Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Trò chơi của tâm trí

Trò chơi của tâm trí

Posted on 21/02/202420/02/2024 by admin

Tâm trí thường phản ứng tức thời với tình huống hoàn cảnh bằng những suy nghĩ, thái độ, cảm xúc. Cùng một sự việc, nếu tâm tĩnh lặng và phản ứng bằng sự bình thản, thì nó sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng khi tâm mình bối rối xao động và cuống lên, thì mình lại càng mệt mỏi đau đầu vì sự rối loạn của tâm trí.

Tâm trí chúng ta hay lang thang nhảy nhót, cứ như con khỉ chuyền cành. Nó không ngừng quay về quá khứ, hướng tới tương lai, hoài niệm, tưởng tượng, dự định, suy đoán và bao nhiêu điều khác. Quá nhiều thứ làm cho chúng ta có nhiều áp lực, stress, mệt mỏi. Bình thường có biết bao thời khắc tâm trí mình đang suy nghĩ mà mình không ý thức được rằng mình đang suy nghĩ. Lúc bản thân đang phán xét, đánh giá, chỉ trích người khác, đó là những suy nghĩ tiêu cực đang nảy sinh trong đầu mà ta không nhận ra.

Tâm trí chúng ta như một khu vườn. Những phiền não, tham sân si cứ như cỏ dại luôn tìm kiếm cơ hội xâm nhập khu vườn. Nếu không để tâm, lơ đễnh vài phút, thì cỏ dại sẽ nhanh chóng mọc khắp nơi.

Mỗi lần ta nghe một âm thanh gì đó hay thấy một hình ảnh gì đó là tâm trí ta ngay lập tức nổi lên những suy nghĩ, phán xét, có sự phân biệt đúng sai, yêu ghét nhất định. Đó là lúc ta vô thức đặt cảm xúc chủ quan của mình vào. Người này sao ăn mặc kì thế, người kia sao lại hành xử như vậy, nếu là mình mình sẽ…., mình không thích trang phục người đó mặc chút nào, sao người này nói chuyện ồn ào quá,…v.v. Đó là những lúc ta đang kẹt lại bởi những suy nghĩ, là lúc ta bị kẹt lại trong trò chơi của tâm trí. Tâm trí vô cùng ma mãnh, nó sẽ luôn tìm cách để dẫn dắt chúng ta đi theo một cách vô thức mà ta sẽ khó nhận ra được.

Các kiểu tâm trí mà ta thường có nhiều nhất:

Tâm trí so sánh

Đa phần chúng ta được sinh ra, lớn lên, phát triển và ngồi đây thì chúng ta đã được nhồi nhét rất nhiều về sự so sánh.

Chúng ta được ba mẹ, xã hội, thầy cô, truyền thông, thậm chí là sách vở nói cho ta biết là cuộc sống này là một cuộc đua, và ta phải là người chạy nhanh hơn, ta phải hơn so với một ai đó.

Ngay từ khi còn là những đứa bé chúng ta đã bị người lớn áp đặt lên người những tư tưởng này, để rồi khi lớn lên khi không còn ai so sánh nữa, thì ta cũng sẽ vô thức tự so sánh mình với những người xung quanh. Bởi ta đã quá quen với việc này. Và rồi cuộc đời của ta sẽ là chuỗi của những việc so sánh, và ít khi có thể hài lòng được với những gì mình đang có.

Sẽ có ai đó thông mình hơn mình, sẽ có ai đó tài giỏi hơn mình, sẽ có ai đó xinh đẹp hơn mình, sẽ có ai đó bình an hơn mình, sẽ có ai đó tĩnh lặng hơn mình…v.v. Bởi vì sự so sánh này đã ăn sâu trong tiềm thức của ta rồi, nên nó khiến cho cuộc sống của ta khó mà vui vẻ được.

Sự khổ đau mà ta có được đa phần đều là do ta nhìn vào người khác và hạ thấp chính mình, hoặc có đôi khi là hạ thấp người khác để nâng chính mình lên, dường như cuộc sống của ta luôn phải liên tục tìm kiếm những người xung quanh, quan sát họ, cuộc sống của họ, đời tư của họ, để biết được vị trí của mình đang ở đâu. Nếu có ai đó thấp hơn mình thì mình vui, nếu có ai đó cao hơn mình thì mình buồn, mình tự ti, mình mặc cảm, không ngừng than trách đổ lỗi. Vui buồn lẫn lộn, làm cuộc sống của ta cũng lên xuống lẫn lộn theo.

Bản chất của việc so sánh khiến ta không thấy hài lòng với thực tại, không hài lòng với cuộc sống đang có, và rồi ta lại phải liên tục thay đổi cuộc sống của mình để bằng một ai đó, để hơn hoặc khác biệt so với một ai đó.

Để tâm trí so sánh và liên tục chạy theo những suy nghĩ đó không chỉ gây hại cho chúng ta mà còn làm cho chúng ta ngày càng cảm thấy bản thân trở nên thụt lùi hơn.

