Sống và suy nghĩ về sự sống.
Trước đây vẫn cho rằng sống thì cứ sống thôi sao phải nghĩ nhiều về sự sống, và với lối suy nghĩ đó nó khiến tôi chưa từng hết mình cho sự sống, chưa từng trân trọng sự sống. Đại dịch covid là cơ hội, là hồi chuông cảnh tỉnh để tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về sự sống.
Chúa Giê Su từng nói: Ta là sự sống và là sự sống lại.
Đôi khi chúng ta cứ mải miết với những dự định kế hoạch, với con người mà mình sẽ là, với những điều lớn lao vĩ đại mà quên vui với những điều giản dị, bình thường đang diễn ra trước mắt. Hoá ra sự sống không bao giờ kết thúc, chỉ là sự biến đổi không ngừng dưới một biểu hiện khác. Không nhìn thấy được không hẳn là không tồn tại.
Chúng ta được sinh ra từ tự nhiên thì rồi cũng sẽ chết tự nhiên, vì quy luật của cuộc đời là có sinh ắt có tử. Chúng ta là một phần của tự nhiên, vậy nên cũng đừng khát khao thiên đàng, niết bàn, đừng quá nâng chính mình lên, liệu rằng những kỳ vọng đó có còn tự nhiên hay không?
Sư Ông cũng từng dạy: “Nếu con người có thể thuận theo dòng chảy, sống hoà mình với tự nhiên, sống với chính con người mình, yêu thương, vui buồn, được mất thì sẽ chết tự nhiên như khi được trở về nhà với một giấc ngủ sâu.“
Đôi lúc cũng cần cảm ơn cái chết, bởi nhờ có cái chết mà con người ta mới hoàn thành được một kiếp sống trọn vẹn. Nhưng chết không phải là kết thúc. Chúng ta vẫn tiếp nối trong anh em, bạn bè, những người thương, những việc ta làm, tiếp nối mãi. Đám mây không thể nào chết được. Đám mây tan ra thành mưa. Mưa rơi xuống thành thác, thành suối, thành ao hồ. Hàng ngàn con suối chảy ra thành sông. Hàng ngàn con sông chảy ra thành biển. Từ biển nước lại bốc hơi thành mây. Tiếp nối mãi mãi. Nếu hiểu tất cả là vô tướng, chẳng có gì tận diệt, chỉ là sự luân hồi, mọi thứ đến rồi đi, có rồi không, nên cũng sẽ không vì thế mà tuyệt vọng buồn đau.
Lão tử cũng từng nói: “Con người sinh ra ở trong đất trời, là cùng một thể với trời đất. Trời đất thuộc tự nhiên, con người cũng thuộc tự nhiên. Đời người có 4 giai đoạn từ khi sinh ra, trẻ thơ, trưởng thành và già cỗi, cũng như bốn mùa xuân hạ thu đông quy luật tự nhiên của đất trời. Sinh trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, thuận theo tự nhiên thì bản tính không loạn, làm trái tự nhiên thì suốt đời hối hả, bản tính bị ràng buộc, trong lòng nặng nợ công danh, tự nhiên sẽ sinh ra lo âu phiền não.”
Ngày xưa khi Đức Phật còn là thái tử, người có sức trẻ và được sống trong nhung lụa, khi đối diện với sự thật cuộc đời, đối diện với sinh lão bệnh tử, rằng đã là con người rồi thì phải già, phải bệnh tật và sẽ phải chết, người đã không tin vào điều đó và quyết tâm đi tìm ra con đường thoát khỏi vòng tử sinh.
6 năm trời đi tìm con đường giải thoát bằng hàng vạn pháp môn, tìm mãi đủ các bậc thầy, đủ mọi nghi thức, đủ mọi kinh kệ. Thậm chí còn thực hành cả những giáo pháp ngớ ngẩn nhất. Ngài được dạy phải nhịn ăn, thế là ngài nhịn ăn hàng tháng ròng. Ngài nhịn ăn suốt 6 tháng chỉ dùng một lượng thức ăn rất nhỏ 2 lần mỗi tháng. Ngài trở nên ốm yếu đến mức không thể đi lại được.
