Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Thương mình

Thương mình

Posted on 16/01/202416/01/2024 by admin

Chúng ta đang sống trong một thời đại, mà chủ nghĩa điển hình xuất hiện và đang chi phối thế giới này đó là chủ nghĩa tiêu thụ. Với chủ nghĩa tiêu thụ chúng ta luôn luôn cảm thấy bản thân có nhiều thiếu sót, không bao giờ là đủ. Hãy mua nhiều hơn, tích luỹ nhiều hơn để được thoả mãn.

Luôn bị kích thích bởi truyền thông, quảng cáo, những người nổi tiếng, những diễn giả truyền cảm hứng, những người ảnh hưởng, rồi nào là tiktoker, riviewer, bạn bè trên mạng xã hội, và bởi rất nhiều đối tượng khác nhau, thậm chí là những người mà ta không quen biết chỉ tương tác với nhau qua online mà thôi….

Chúng ta sống trong tình trạng luôn luôn không ổn, luôn cần phải mua thêm 1 thứ gì đó, tích luỹ thêm 1 thứ gì đó, cần thêm 1 cái xe, cần thêm 1 cái điện thoại mới, cần 1 chuyến đi du lịch vì vừa thấy travel blogger nổi tiếng nào đó mới rì viu, để cảm thấy mình ổn, để cảm thấy không bị tụt hậu, không bị bỏ lại phía sau.

Và rồi trạng thái này diễn ra liên tục và lặp lại mỗi ngày, liên tục phải đối diện với những kích thích khác nhau cả vô hình lẫn hữu hình.

Hầu hết những trải nghiệm chúng ta có hiện nay đều bị dẫn dắt, nhưng rồi sau khi lắp đầy những thứ vật chất kia thì chúng ta thấy cuộc sống mình vẫn không ổn, rồi lại tiếp tục kiếm tìm bên ngoài.

Để rồi cuộc đời ta bị chi phối ngày càng nhiều mà ta lại không hề nhận ra, liên tục phải mua thêm nhiều thứ, liên tục thay đổi bản thân, thay đổi gu ăn mặc, thời trang, để bước vào những mối quan hệ xung quanh với rất nhiều lớp vỏ bọc mà ta đã liên tục kiên cố cho nó. Trong khi nội tâm, tinh thần thì luôn thiếu thốn và chưa bao giờ cảm nhận được sự đủ đầy.

Những mối quan hệ dù là mối quan hệ yêu đương hay là gia đình, ta đều không nhận được sự quan tâm, không cảm nhận được sự thuộc về hay bình an mà mối quan hệ đem lại.

Gia đình, ba mẹ mặc dù có thể yêu thương ta nhưng họ vẫn còn rất nhiều những mối lo trong cuộc sống, họ cũng đầy sự bận rộn, nhưng không chắc là họ sẽ là 1 người bạn mà ta tin tưởng được để tâm sự và sẻ chia những khó khăn của bản thân.

Quảng cao truyền thông, mạng xã hội sẽ nói với chúng ta mỗi ngày là, các bạn chưa đủ giỏi đâu, chưa có nhiều tự tin đâu, chưa bằng được người khác đâu, các bạn còn thiếu nhiều thứ lắm, hãy mua sản phẩm này đi, hãy mua sản phẩm kia đi.

Nhãn hàng, xu hướng thời trang sẽ nói chúng ta quá gầy, quá béo, quá cao, quá thấp, các bạn phải ăn kiêng đi, phải mặc trang phục này đi để có thể hack dáng, có được sự tự tin khi bước ra bên ngoài.

Rồi là phụ nữ thì chúng ta lại phải bôi thêm bao nhiều là phấn phủ, phấn nền, bao nhiêu là lớp make up, trang điểm đủ màu sắc, mới có thể tự tin được, hay có những câu nói vui: điều đáng sợ nhất đối với phụ nữ đó chính là bắt họ để mặt mộc ra đường. Trong khi việc giao tiếp hay gặp gỡ 1 ai đó, nó có cần sự tự tin đến từ lớp make up hay không, đó là điều chúng ta ít khi đặt những câu hỏi.

Chúng ta lớn lên với vòng xoáy đó, và dần dần càng tương tác nhiều, càng kết nối nhiều với con người, với xã hội, với môi trường xung quanh, chúng ta càng thấy mình lỗi hơn, nhiều khiếm khuyết hơn, nhiều sự tự ti hơn, thiếu sót nhiều hơn, và luôn luôn cần có được sự công nhận từ người khác.