Nhiều người nghĩ rằng liên tục so sánh với chính mình là một chuyện tốt vì đó sẽ động lực để bản thân nổ lực hơn, tiến bộ hơn. Nhưng không hoàn toàn như vậy, đương nhiên sự so sánh với chính mình sẽ giúp ta có động lực để tiến lên và đó hoàn toàn là một sự so sánh tốt. Tuy vậy, tâm trí vô cùng ma mãnh, khi ta so sánh với chính mình, ít khi ta thấy được động lực thật sự, mà đa phần ta sẽ sử dụng sự so sánh đó để tự trách chính mình. Và sau nhiều lần không ngừng tự trách mình, ta dần hình thành niềm tin là bản thân không đủ giỏi, mình làm không được đâu, mình thật tệ. Những sự việc này luôn diễn ra liên tục và chúng ta sẽ không dễ nhận ra được, đó là một trong những hoạt động mà tâm trí tạo ra.

So sánh dù tốt hay không tốt đều là biểu hiện của sự lang thang tâm trí, điều ta cần làm là nhận diện ngay khi có những suy nghĩ khởi lên, thì sẽ không có chỗ cho sự so sánh, không có không gian cho sự so sánh.

Hiểu được mọi thứ vô thường, bản thân ta vẫn không ngừng phát triển, ngày hôm nay mình làm tốt nhưng không có nghĩa là ngày mai cũng vậy, cái ta cần làm là cố gắng làm hết sức mình mỗi ngày mà thôi.

Tâm trí phán xét

Phán xét, một cái nhìn phiến diện về một ai đó, ta sẽ rất khó để nhận ra và thay đổi góc nhìn này.

Nếu như nhận xét là một góc nhìn có thể thay đổi được thì phán xét giống như một quyết định cuối cùng. Khi ta phán xét một ai đó thì ta sẽ tin vào góc nhìn của chính mình và sẽ không muốn thay đổi nó nữa.

Phán xét giúp bộ não tiết kiệm năng lượng, bởi một khi đã có góc nhìn cố định rồi, tương tự như thói quen, thì sẽ rất khó thay đổi, vì não bộ muốn tiết kiệm năng lượng và giữ chặt góc nhìn đó. Phán xét tạo ra sự căng thẳng, niềm tin và những góc nhìn sai lệch cho cuộc sống. Tuy vậy nhưng tâm trí rất thích phán xét, bởi khi đó tâm trí tạo ra sự thoải mái cho chính nó, để tâm trí cảm thấy tốt hơn và có giá trị hơn so với những đối tượng mà nó đang phán xét.

Khi một người nào đó phán xét người khác, năng lượng của họ sẽ cực kì dữ dội, họ tin vào điều mà họ đang nói, và rồi họ sử dụng niềm tin đó ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, gắn góc nhìn cố định cho mọi thứ xung quanh. Và một khi họ đã dành sự phán xét đó thì khoảng cách giữa họ và các đối tượng đó cũng sẽ vô cùng lớn, thậm chí khi kể lại câu chuyện họ cũng sẽ kể bằng năng lượng giận dữ và hằn học.

Chúng ta hay có thói quen phán xét người khác, để rồi cũng vô thức phán xét luôn chính bản thân mình.

Luôn có 1 trò chơi mà tâm trí bày ra, luôn có 1 giọng nói vang lên trong đầu: mình làm không được đâu, mình không đủ giỏi đâu? Để rồi chính ta không ngừng tự phán xét bản thân, và phán xét luôn cả những người xung quanh mỗi khi họ tạo ra điều gì đó không thoải mái. Đôi khi là những tình huống thất bại trong phỏng vấn, thất bại trong chuyện tình cảm, chúng ta phán xét những đối tượng làm cho chúng ta thấy đau khổ, thất vọng, không thoải mái.

Phán xét là một trò lừa của tâm trí, khi tâm trí phán xét nó tạo ra niềm tin là ta vẫn có quyền kiểm soát và quyết định, vẫn còn giữ được những niềm tin và chuẩn mực của bản thân. Nhưng thật ra đó chỉ một lớp vỏ bọc mà tâm trí đang dẫn dắt ta theo những suy nghĩ mà nó mong muốn. Và rồi ta đồng hoá bản thân với sự phán xét đó, rất nhiều lần ta tự làm tổn thương chính mình chỉ vì sự phán xét.

Tâm trí kì vọng

Kì vọng tạo ra thất vọng. Khi thực tế khác với kì vọng, đó là lúc sự thất vọng xuất hiện.

Hầu hết những sự đau khổ cảm xúc khó khăn hầu hết đều đến từ kì vọng của ta. Ví dụ khi hẹn xem phim với một người bạn, ta đặt rất nhiều kì vọng vào lần xem phim này để rồi người bạn ấy lại đến trễ, từ đó ta trở nên thất vọng, bực tức, phán xét, họ lúc nào cũng vậy, họ lúc nào cũng đi trễ.

