Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Tôi chết vì tôi đã từng sống

Tôi chết vì tôi đã từng sống

Posted on 02/08/202427/06/2024 by admin

Hôm nay trong lúc nói chuyện với một người bạn, nhận được một câu hỏi:

Theo mày nghĩ thì sau khi mình chết đi mình sẽ trở thành linh hồn hay hoà vào những dạng khác của vũ trụ ?

Sư Ông thì từng nói mọi thứ trong vũ trụ tất cả đều liên quan ảnh hưởng đến nhau. Khi người thân mình mất đi người thân mình không đi đâu cả mà có mặt ở khắp mọi nơi và cả trong chính mình vì mình là sự tiếp nối của họ.

Nhưng trong nhiều quyển sách nói về linh hồn thì lại cho rằng sau khi con người chết đi linh hồn sẽ trở về với thế giới gọi là thế giới linh hồn, để luân hồi sang kiếp khác.

Trong văn hoá ở Châu Á cái chết là điều cấm kị nên ít khi được nhắc đến, người ta quý trọng sự sống, còn cái chết như một sự chấm dứt và chẳng một ai muốn chết cả. Người càng sở hữu nhiều tài sản, địa vị, quyền lực thì lại càng muốn kéo dài sự sống hơn nữa. Chẳng có gì xa lạ khi trong những câu chúc dịp lễ tết con cháu chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, những cặp vợ chồng mới cưới thì lại được chúc trăm năm hạnh phúc, sống hết kiếp người đến khi răng long đầu bạc.

Nhưng làm gì có ai sống mãi được.

Khi mất đi người thân với kí ức của một đứa trẻ ngày đó thì tôi chỉ biết đó là một chuyện buồn. Tôi thấy cha và mẹ khóc, thấy những người xung quanh cũng khóc, tôi chỉ nhớ mẹ nói với tôi rằng: mình không còn được gặp ông nội nữa rồi con ơi.

Nhưng sau này lớn lên một chút, khi đã có sự trưởng thành về mặt nhận thức, tôi thấy rằng sự mất mát đó không chỉ đơn giản là một sự kiện buồn, tôi bắt đầu nhìn thấy nỗi đau, sự mất mát hay những từ ngữ như âm dương chia cắt, tôi hiểu hơn về nỗi đau từ phía bà và cha mẹ. Cha tôi mất đi một người cha, bà tôi mất đi một người chồng, còn tôi thì mất đi người ông đã từng rất yêu thương tôi.

Cái chết đem lại sự mất mát. Và chưa một ai dạy chúng ta cách để chấp nhận và đối diện với những mất mát, để rồi khi nó đến mình vùng vẫy và bị nó nhấn chìm.

Khổ nằm ngay trong bản chất của cuộc đời như muối nằm trong biển, mà sinh lão bệnh tử chỉ là những khía cạnh dễ thấy nhất.

Với bất kì người trưởng thành nào việc mất đi một người thân đó sẽ là một sự chuyển biến lớn, một sự kiện đánh dấu trên hành trình sống của những người ở lại, đó là những cú sốc, là tín hiệu để nhắc nhở mình rằng cuộc đời này là hữu hạn, những người thân của mình rồi cũng sẽ rời xa mình, kể cả chính mình rồi một ngày nào đó cũng sẽ rời khỏi cuộc đời này, là tiếng gọi cho một thời điểm của sự thức tỉnh.

Để tự hỏi chính mình rằng cuối cùng mình đang sống vì điều gì ? Tháng ngày qua mình đã từng sống hay chưa ? Mình muốn sống thật lâu nhưng lại chẳng biết làm thế nào để sống như thế ?

Trước giờ những giá trị sống mình từng được nghe có lẽ là học thật giỏi, đi làm kiếm được nhiều tiền, lo được cho cha mẹ, đáp ứng được những nhu cầu của bản thân, lấy được một người chồng tốt thành đạt về mặt tài chính, rồi sinh ra những đứa con ngoan khoẻ mạnh.

Khi còn trẻ mình sống để kiếm tiền, để tìm một tình yêu. Khi kết hôn rồi thì sống vì chồng vì con hy sinh vì gia đình. Mà chưa bao giờ mình tự hỏi, vậy trước khi có chồng có con mình sống vì điều gì ?