Một ngày kia khi đang tắm ở sông Niranjana, ngay gần Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài yếu đến mức không thể bơi qua sông, ngài ngã xuống và nghĩ rằng mình sắp chết đuối, đó là giây phút cuối cùng, cái chết đã đến.
Và lần đầu tiên ngài nhận ra: nếu ta yếu đến mức không thể băng qua con sông nhỏ này, làm sao ta có thể băng qua đại dương rộng lớn, làm sao vượt lên khỏi thế giới, ta đang làm một việc ngu ngốc.
Đêm đó, khi trăng lên, Ngài ngồi dưới một gốc cây mà sau này gọi là cây bồ đề, ngài nhận ra rằng mình không đạt được điều gì. Ngài nói giờ không còn gì khác ngoài cái chết, không còn gì để đạt đến, khát vọng của con người chỉ là phù phiếm. Ngài chấp nhận buông bỏ hết mọi thứ, không còn tìm kiếm bất kì điều gì nữa, không tương lai, không khát vọng.
Đức Phật nói: Đó là đêm đầu tiên ta ngủ. Giấc ngủ đó trở thành samadi (định).
Cuối cùng thì Đức Phật cũng hiểu ra con đường giác ngộ thật sự chính là chấp nhận cuộc sống như nó là. Nhưng chấp nhận không có nghĩa là buông xuôi, chấp nhận là để sống tỉnh thức hơn, trân trọng hơn, sâu sắc hơn và dịu dàng hơn với những gì bản thân đang có trong hiện tại.
“Không ai đạt được điều gì khi không cố gắng, và cũng không ai đạt được điều gì khi cố gắng. Khi sự cố gắng đạt đến trạng thái như không cố gắng, sự tỉnh thức sẽ xảy ra”
Chỉ ngồi xuống thật yên và chấp nhận tất cả, chấp nhận mọi thứ có sinh ắt có diệt, duyên khởi lên thì duyên cũng sẽ tan. Mọi sự là sự tiếp nối, không đầu không cuối, ngày nối tiếp đêm, đêm nối tiếp ngày, như 4 mùa xuân hạ thu đồng rồi lại xuân, vạn vật đều tiếp nối.
“Không sinh không diệt, không đến không đi, không được không mất, không đúng không sai, không trắng không đen, không có không không” – Sư ông
Nếu còn đóng khung một con người vào hình tướng, vào thời gian 5 năm, 10 năm, 60 năm hay 80 năm, thì con người vẫn sẽ còn ngụp lặn trong biển khổ triền miên.
Chúa Giê su cũng từng nói: ”Của Ceasar thì trả về Ceasar, của thế gian thì trả về thế gian, của thiên chúa thì trả về thiên chúa. Nếu trói mình vào hình dáng cát bụi thì chúng ta sẽ trở thành cát bụi. Nếu biết mình là sự sống thênh thang thì chúng ta sẽ được rả về với sự vĩnh hằng bất tận.”
Đâu là ranh giới giữa mình và thế giới.
Khi chúng ta hít một hơi thở vào, luồng không khí đó trở thành một phần của tôi. Nhưng ngay khi tôi thở ra, nó không còn là tôi nữa mà trở về thành một phần của vũ trụ. Sự sống này cứ ngỡ là dài vô tận, mấy ai biết rằng chỉ gói gọn trong một hơi thở thôi, ngừng một hơi thở là cũng ngừng luôn sự biểu hiện của thân xác này.
Nhìn nhận từ góc độ đó, có thể thấy rõ rằng con người chúng ta không thể tách rời khỏi sự vô thường của thế giới tự nhiên. Tất cả những tế bào trên cơ thể ta hiện giờ sẽ hoàn toàn được thay thế bởi một thế hệ những tế bào mới trong một quá trình trao đổi chất diễn ra liên tục. Tất cả vật chất tạo thành con người ta sẽ thay đổi, và chẳng có một thành tố nào ở trong ta là thường hằng bất biến.
