Nhiều năm về trước khi chưa có được sự thấu hiểu nên tôi không thích, cũng không thường hay trò chuyện cùng cha, vì những lúc ấy cha hay nhắc tới những lỗi sai khi tôi còn bé, rằng nếu không có cha giải quyết thì giờ không biết tôi sẽ ra sao nữa, nhờ cha mà tôi đã hoàn thành xuất sắc hình mẫu con nhà người ta, là sự ngưỡng mộ trong mắt người khác, ngoan ngoãn, luôn đạt học sinh giỏi 12 năm liền.
Sau này khi có được sự chăm chú chỉ ngồi đó lắng nghe, biết quan sát được cảm xúc của chính mình và của cha nữa, mới thấy thương cha nhiều lắm. Thương cuộc đời cha từ lúc còn nhỏ đến khi là một người thanh niên trưởng thành, cưới mẹ và trở thành người cha, người đàn ông trụ cột của gia đình. Mới nhận ra để có được cuộc sống như hiện nay, chị em tôi được ăn học đầy đủ, cha đã phải vất vả và khó khăn như thế nào.
Tuổi thơ cha lớn lên với sự dạy dỗ nghiêm khắc từ ông nội, không có được tuổi thơ đủ đầy và sung sướng nên cha phải tự lập khi còn rất nhỏ. Cái sự mạnh mẽ đó vốn đã ăn sâu vào tính cách của cha hay có khi là tình yêu thương và sự bảo bọc cha dành cho tôi, mà cha chưa bao giờ bắt tôi làm một công việc nặng nhọc nào cả. Ngày bé tôi chỉ có việc ăn và học thật chăm chỉ. Và cho đến tận bây giờ mọi việc cha đều tự mình làm kể cả mấy lúc cha bệnh, tôi cũng chưa từng thấy cha than mệt hay nhờ con cái làm gì cả.
Sau này lớn lên tôi dần có sự chủ động trong việc chăm sóc cha, mới hiểu rằng mặc dù không nhờ nhưng có được sự chủ động chăm sóc của con gái cha lại rất vui vì điều đó.
Càng sống chậm rãi, lắng nghe quan sát chú ý, tôi mới có thể bước chân vào thế giới của cha, dù thế giới ấy không được ấm áp hay mềm mỏng như thế giới của mẹ. Thế giới ấy ban đầu tôi cảm nhận vẫn còn có chút phòng thủ, phần vì trước giờ chưa quen, phần vì sự mạnh mẽ trong tính cách của cha, nhưng tôi biết đó cũng là một thế giới vô cùng ấm áp.
Những nỗi lòng, những suy ngẫm, những tâm tư, thường đó là những câu chuyện lặp đi lặp lại, trong một khoảng thời gian khá dài, nhưng tôi thấy mỗi lần kể lại trong cha vẫn còn nhiều cảm xúc mãnh liệt.
Những cảm xúc ấy có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào hiểu được hết bởi không phải là người trải qua, việc tôi có thể làm là ngồi lại, dành thời gian, sự chú tâm lắng nghe và không phán xét, chỉ đơn giản là hiện diện cùng cha để nghe cha kể về cuộc đời, thỉnh thoảng cười cùng cha, có khi đặt vài câu hỏi, là cha đã có được những giây phút thoải mái và sâu lắng rồi.
Rồi trong những tình huống nếu thấy thoải mái và thích hợp tôi sẽ gợi ý cho cha một vài lời khuyên ví dụ như chuyện dừng lại trong sự phán xét vội vàng một ai đó hoặc sẽ nói ra góc nhìn của mình cho cha nghe và tham khảo, dần dần tôi cảm nhận được sự thay đổi từ cha, dù lần tới cha vẫn kể lại những câu chuyện nhưng cảm xúc không còn mạnh nữa, hay có khi cha còn nhắc lại một vài ý kiến của tôi khi ấy.
Dù mấy câu chuyện có phần đã cũ nhưng tôi hiểu rằng người lớn họ thường sống trong sự hoài niệm rất nhiều, còn những người trẻ như chúng ta lại hướng đến tương lai nhiều hơn, những điều mình chưa biết, những điều mình muốn khám phá và muốn được trải nghiệm.
Có thể với những câu chuyện cũ đó không cho tôi có thêm nhiều kiến thức mới mẻ, nhưng nó rèn cho tôi có được sự lắng nghe và đồng cảm, nó giúp tôi sống được với một trong những giá trị của mình đó là gia đình.
Có những gia đình vì không có sự thấu hiểu, đồng cảm, mà có những lời nói hành động làm tổn thương nhau tạo nên những mâu thuẩn, để rồi tình yêu thương đó bị đứt gãy và ngày càng xa cách. Vài chục năm trước khi bồng trên tay một đứa trẻ còn đỏ hỏn, chắc các bậc phụ huynh ấy sẽ không bao giờ nghĩ rằng rồi một ngày giữa họ và đứa trẻ ấy lại có sự xa lạ đến vậy.
Ai cũng muốn bé mãi, cứ vô tư và hồn nhiên, nhưng ai thèm nghe chứ. Xung quanh đâu có cho mình làm thế. Có gia đình thì làm chồng/làm vợ, có con thì mình làm cha/làm mẹ, có cháu thì làm ông/làm bà, không thoát khỏi hiện thực được, chỉ có thể nghĩ cách xem sẽ làm thế nào trong vai trò đó. Làm cha mẹ có lẽ dễ, nhưng để tiếp tục làm cha mẹ mới là điều khó.
Dần dần nhận ra bản thân cũng có nhiều sự thay đổi, những thay đổi đó không đến từ việc tôi sống trong môi trường mới hay học được thêm một triết lý sống mới nào đó, mà đến từ những mối quan hệ hết sức quen thuộc và gần gũi. Cha mẹ ở nhà vẫn thế, chỉ là bấy lâu nay mình chưa dành thời gian, chưa biết cách để kết nối mà thôi.
