Khi ai đó chia sẻ một ý tưởng, góc nhìn, quan điểm, hay thậm chí kể cả con người thật của họ, và có một người sẵn sàng đón nhận, lắng nghe, cho họ một không gian an toàn, đặt cho họ những câu hỏi, đó là lúc họ thấy họ được chấp nhận, họ không khác biệt, họ không một mình, và họ sẽ càng muốn được chia sẻ thêm.
Sự thật chỉ nên nói với người thật sự lắng nghe mà thôi.
Bởi nhiều tình huống trong cuộc sống, nhiều lần chính bản thân mình khi muốn thể hiện cảm xúc và ý tưởng, đôi khi là những lần bối rối thì ngay lập tức nhận được những lời khuyên từ người khác để mình vượt qua tình huống đó, dù rằng bản thân mình không có nhu cầu vượt qua, chỉ muốn được chia sẻ, muốn được nói ra để xoa dịu cảm xúc, muốn được lắng nghe, hơn là giải quyết vấn đề.
Nhưng thông thường thì những trải nghiệm của chúng ta lại không được chấp nhận, để rồi sự tích luỹ dần xuất hiện ngày một nhiều, rồi bối rối và mông lung vì kể cả những người thân yêu, những người mà mình rất tin tưởng họ cũng không cho mình có được sự chấp nhận mà bản thân tìm kiếm.
Sau nhiều lần không có được sự chấp nhận để rồi mình không có được không gian an toàn, không còn chia sẻ nhiều nữa, hay đôi khi chỉ giới hạn ở một vài chủ đề để trò chuyện, chia sẻ một vài khía cạnh của bản thân chỉ ở mức giao tiếp thông thường và sẽ dừng lại ở đó.
Thời đại online, xu hướng nền tảng của những video ngắn, dường như ai cũng dễ dàng cho lời khuyên với người khác (dù có được hỏi hay không). Nhưng lời khuyên thường mang tính cá nhân, bởi dựa trên những trải nghiệm sẵn có để đi đến kết luận.
Càng ngày bản thân cũng dần ít cho lời khuyên, bởi đã hiểu rằng trải nghiệm của mình gắn liền với cảm xúc, lý trí, tuổi thơ, giáo dục khác nhau, nên lựa chọn cũng sẽ khác nhau, thường cho lời khuyên mang tính cá nhân với một ai đó sẽ không mang lại hiệu quả nhiều, nó chỉ hiệu quả với mình.
Hannah Whitall Smith, nhà diễn thuyết thế kỷ 19 đã nói: “Bí quyết thật sự của việc đưa ra lời khuyên nằm ở chỗ, sau khi bạn đã đưa ra lời khuyên chân thành, bạn trở nên hoàn toàn bàng quan trước việc lời khuyên đó có được tiếp thu hay không, và không bao giờ bắt người khác làm theo những gì bạn cho là đúng”. Bởi có khi người nghe họ chưa sẵn sàng cho sự thay đổi.
Seneca từng nói: “Nên đưa lời khuyên như cách gieo hạt, một hạt giống tuy nhỏ nhưng khi được gieo vào đất tốt sẽ lớn nhanh như thổi và đâm hoa kết trái. Lý trí cũng tương tự khi mới nghĩ đến mình thấy nó thật nhỏ bé, nhưng khi bắt đầu sử dụng, sẽ thấy nó phát triển và đáng tin cậy đến mức nào. Chỉ một vài lời được nói ra, nhưng nếu lĩnh hội toàn diện tâm trí sẽ trở nên thông suốt và vững vàng.”
Trong hầu hết những cuộc trò chuyện bản thân cũng ít đưa ra những lời khuyên, nhưng trong một vài tình huống nếu thấy đối phương quá bế tắc hay mệt mỏi, và họ yêu cầu tôi cho một lời khuyên, lúc đó thường tôi sẽ kể câu chuyện của mình, nhưng sẽ nói rõ đây là câu chuyện cá nhân của mình không có nghĩa là đúng cho tất cả.