Phần lớn cuộc đời mình đi trong sự mê man, trong sự vô định mà không thật sự sống, mỗi ngày thức dậy với sự mệt mỏi của những nghĩa vụ, trách nhiệm, gánh nặng trên vai. Lao ra đường hoà vào dòng người đi học đi làm và đối diện với rất nhiều sự kiện khác nhau để rồi cuối ngày trở về nhà với sự mệt mỏi và chán nản. Rồi cũng tự nói với chính mình rằng cuộc đời mà, ai chẳng vậy, thấy người khác làm thì mình cứ việc làm theo ?

Thay vì hỏi: Mình đã từng sống chưa, mình sống vì điều gì, sau khi mình chết đi mình sẽ trở thành linh hồn hay hoà vào những dạng khác của vũ trụ ?

Bao giờ chúng ta chấp nhận vô thường là một phần của sự sống?

Sự vô thường trong Phật giáo, cuộc sống chỉ là phù du. Mọi thứ ta từng hay biết và trân quý một ngày kia rồi sẽ trở về hư không, kể cả con người ta.

Trong khi thực tế này khiến phần đông các nền văn hóa phải e sợ, chỉ một số miễn cưỡng chấp nhận, thì người Nhật lại xem nó là một điều đáng ca ngợi. Yoshida Kenko, một nhà sư Nhật Bản sống vào thế kỉ 14 từng nói: “Điều quý báu nhất của cuộc sống nằm ở sự bất định của nó”.

Ông nói rằng như loài hoa anh đào vốn nổi tiếng là chóng nở chóng tàn. Chúng chỉ khoe sắc trong hai hoặc ba ngày rồi rụng. Hà cớ gì ta phải dày công vun trồng một điều mong manh đến thế. Thay vì chỉ trầm trồ trước những đóa hoa đang nở rộ, chúng ta nên để ý nhiều hơn đến những nhành cây sắp đơm hoa, hoặc một khu vườn rải rác những bông hoa rụng. Không phải hoa anh đào đẹp bất chấp sự chóng tàn, mà chính vòng đời ngắn ngủi ấy mới làm nên vẻ đẹp của nó. Vẻ đẹp nằm ở chỗ nó lụi tàn. Để biết trân quý những niềm vui nhỏ bé, phù du của cuộc đời, đôi lúc ta cần buông lỏng đôi tay. Bởi nếu nắm giữ những khoảnh khắc ấy quá chặt chỉ khiến chúng vụn vỡ.

Osho từng nói: “Con người diễn giải cái chết theo ba cách. Cách thứ nhất chết là hết nên họ rất sợ chết, họ cố gắng tận hưởng những thú vui nhục dục khi còn sống. Cách thứ hai hay gặp ở các nhà thơ, những người tiệm cận với thiền nhất đó là chết chỉ là một giấc ngủ sâu, thảnh thơi trở về nơi bắt đầu. Còn cách thứ ba đó là chết là một hành trình, một dòng chảy liên tục, tiếp nối.

Mọi sự vật đều tương quan lẫn nhau mà có và tương quan lẫn nhau mà diệt. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia cũng không. Đó là luật vô ngã của Phật giáo và cũng là luật tương quan tương sinh.

Chết rồi đi đâu ? Liệu có tồn tại thiên đường, địa ngục, luân hồi, là câu hỏi ám ảnh con người từ muôn đời, có lẽ vì vậy mà tôn giáo mới được ra đời.

Cho đến cuối cùng tâm linh hay tôn giáo chính là cách mà chúng ta sống với những người xung quanh. Là sự hài hoà, là tình yêu mà ta dành cho chính mình và cho những người xung quanh, cho cả những loài xung quanh, và cho thế giới này.

Phật nói: Vạn vật đều là vô thường. Hãy nhìn chung quanh với mắt của mình, có cái gì là thường còn đâu. Cái thường còn duy nhất là khoảnh khắc này đây. Vậy thì tìm thiên đường ở đâu nếu không phải nơi chính cái khoảnh khắc hiện tại này.

Hạnh phúc nằm ngay nơi mỗi khoảnh khắc: đó là bài học quý giá nhất mà Phật giáo đem đến cho người.

Thay vì hỏi, chết rồi mình sẽ đi về đâu? Sao không hỏi khoảnh khắc này mình đã thật sự sống hay chưa?

Vì sao tôi chết?

Tôi chết vì tôi đã từng sống.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • Một đêm đen
  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (325)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (40)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.