Cha của con!
Ký ức về cha trong con thường thầm lặng như cái cách cha ít nói, ít thể hiện cảm xúc ra bên ngoài dù là vui, buồn, khó khăn hay áp lực. Luôn là tấm lưng bận rộn với công việc.
Con nhớ trên mâm cơm gia đình ngày bé mỗi ngày vẫn giống nhau, là tô canh rau với ít thịt, chảo cá kho. Mỗi ngày mẹ sẽ chỉ gói gọn bữa ăn sao cho vừa đủ 20.000, 20.000 ở thời điểm mười năm về trước không quá nhiều nhưng vẫn không đến nổi quá thiếu thốn, nên trong kí ức của con ngày bé chưa bao giờ cho rằng nhà mình quá khó khăn so với những gia đình khác. Nhưng thật ra đều là do cha mẹ đâu khi nào than thở bất kỳ điều gì, dẫu có khó khăn đến đâu. Mà con của kí ức một đứa trẻ khi ấy thì còn quá ngô nghê để nhận biết được.
Con nhớ không khí gia đình vẫn vui, vẫn đầy ắp tiếng cười, rồi gia đình mình vẫn đi qua…mấy chục năm tất bật của cha mẹ cứ thế trôi qua.
Con biết cha đã đặt vào con nhiều kỳ vọng, có lẽ một trong những kỳ vọng đó là phải học thật giỏi, bởi đó là một trong những ước muốn của cha. Nội nói hồi ấy cha ham học lắm, nhưng vì nhà nghèo đông anh em, không đủ tiền để lo cái ăn nói chi đến việc học, nên cha chỉ học đến chừng ấy rồi bỏ dỡ về nhà phụ gia đình.
Năm tháng cứ thế trôi qua, cái hạt mầm cha gieo theo ngày tháng dần lớn lên, vẫn là sự chăm sóc, bỏ công vun vén của cha không ngừng nghỉ, sự cần mẫn của cha ngày qua ngày vẫn lặp đi lặp lại đều đặn, để con được lớn lên, khoẻ mạnh, cứ việc ăn rồi học.
Con vẫn đến trường, cha vẫn lao vào công việc mưu sinh. Cái hành trình của cha con mình gần 30 năm qua chưa từng ngơi nghỉ, con biết vẫn luôn có một tiếng nói dù chưa từng được cha nói thành lời với con rằng: “con chỉ việc học thật tốt, mọi chuyện khác đã có cha mẹ lo rồi”.
Giờ đây con cũng đã lớn, cũng không dám nói là mình đã đủ chín chắn hay trưởng thành hay chưa, nhưng con đã hiểu được cái tình thương, nỗi lòng của cha ngày ấy. Cha không sinh ra từ vạch đích, cha không phải là một người đàn ông hoàn hảo, nhưng cha đã sống kiên định trước một cuộc đời nhiều khó khăn, thử thách và vẫn không ngừng phấn đấu, nhưng trước sau vẫn chưa một lần lên tiếng oán trách số phận.
Sự kiên định với cuộc đời và tình thương dành cho gia đình của một người đàn ông, chỉ khi được thể hiện bằng những hành động thực tế, mới trở nên có giá trị và ý nghĩa nhất. Chính cha đã dạy con hiểu rằng, một người đàn ông của gia đình thì không thể dễ dàng buông bỏ nghị lực, dù chỉ tiến lên một chút so với ngày hôm qua thì cũng phải cố gắng hết sức, tiến lên phía trước, rồi sẽ có một ngày người cha ấy có thể mang đến cuộc sống đủ đầy cho vợ và các con.
Cha không phải là người hay bài tỏ cảm xúc, thấu hiểu tâm lý hay thường trò chuyện, cũng chẳng có bài học đạo lý văn vẻ rút ra từ sách vở, nhưng điều cha làm đó là sự hy sinh thầm lặng, chắt chiu, vun vén cho gia đình nhỏ, mọi việc cha làm đều để cho mẹ con con được sống đủ đầy sung túc.
Khi đã đủ lớn con mới đủ hiểu sự thầm lặng của cha suốt những năm tháng thơ ấu khi xưa.
Ngày bé, mỗi lần chở con đi đường xa cha đều cho con ngồi phía trước phòng trường hợp con sẽ ngủ gật. Để rồi giờ đây con ngồi phía sau yên xe, cũng vòng hai tay ôm cha thật chặt. Con đã lớn và cái ôm của một cánh tay đã dài hơn, duy nhất cái sự ấm áp là không thay đổi.
Thật tâm, con luôn muốn giữ mãi khoảnh khắc này, cái khoảnh khắc được ở cùng với những thương yêu, cái khoảnh khắc có được những bữa cơm quây quần mỗi cuối tuần, khoảnh khắc được ôm cha mẹ thật chặt, cái ôm đã che chở cho con trong suốt thời thơ ấu, kể cả khi lớn lên ra đời và đương đầu với cuộc sống. Nhưng cũng biết rằng thời gian nào có cho con có được ước nguyện đó, vậy nên lại càng phải trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc hiện tại này đây.
Thời gian không chờ đợi một, và tuổi già cũng thế.
Hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, hãy kết nối lại những mối quan hệ, hãy trao nhau những tình yêu thương. Đừng để một ngày nào đó phải thốt lên 2 chữ giá như. Đâu ai biết giây tiếp theo chuyện gì sẽ xảy ra, có thể những tổn thương bên trong những phụ huynh ấy vẫn đang đợi chúng ta chủ động kết nối và chữa lành.
Hy vọng bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn nhé.
.
.
.
.