Ngoại hình, cân nặng, thể chất, body chuẩn số đo 3 vòng, sẽ có 1 số người rất tự tin vì có được ngoại hình xinh đẹp theo chuẩn mực của xã hội, có người tự hào cũng sẽ có người tự ti, vì họ không đáp ứng được chuẩn của cộng đồng đó. Khi xem ngoại hình là tiêu chí để đánh giá sự quan trọng của bản thân, thì có thể chúng ta sẽ tốn nhiều thời gian và công sức cũng như tiền bạc để có được ngoại hình phù hợp với chuẩn mực xã hội đặt ra. Và có lẽ đó lý do giải thích cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thẩm mỹ hiện nay.

Tuy nhiên nếu để ý kỹ thì ta sẽ thấy rằng điểm chung của hầu hết những tiêu chí trên là đều có liên quan đến một ai đó.

Vì nếu như không có 1 ai đó, hoặc 1 nhóm người nào đó, thì sẽ không có những tiêu chuẩn như thế này. Và lúc này có thể chúng ta sẽ bối rối vì không biết phải sống như thế nào khi mà tất cả những tiêu chuẩn bên ngoài đã không còn. Hầu hết những tiêu chí này đều đến từ nhu cầu được công nhận, được chấp nhận, được đánh giá, được thuộc về. Đó là cuộc sống mệt mỏi vì phải liên tục chạy theo những thứ bên ngoài, những tiêu chuẩn, ý kiến, chuẩn mực từ những người xung quanh.

Và điều nguy hiểm hơn nữa là chúng ta lại không hề biết là bản thân mình, đang phải sống mệt mỏi như vậy. Gia đình không dạy ta điều đó, ba mẹ không dạy ta điều đó, thầy cô cũng không dạy ta điều đó, nhưng đừng trách họ, bởi đôi khi chính họ cũng đang bị cuốn vào guồng quay đó, cũng bị xã hội tác động mà thôi.

Rồi là phụ nữ đến độ tuổi ngoài 30 mà vẫn chưa kết hôn, chưa lập gia đình, chưa có người yêu, thì xã hội, gia đình, hàng xóm tất cả mọi người sẽ tấn công, tìm mọi cách để thuyết phục phải kết hôn, phải sống giống như những người xung quanh, giống cái xã hội này.

Có lẽ thông điệp mà cuộc sống hiện đại, nền văn hoá hiện nay là ta không thể nào hạnh phúc 1 mình được, ta phải cần 1 ai đó để khiến cho ta được hạnh phúc.

Bởi không có chồng, không có bạn đời, không có ai cưới, không có ai đó để kết hôn, chứng tỏ ta có điều gì đó không ổn, ta đang khiếm khuyết gì đó, còn 1 điều gì đó chưa trọn vẹn, ta đang sống không giống với mọi người, đang đi ngược lại với lối sống văn hoá xã hội này. Rồi nhiều người lựa chọn hôn nhân để có được cuộc sống giống người khác, kết hôn vì đã đến tuổi kết hôn, kết hôn vì thấy bạn bè xung quanh đều đã kết hôn ráo trọi.

Chúng ta lớn lên với một nền văn hoá, sự phát triển của truyền thông, mxh, nền giáo dục khiến chúng ta không thương được mình.

Vì bản chất của con người chúng ta là tương tác, là trải nghiệm liên tục với cuộc sống bên ngoài. Đó là những cảm xúc, đó là những suy nghĩ, và khi ta không nhìn sâu, thì sẽ không thấy được kết quả của những sự tương tác đó, để rồi ta có thể bỏ lỡ những giá trị cuộc sống, ý nghĩa cuộc sống đang hiển hiện trước mắt mình.

Vậy nên mỗi người chúng ta cần dành thời gian để ngồi lại, chiêm nghiệm về những trải nghiệm của bản thân cũng như để hiểu hơn về chính mình.

Nhìn sâu cần sự thực tập và rèn luyện, cần không gian để nhìn sâu, cần sự kiên trì và quá trình, để đưa thói quen nhìn lại này vào bên trong chính mình.

Sẽ có những trải nghiệm liên tục lặp đi lặp lại trong cuộc sống, nếu chúng ta không nhận ra khuôn mẫu thì chúng ta sẽ không hiểu được những hành động của bản thân. Tại sao chúng ta lại có xu hướng tương tác và kết nối với duy nhất 1 kiểu người nhất định, những điều này nói cho chúng ta biết gì về quá khứ của mình?

Trải nghiệm giúp chúng ta học hỏi được rất nhiều, mỗi một trải nghiệm đều giúp chúng ta hiểu thêm về cảm xúc, suy nghĩ và hành động của bản thân. Nếu không có sự nhìn lại thì nó chỉ đơn thuần là những sự kiện ngẫu nhiên trong cuộc sống của chúng ta mà thôi.

Để làm được điều này mỗi cá nhân cần phải dành nhiều khoảng trống cho chính mình. Điều mà chúng ta thường ít khi có được trong thời đại của social media, cho những hoạt động giải trí, những hoạt động online hơn. Ta ít khi dừng lại dành thời gian cho chính mình.

