có thể giúp đỡ được. Thật ra cho đến thời điểm này tôi không phủ nhận hoàn toàn hết những lời khuyên đó, tôi vẫn dành sự biết ơn với những người đã giúp đỡ tôi trong giai đoạn khó khăn. Nhưng một trong những yếu tố khác giúp tôi vượt qua ngoài những lời khuyên đó đến từ việc bản thân tôi đã dám thẳng thắng đối diện với tổn thương của chính mình, rồi từ đó dần thay đổi những thói quen, điều chỉnh hành động, kể cả thói quen suy nghĩ, cách đối diện với cảm xúc và vấn đề trong cuộc sống.
Nhiều lúc tự hỏi, xã hội này, môi trường chúng ta đang sống này đang có những bất ổn gì mà lại gây ra cho chúng ta nhiều lo âu và tổn thương đến vậy ?
Vì đâu ai muốn lựa chọn rằng mình sinh ra và sống với những nỗi buồn hay tổn thương đâu?
Phải chăng đến từ những quy chuẩn của đám đông, những áp lực từ gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội. Những áp lực khủng khiếp mà người trẻ phải gánh chịu, và có lẽ vì thế mà cụm từ “chữa lành” lại phát triển mạnh đến thế.
Còn đi học thì áp lực về thành tích điểm số từ nhà trường, áp lực đồng trang lứa. Lớn một chút, đi làm thì áp lực về thu nhập, địa vị tài sản, áp lực về ngoại hình, thời trang, cách ăn mặc, thậm chí kể cả việc kết hôn sinh con giờ đây cũng là một trong những áp lực mà người trẻ phải gánh chịu.
Chưa kết hôn sẽ bị cho là có vấn đề, sẽ liên tục bị soi mói. Chưa có thu nhập ổn định, chưa mua được nhà, chưa lo kinh tế cho gia đình sẽ bị cho là thất bại. Quá nhiều những tiêu chuẩn đang áp đặt lên người trẻ, trói buộc họ trong những khuôn mẫu rằng họ phải sống như thế nào mới là đúng, nếu ngược lại đám đông họ sẽ bị bỏ rơi, bị chỉ trích, để rồi càng khiến cho nhiều người cảm thấy tự ti với cuộc sống bình thường mà họ đang có.
Hãy cứ tưởng tượng mỗi ngày trở về nhà luôn phải đối diện với những áp lực từ gia đình, người thân, họ hàng, mỗi lần lễ tết hay tiệc tùng nào đó, họ luôn hỏi tại sao chưa kết hôn? tại sao chưa có em bé? ngày này qua ngày khác, có thể lúc đầu gia đình cũng ủng hộ và bảo vệ mình, nhưng rồi ngày qua ngày những áp lực đó càng nặng, có thể họ rất muốn bảo vệ mình nhưng ở thế hệ của họ đã quen sống với cái nhìn của người khác, làm hài lòng thiên hạ, sợ miệng đời, sợ gièm pha, không muốn người ta nói ra nói vào, đó là lúc cảm xúc bùng nổ.
Môi trường công việc, thói quen sinh hoạt, ăn uống, kể cả thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khoẻ tinh thần. Rồi đôi khi là sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tinh thần khiến những thế hệ trước vô thức tạo ra những vết thương tâm lý cho những thế hệ sau.
Sống trong một thế giới như vậy, xoay sở với những vấn đề như vậy, việc giữ được sức khỏe tinh thần của mình “lành lặn” là điều khó khăn vô cùng.
Thế giới đang thay đổi quá nhanh, kéo theo những vấn đề ngày một phức tạp hơn, những vấn đề mà cơ thể và bộ não của một con người không được tiến hóa để có thể dễ dàng thích nghi được.
Vì thế nên, đừng vội phê phán hay xem nhẹ 2 từ “chữa lành”, cũng đừng vội phán xét rằng sao thế hệ trẻ ngày nay lại yếu đuối và dễ bị tổn thương đến thế. Hãy cảm thông hơn một chút, thử tự hỏi xem rằng vì đâu việc sống trong cuộc sống hiện đại này lại khó khăn đến thế.
Và liệu rằng có tồn tại một giải pháp nào để chúng ta có thể chung tay tạo ra một môi trường sống bình an và an toàn hơn không ?
.
.
.