Trong cuốn The art of living, thầy Thích Nhất Hạnh có một phép ẩn dụ một bông hoa sinh ra từ mặt đất và tưởng rằng mình độc nhất, riêng lẻ, tách biệt với thế giới xung quanh. Nhưng thực ra bông hoa ấy chỉ có thể nảy nở từ một hạt mầm, trong một điều kiện môi trường phù hợp.
Trong Phật giáo, nếu xem bông hoa là “quả” thì hạt mầm chính là “nhân”, và môi trường chính là “duyên”. “Quả” được tạo thành từ “nhân” và do “duyên”. Qua đó, “nhân” và “duyên” hiện diện ngay trong “quả”. Môi trường tạo ra bông hoa và đồng thời hiện diện ở trong chính bông hoa.
Giống như Trái Đất tạo ra sự sống và đồng thời hiện diện ngay bên trong mọi hình thái của sự sống.
Bông hoa sẽ không thể tồn tại nếu không có sự hiện hữu của Trái Đất bên trong chính nó, thông qua sự biểu hiện của những nguyên tố cơ bản như đất, nước, ánh sáng và không khí đang nuôi dưỡng nó mỗi ngày. Tương tự, con người sinh ra trong không gian và thời gian từ những sự sắp đặt kỳ diệu của vũ trụ.
Có nhiều giả thuyết khoa học được đưa ra để lý giải cho sự khởi nguồn của sự sống trên Trái Đất. Có quan điểm cho rằng sự sống được gieo mầm trên Trái Đất từ thuở sơ khai nhờ những ngôi sao băng đem đến nước và mầm sống đang ngủ vùi từ những thiên hà xa xôi.
Có quan điểm khác lại cho rằng sự sống được hình thành từ dưới đáy đại dương, nhờ nhiệt lượng từ những miệng núi lửa đã tạo điều kiện môi trường phù hợp để các chất hóa học sẵn có kết dính lại với nhau và hình thành nên một tế bào nguyên thủy. Chúng ta đều là những sản phẩm được tạo thành và kết tinh trong những quy luật của vũ trụ, trong sự chuyển biến không ngừng của không gian và thời gian.
Trong ngôn ngữ thần bí Phương Đông, thiên nga tượng trưng cho linh hồn, bởi vì thiên nga có màu trắng của sự tinh khiết. Thiên nga đến từ dãy Himalaya có sự thuần khiết giống như lớp tuyết vĩnh hằng của dãy núi. Và thiên nga sống ở hồ Mansarovar, rất xa dãy Himalaya nơi ít người lui tới. Đó là hồ cao nhất thế giới, nơi đóng băng suốt chín tháng, chỉ ba tháng còn lại là tuyết tan. Và một điều kỳ lạ là những tháng không có mặt tại Mansarovar là thời gian thiên nga sinh con. Ngay cả khi chúng rời đi, trứng của chúng vẫn chưa nở. Điều kỳ lạ là chim bố mẹ chưa bao giờ gặp chim con, chim con cũng chưa từng bay về Mansarovar hay biết gì về nơi này, nhưng khi trứng nở và chim non chào đời, chúng lập tức bay về hướng Mansarovar.
Thông điệp ở đây là bạn không biết về nguồn cội của mình, không người chỉ dẫn, không bản đồ, bạn phải đi một mình. Chúng ta không thuộc về thế giới trần tục này. Nó không phải là nhà của chúng ta. Sớm muộn gì khoảnh khắc đó cũng đến: tâm thức của bạn sẽ mở rộng cánh và bay về nhà. Như mọi thiên nga con rồi sẽ tìm được đường về Mansarovar.
Trong góc nhìn của Alan Watts, một trong những triết gia thế kỷ XX đã tiên phong trong việc phổ cập tinh hoa triết học Phương Đông đến với người Phương Tây, có một câu nói “We are the universe experiencing itself.” (Chúng ta là vũ trụ đang tự trải nghiệm chính nó.) Con người ở trong vũ trụ và đồng thời là một phần của vũ trụ, là những phân mảnh của vũ trụ với ý thức và trí tuệ để có thể tự quan sát, nhận biết và thấu hiểu chính bản thân mình.
