Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
tình yêu đến từ đâu

Tình yêu đến từ đâu?

Posted on 12/10/202410/10/2024 by admin

Thế giới 7 tỷ người, tại sao mình lại gặp người này mà không phải người khác? Tại sao mình lại yêu người này mà không phải là người khác? Tại sao mình phải bay tận mấy ngàn km để gặp họ trong một chuyến đi mà không gặp trong môi trường sống và sinh hoạt hằng ngày?

Rất nhiều câu hỏi mà mình không thể lý giải được. Có những người hay bảo là trái tim, lắng nghe con tim của mình, trái tim cũng là biểu tượng của tình yêu. Có người nói đó là tình yêu sét đánh, có người tin vào tiền kiếp, duyên số, những sự ràng buộc trong quá khứ.

Lần này chúng ta hãy thử đi vào trong đầu để thấy rằng tình yêu diễn ra trong đầu chủ yếu, nó không ở trong trái tim, cũng không liên quan đến duyên số gì cả.

Tình yêu trong não bộ.

Tình yêu là những phản ứng hoá học của các nơ ron thần kinh có trong đầu.

Trong khoảng 20 năm vừa rồi khoa học đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng khi chúng ta ở gần người mình thích, người mà mình muốn cam kết và xây dựng mối quan hệ với họ, thì mình sẽ tiết ra 1 loại hoá chất đó là ocxytocin. Hay còn gọi là hormone tình yêu, hormone của sự ôm ấp, khiến chúng ta muốn được gắn bó và thân thiết hơn, muốn gần gũi một ai đó, bên cạnh một ai đó, tạo cho mình một cảm giác an toàn và dễ chịu.

Ocxytocin tạo ra sự an toàn, gắn kết và tin tưởng. Đây là những yếu tố tạo nên tình yêu bền vững, xa hơn là một trong những yếu tố tạo nên tình yêu 1 vợ 1 chồng.

Chỉ cần nghĩ về đối phương thôi thì lượng hormone này đã được tiết ra rồi. Và đặc biệt hormone này được tiết ra nhiều nhất là khi được ôm ấp và gần gũi. Hay khi những bà mẹ cho con bú thì lượng hormone này cũng được tiết ra để xây dựng sự gắn kết giữa người mẹ và em bé.

Ocxytocin giúp chúng ta dễ đồng cảm hơn, ngồi lâu hơn để lắng nghe người khác, để ý giọng điệu của người khác, nhìn sâu vào mắt họ, giúp làm giảm sự nhạy cảm của hạch hạnh nhân (đây là một bộ phận rất nhỏ trong não, tạo ra những rung động rất mạnh để phản ứng với những tình huống bên ngoài).

Vậy nên khi gắn bó với một ai đó thì thứ thật sự gắn bó về mặt sinh học đó là ocxytocin, chứ không phải từ trong trái tim như chúng ta vẫn nghĩ.

Tình yêu là những tấm gương.

Một bộ phận khác ngoài ocxytocin đó là tế bào thần kinh mirror nơ ron hay còn gọi là nơ ron tấm gương.

Đối phương sẽ là tấm gương phản chiếu rõ nhất con người mình, nó không giống như tấm gương gia đình được ràng buộc bởi huyết thống, hay tấm gương công sở bị ràng buộc bởi tiền bạc, mà người mình yêu là một tấm gương sáng vô cùng bởi không có bất kì sự ràng buộc hay mối quan hệ nào trước đó để rồi nhiều lần tự hỏi: Tại sao một người xa lạ như thế lại có thể soi rọi cho mình, gắn kết với mình tuyệt đối như thế?

Tế bào này giúp chúng ta cảm nhận được điều người khác đang cảm nhận thông qua biểu hiện và hành động của họ. Giống như sự bắt chước, khi mình thấy họ khóc, khi thấy họ buồn, mình hiểu được chuyện đó, nó làm mình muốn ở lại bên cạnh đồng hành và mang lại cho đối phương sự an ủi.

Tế bào này cũng tạo ra sự thân mật, gần gũi và an toàn, tương tự như ocxytocin và đây cũng là những phẩm chất tương tự của tình yêu. Điều chúng ta hay gọi là thần giao cách cảm, có nghĩa là mình có thể nhận biết được nhu cầu, hiểu được cảm xúc của đối phương thậm chí họ không cần phải nói, thì đó là lúc nơ ron gương đang hoạt động ổn định trong trạng thái khoẻ mạnh.