Không gian: không gian nội tâm hoặc là sự hỗ trợ của 1 vài người thân thiết, những người có thể giúp chúng ta đồng hành với chúng ta trong hành trình khám phá.

Công cụ: viết nhật kí, đặt câu hỏi, thiền, trò chuyện với chính mình, trò chuyện với người khác, trò chuyện bình an, những cuộc trò chuyện sâu, thấu hiểu lắng nghe, không phán xét, có thể là những chuyến đi dài về gần với thiên nhiên.

Mình sống không hạnh phúc không phải vì mình không có được nhiều thứ như người khác, mà là do mình chưa biết trân trọng những gì mình đang có. Mình đâu cần nhiều thứ như vậy mới hạnh phúc đâu. Khi biết chấp nhận, kết nối và trân trọng những gì mình đang có thì mình sẽ không còn chạy theo những cuộc đua, hay tìm kiếm thêm bất cứ điều gì ở bên ngoài nữa.

Sẽ thật khó để mở lòng, để cho đi, khi chính bản thân mình không có điều gì để cho đi cả.

Thương mình, chấp nhận mình, đó là lúc cũng thấy được sự bình an, vui tươi dâng trào mỗi ngày.

Thương mình, là khi mình có thể chấp nhận con người mình. Thương chính mình, thương cơ thể này, thương trái tim này, thương cả 5 giác quan này. Tay, chân, mắt, mũi, miệng, cơ thể lành lặn, một sức khoẻ tốt, tinh thần minh mẫn, trí tuệ sáng suốt, vẫn còn một đôi mắt để nhìn thấy mình, nhìn thấy những người thương yêu bên cạnh, nhìn thấy thế giới xung quanh, có cơ hội được học thêm nhiều điều mới mỗi ngày.

Mình có một khuôn mặt lành lặn, mặt dù nó không đẹp như cái chuẩn của mọi người, cái chuẩn mà xã hội đặt ra, nhưng nó là sự hiện diện của mình, sự nhận diện cho những người xung quanh.

Mình có gia đình, mình còn được kết nối tương tác với xã hội, mình có những giấc mơ và cũng đang trên con đường đi chinh phục giấc mơ đó.

Khi nhìn lại mới thấy bản thân mình đang có quá nhiều thứ. Bấy nhiêu đó thôi là đủ để thấy bản thân mình may mắn lắm rồi, đủ để có thể thấy trân trọng và yêu thương chính mình rồi. Để rồi có thể mở rộng tình yêu thương cho những người xung quanh, bởi lúc đó bản thân đã có được đồng cảm, vì đã hiểu ra rằng những người xung quanh họ cũng có những vấn đề giống như mình vậy.

Thật lạ mỗi khi tôi ở gần một người mà họ biết thương chính bản thân họ, tôi lại cảm nhận được một nguồn năng lượng bình an, luôn cảm thấy được sự dễ chịu, không phải dấu diếm hay phải gồng mình để chiều ý người khác, luôn thoải mái được là chính mình, thoải mái phô bày chính con người mình mà không sợ sự phán xét hay chỉ trích nào cả. Bởi một người khi đã thương được chính mình, họ sẽ bỏ qua được hết những định kiến, những phán xét và họ cũng sẽ chấp nhận cả những người xung quanh.

Hãy nhớ rằng không một ai có thể giúp ta hiểu và thương chúng ta ngoài chính bản thân ta. Mỗi khi có vấn đề trong cuộc sống, ta có thể tìm đến chuyên gia tâm lý, thì họ chỉ có thể giúp ta bằng cách dựa trên những điều mà chúng ta nói với họ. Một vài người chuyên nghiệp hơn có kĩ năng hơn thì họ dựa trên ngôn ngữ không lời của chúng ta. Tuy nhiên đôi khi những thứ quyết định không phải là những gì chúng ta nói, mà là những gì chúng ta không nói với họ.

Người thân thì cũng có thể quan tâm đến chúng ta đó, nhưng họ khó có thể hiểu được động lực, giá trị sống của chúng ta, mục tiêu mà chúng ta theo đuổi, tại sao chúng ta cảm thấy cuộc đời này có ý nghĩa. Họ có thể quan tâm chúng ta 1 cách chân thật, họ có thể thương chúng ta, nhưng khó để họ giúp chúng ta hiểu rõ được chính mình.

Vậy nên chúng ta phải là người đi, phải là người chủ động liên tục nhìn lại, nhìn sâu vào bên trong để nhìn thấy được chính mình và cũng là để thương mình.

Hành trình nhìn lại mình là hành trình thú vị nhưng không hề dễ, tuy vậy nhưng nó sẽ vô cùng đáng giá.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.