Nhà khoa học Neil Degrasse Tyson thì cho rằng những nguyên tố hóa học chính cấu tạo nên cơ thể con người bao gồm hydrogen, oxygen, carbon và nitrogen. Đây cũng chính là những nguyên tố được tìm thấy nhiều nhất trong vũ trụ.
Những nghiên cứu về thiên văn học trong thế kỷ XX cũng chỉ ra rằng các nguyên tố oxygen, carbon và nitrogen bên trong cơ thể chúng ta đều là những sản phẩm được tạo thành từ những ngôi sao đã chết của dải ngân hà. Con người được cấu tạo nên bởi chính những vật chất và năng lượng sẵn có trong vũ trụ, có chăng khác biệt chỉ ở cách chúng được kết nối và tương tác với nhau bằng những quy luật như thế nào trong những điều kiện môi trường nhất định mà thôi.
Nhà thiên văn học người Mỹ nửa sau thế kỷ XXI Carl Sagan đã nói: Chúng ta chính là cái cách để vũ trụ có thể tự nhận biết chính nó. Một phần nào đó trong sự tồn tại của chúng ta ý thức được rằng chúng ta đến từ đây. Chúng ta muốn được quay trở về. Và chúng ta hoàn toàn có thể, vì vũ trụ này cũng đồng thời tồn tại bên trong chúng ta.
Rumi cho rằng: Chúng ta là tấm gương và cũng là khuôn mặt phản chiếu trong đó. Chúng ta là người quan sát và là người được quan sát. Không có gì tách biệt giữa chúng ta và sự hiện hữu. Chúng ta là một phần của cái tổng thể, giống như hai tay là một phần của sự thống nhất hữu cơ. Khi nhìn thấy cây cối, mặt trăng, dòng sông, hay đại dương, bạn là tấm gương và cả thứ được phản chiếu trong gương. Nó là một sự hiện hữu.
Đây là kết luận cơ bản của tất cả các nhà thần bí, rằng toàn bộ sự hiện hữu là một thể thống nhất không có hai mặt. Tất cả những gì hai mặt tận sâu bên trong đều hợp lại với nhau thành một sự hiện hữu.
Mấy ngàn năm lịch sử của triết học, rồi những nghiên cứu từ những nhà khoa học, vẫn luôn không ngừng tìm kiếm và chứng minh về sự sống, nguồn gốc của con người. Nhưng mục đích chung nhất là đều nhắc nhở đến chúng ta rằng, bản thân mỗi người chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ, mà là một phân mảnh của nó, như bao nhiêu con người khác đang cùng tồn tại trên hành tinh này.
Việc nhận ra rằng bản thân mình là một phân mảnh của vũ trụ cũng giúp cho tôi ý thức được rằng mình không hề tách rời với thế giới xung quanh, mình không lạc lõng, không cô độc, và chỉ cần kết nối lại với khoảnh khắc hiện tại là mình sẽ trở về đúng nơi thuộc về mà thôi.
Lắm lúc cũng thấy mình cô đơn, vì thấy mình dường như bị bỏ lại và lạc lõng giữa những nhịp sống hiện đại không dành cho mình. Nhưng vì bản thân luôn giữ một niềm tin rằng, sẽ luôn có những vùng trời, những khoảng không (kể cả đó có là chút thinh lặng), hay những con người phù hợp với mình và dành cho mình vừa vặn hơn và đúng đắn hơn.
Có lẽ để thật sự tìm được, mình cần đi nhiều, học nhiều, biết nhiều, trải qua nhiều. Như khi gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người, mình sẽ biết được đâu mới là người phù hợp nhất với mình, đâu mới là người mình muốn ở cạnh.
Hôm nay lại vô tình bước chân vào một khoảng lặng. Nhưng không vội, chậm rãi từ từ tận hưởng và đi qua khoảng lặng này. Để ngắm nhìn vệt nắng in xuống mặt đường, để lấy một chút ánh sáng soi rọi sâu vào những ngóc ngách trong tim, xem mình đang nghĩ gì, mình đang cần gì, mình mong muốn điều gì.
Để ngắm nhìn vẻ đẹp mà không phải ai cũng đủ duyên một lần đi qua.
.
.
.
.