Vậy làm sao để có được nơ ron gương khoẻ mạnh? Đó là khi chúng ta đang ở trong trạng thái ổn, không có sự xáo động về mặt cảm xúc và không có những di chứng tổn thương trong quá khứ, khi đó là chúng ta đã có một nơ ron gương để sẵn sàng bước vào mối quan hệ gắn bó lành mạnh và yêu thương rồi.

Tình yêu và cảm xúc.

Hầu hết những hành động, cử chỉ chúng ta có trong tình yêu thì ẩn sau đó đều được điều khiển và chi phối bởi cảm xúc.

Khi đã hiểu và chấp nhận được chính mình, đó là lúc cũng bắt đầu chú ý hơn đến cảm xúc của bản thân và của đối phương, để không bị điều khiển bởi cảm xúc gây ra những hành vi làm tổn thương mình và tổn thương người khác.

Thông thường sẽ có 4 cảm xúc mà ta hay gắn đó là cảm xúc tiêu cực: sợ hãi, giận dữ, xấu hổ, nỗi buồn. 2 dạng cảm xúc còn lại gắn với sự tích cực đó là niềm vui, sự ngạc nhiên.

Chúng ta vốn đã được dạy rằng cần phải có nhiều cảm xúc vui vẻ, thuận lợi, hạn chế càng ít những nỗi buồn, sợ hãi càng tốt. Ta xem những cảm xúc không thuận lợi là một điều tối kị, để rồi cố gắng đè nén, chỉ chào đón những cảm xúc tích cực mà thôi.

Những hiểu biết lệch lạc này làm cho chúng ta hiểu rất sai về cảm xúc, để rồi trong phần lớn thời gian cuộc đời chúng ra đè nén cảm xúc xuống và đến khi chúng bùng nổ thì bản thân cũng không chịu nổi nữa. Hoặc tự đánh lạc hướng bản thân bằng những hoạt động vui chơi giải trí để lơ cảm xúc đó đi.

Chúng ta thấy rằng trong 6 loại cảm xúc có 4 loại cảm xúc dễ chịu và 2 cảm xúc khó chịu, điều này khẳng định rằng, não bộ của con người dù đã trải qua hàng ngàn năm tiến hoá nhưng nó vẫn còn là một não bộ rất nguyên thuỷ, nó được thiết kế để con người nhận diện những nguy hiểm xung quanh. Khi nguy hiểm tới thì chúng sẽ phản ứng ngay lập tức.

Và trong mối quan hệ thì sao, một sự im lặng, một sự chỉ trích của đối phương, một câu đùa không đúng chỗ, sự phụ thuộc của đối phương, thì não bộ sẽ hiểu đó đều là sự nguy hiểm, để rồi chúng ta sẽ phản ứng, tấn công lại, đổ lỗi, kết tội, tạo ra những tranh cãi và căng thẳng không cần thiết vì những tín hiệu sai mà não bộ nhận diện từ môi trường.

Vậy nên bất kì khi nào có sự mâu thuẩn không chỉ trong tình yêu mà cả trong cuộc sống, công việc hay mối quan hệ trong gia đình, chúng ta cần hiểu do não đã được lập trình như thế, đối phương không có ý gì khác, chỉ là bộ não luôn tìm kiếm tín hiệu để bảo vệ chúng ta và hạn chế những nguy hiểm mà thôi. Điều ta cần làm là hiểu được thông điệp của cảm xúc, hiểu được trò chơi của não bộ để có sự điều chỉnh phù hợp.

Vậy thì tình yêu không phải chỉ toàn những cảm xúc vui, hân hoan, an toàn, thông thường ta hay gắn cho tình yêu những cảm xúc thuận lợi như sự say đắm, mê say, những bức tranh lung linh được tô vẽ bởi sách vở, phim ảnh, câu chuyện không kiểm chứng được nhân vật.

Thật ra thì tình yêu nó sẽ có cả niềm vui, nỗi buồn, cả sự xấu hổ, ngạc nhiên, giận dữ và sợ hãi. Đúng hơn là trong một tình yêu đích thực chúng ta sẽ trải nghiệm tất cả các cảm xúc mà con người có thể trải nghiệm được với một cường độ rất lớn, đó mới là tình yêu.