Nhưng ít ra với câu chuyện của mình, đối phương sẽ thấy được ai đó đã làm được rồi, hoặc có thể đây là vấn đề chung, hầu như đã là con người thì ai cũng sẽ gặp phải hay hình như còn có ai đó còn gặp nhiều vấn đề lớn hơn mình, con người vốn có tương quan so sánh, khi có một sự so sánh, bối cảnh thay đổi, góc nhìn thay đổi, từ đó bản thân họ có được cái nhìn khác đi.
Cụ Nguyễn Duy Cần cũng từng nói: “Một phần đông những nhà lo đời, độ người, tin tưởng rằng người có trí phải có phận sự dạy kẻ ngu, kẻ khôn ngoan phải có phận sự độ người ngu dại. Để rồi mỗi khi mình tin tưởng là hiểu biết được một điều gì hay mà không chịu đem nó ra truyền dạy cho kẻ khác, mình thấy lòng mình như thắc mắc. Nên phần đông thích khuyến dụ và tế độ”. Đó là một trong những cái ảo tưởng sai lầm, làm trở ngại cho người thật tâm đi tìm đạo.
Khi thấy bản thân có chút hiểu biết rồi, thấy người xung quanh sống không giống mình, liền cho rằng người khác sống sai, sống lỗi, cho rằng mình là người hiểu biết, mình sống đúng, mình đã giác ngộ, đã tìm ra con đường giải thoát, rồi tự cho mình cái nghĩa vụ cái quyền thay đổi giúp đỡ, khuyên nhủ, giảng giải, cứu vớt cuộc đời người khác.
Nếu thấy họ sống sai mà không giúp, không sửa thì tội họ, thì cuộc đời này sẽ khổ, sẽ loạn. Nhưng thực ra chẳng có gì loạn hết ngoại trừ cái tâm trí mình, cái tôi của mình ngày càng lớn. Nếu dừng lại và nhìn kĩ thì những hành động giúp người, giải thoát đến từ việc mình thật sự muốn giúp người khác hay là do cái tôi của mình muốn được có giá trị, muốn thấy mình tốt hơn người khác, giúp vì người khác hay là vì chính mình.
Không ai có thể giải thoát được cho ai, ngoại trừ chính bản thân họ phải là người tự giải thoát.
Mặt trời chỉ làm nhiệm vụ là chiếu ánh sáng ra cho muôn hoa, hoa nào trổ được thì trổ. Chỉ có hoa nào đã đủ điều kiện, đến thời điểm trổ thì mới trổ được. Còn những hoa chưa đúng thời điểm thì dù có làm cách nào cũng sẽ không trổ được, tất cả đều cần thời gian, gấp gáp cũng chẳng được. Sớm hay muộn đâu quan trọng, quan trọng là cần đúng thời điểm, quả cần phải đợi đến chín mùi thì mới hái được, lúc đó sẽ cho được quả ngọt.
Và cái con đường phát triển bản thân, rèn mình, sửa mình này cũng vậy. Mỗi người có một con đường riêng, khi thấy sự hào nhoáng, những kết quả mà người khác đang có được, mình dễ sinh lòng ganh tị, khao khát hay ước gì được như họ. Nhưng nếu mình biết được quá trình để họ có thể đạt được kết quả đó, những điều họ phải đánh đổi, những áp lực mà họ phải đối diện, thì liệu mình có còn muốn giống như họ không.
Ngày nào còn muốn đi nhanh, đi vội, còn tham muốn, còn so sánh hay bắt kịp một ai đó, thì ngày đó bản thân sẽ vẫn chưa tiến bộ được.
Cũng như con đường tâm linh tìm đạo, ngày nào còn muốn mình giải thoát, còn muốn giải thoát cho người khác là ngày ấy vẫn sẽ chưa giải thoát được.
.
.
.
.