Chứ không phải chỉ là niềm vui, sự thích thú, sự vui vẻ, nếu chúng ta tin vào chuyện đó và khi những cảm xúc khó khăn xuất hiện chúng ta sẽ không chấp nhận và nói rằng đây không phải là tình yêu nữa, tình yêu thì phải vui chứ. Nếu mối quan hệ toàn im lặng, sợ hãi, bất an thì không phải tình yêu rồi. Thật ra chúng ta chỉ đang ở trong những giai đoạn khác nhau của cảm xúc mà chúng ta không nhận biết để rồi cho rằng đó không phải là tình yêu.

Mong là qua định nghĩa này sẽ giúp chúng ta mở rộng ra một chút xíu khái niệm và định nghĩa về tình yêu. Để thấy tình yêu màu sắc hơn, đa dạng hơn, đó là cuộc đời, là bức tranh rất nhiều màu sắc, không chỉ tranh trắng đen, không chỉ là buồn vui, bạn nhỉ!

Tình yêu và những cuộc trò chuyện.

Trò chuyện là một trong những trụ cột cần thiết tạo nên sự kết nối để nuôi dưỡng tình yêu. Những cuộc trò chuyện sẽ mang đến sự thấu hiểu, nói cho đối phương biết những mong muốn cảm nhận của nhau.

Hiểu ở đây là bao gồm sự chấp nhận, tôn trọng trong cảm xúc, suy nghĩ lựa chọn của đối phương và cả chính mình. Điều mà với cuộc sống vội vã ngày nay chúng ta ít khi dành thời gian cho việc đó.

Đối phương có những ước mơ nào, cái tương lai nào mà họ muốn xây dựng?

Họ có những nỗi sợ nào? nỗi sợ có thể đến từ những sự kiện trong quá khứ, sự kiện này sẽ ảnh hưởng lựa chọn hiện tại và tương lai sắp tới, mình có thể đồng hành cùng họ vượt qua nỗi sợ hay không?

Họ có những tổn thương, nỗi đau nào đến từ gia đình hay những mối quan hệ cũ trong quá khứ không? liệu những tổn thương đó đã được chữa lành hay chưa, liệu mình có ở lại, ngồi xuống, dành thời gian, lắng nghe, cùng họ đi trên hành trình chữa lành đó hay không?

Quan điểm của họ như thế nào về chuyện kết hôn, sinh con và nuôi dạy con cái?

Họ thích thể loại nhạc nào, thích ca sĩ nào, bài hát nào họ ngân nga nhiều nhất?

Giá trị sống họ là gì, niềm tin, thế giới quan của họ ra sao?

Mối quan hệ của họ với những thành viên trong gia đình, sự kết nối của họ với bạn bè, với những người xung quanh?

Đó là những câu hỏi, những dữ kiện, từng lớp từng lớp đã hình thành nên con người họ và mình sẽ cần nhiều thời gian bên cạnh để khám phá và thấu hiểu.

Nhưng điều đó vẫn chưa thật sự thuyết phục được chính tôi nhiều lắm. Và cũng sẽ không thể đưa ra một câu trả lời cụ thể. Nhưng hình như trong trái tim mỗi người chúng ta ngoài việc vang lên những nhịp đập mỗi ngày để duy trì sự sống thì vẫn còn một ngăn nào đó, còn một khoảng trống nào đó và khi mình gặp được một người có thể lắp đầy khoảng trống bên trong đó, cho mình cảm nhận được sự trọn vẹn, mình thấy vui hơn, thấy yêu đời hơn, cuộc sống mỗi ngày cũng vì vậy mà có nhiều màu sắc hơn và thú vị hơn, khi trái tim đã được lắp đầy nên cũng cảm nhận được niềm vui nhiều hơn.

Cái cảm giác đó thật khó mà có thể diễn tả được bằng lời. Chỉ biết là khi ở cạnh họ thì những thứ bên ngoài như ngoại hình, tài năng, thì đó chỉ là một trong những yếu tố thu hút mình thôi. Bởi điều thật sự khiến mình ở lại đó là sự chăm sóc, chăm sóc cho nhu cầu, chăm sóc cho cảm xúc của nhau.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.