Kì vọng xảy ra để rồi thất vọng, kéo theo đó là mất niềm tin vào đối phương, vào cuộc sống, và chính sự mất niềm tin đó đã tạo ra không gian cho sự phán xét và chỉ trích len lỏi vào. Khi có sự kì vọng chẳng khác nào ta đang sống ở tương lai, bởi vì điều mong muốn chưa diễn ra, khi kì vọng thì những điều ta mong muốn chỉ mới xảy ra trong tâm trí mà thôi.

Không có kì vọng sẽ không có thất vọng. Kì vọng vào chính mình, kì vọng vào cuộc sống, kì vọng vào những người xung quanh, để rồi ta trói buộc mình vào những khổ đau, thất vọng khi mọi chuyện không diễn ra theo ý muốn.

Khi thực tập và rèn luyện buông bỏ sự kì vọng, thì cuộc sống của ta trở nên vui vẻ và thoải mái hơn, cuộc sống của những người xung quanh ta cũng trở nên dễ chịu hơn bởi ta không còn áp đặt sự kì vọng lên người họ nữa.

Tâm trí buồn chán

Công nghệ ngày càng phát triển, mạng xã hội ngày ngày thu hút và trở thành một nơi giải trí hấp dẫn hơn bao giờ hết. Đôi khi ta có một vài sự lo lắng, căng thẳng trong công việc, thì một bộ phim, một bài hát có thể giúp ta giải trí, hoặc có khi còn mang lại cho ta một thông điệp nào đó. Xung quanh ta có quá nhiều thú vui, quá nhiều điều để có thể giải trí.

Nhưng ta có bao giờ dừng lại và đặt câu hỏi rằng mình có cần quá nhiều thứ như vậy để được giải trí hay không?

Theo thống kế của VTV.vn 10/2023, trung bình người Việt Nam dành khoảng 2 giờ 32 phút mỗi ngày cho mạng xã hội, youtube khoảng 2 giờ. Và tôi nghĩ rằng đến thời điểm này con số sẽ còn tăng lên rất nhiều. Khi sử dụng smartphone hầu hết chúng ta cần một cái gì đó để giải trí, và điều đáng nói là chuyện giải trí này diễn ra liên tục.

Ta có nhìn ra được điểm bất thường nào không, giả sử ta đang cảm thấy rất vui vẻ, yêu đời thì ta có cần đến điện thoại để giải trí hay không? Vậy thì dường như ta muốn giải trí vì những điều đang có trong cuộc sống có phần nhàm chán, không có nhiều màu sắc lắm nên ta cần sự giải trí. Ta cần giải trí mọi lúc mọi nơi, thậm chí hiện nay khi bước lên một chiếc xe khách di chuyển cũng đã được lắp đặt wifi rồi, để hành khách được giải trí, để hành khách không bị gián đoạn, không bị mất kết nối với thế giới online, trong khi lại mất đi sự kết nối với chính mình.

Chính vì thói quen đó, đặc tính không muốn đối diện với sự buồn chán, bởi nếu không giải trí là lúc buộc ta phải quay vào bên trong và đối diện với chính mình, và đó là cảm giác sợ hãi, vì trước giờ ta đã quen với việc tìm một cái gì đó để làm rồi.

Làm sao để ngừng tham gia vào trò chơi tâm trí này? Làm sao để nhận biết là bản thân mình đã có sự thay đổi?

….

Đã đến lúc cần nhận ra, đây là trò chơi của tâm trí, chúng ta đã chơi trò chơi này lâu quá rồi, đến nỗi chính mình cũng chẳng còn nhận ra. Thậm chí ngay cả khi phải đối diện với sự phán xét của người khác dành cho mình cũng vậy, mình cần hiểu rằng họ cũng đang bị tâm trí dẫn dắt, họ cũng chịu sự kiểm soát của trò chơi tâm trí mà thôi, và mình có quyền không tham gia vào trò chơi đó.

Khi nhận ra tâm trí đang ở chế độ phán xét trong cuộc sống, lúc đó chỉ cần dừng lại, quan sát, ghi nhận và quay lại với chính mình, quay lại với những điều mình đang làm, với cuộc đời mình đang sống.

Mình đang phán xét nè. Mình đang bị tâm trí điều khiển nè. Chắc gì sự thật đơn giản như mình nghĩ. Chắc gì mọi người đã giống như thế. Dừng lại. Dừng lại nào. Khi đó ta sẽ có thời gian để phân tích, mổ xẻ thật kĩ sự phán xét mà chúng ta đang có, sự phán xét mà tâm trí đang tạo ra. Tâm trí con người sẽ luôn lang thang, việc mình cần làm là quan sát nó, chứ không phải phân tích hay đánh giá, cũng như không cần phải chạy theo nó.

Mỗi ngày trôi qua chúng ta có cả ngàn suy nghĩ khác nhau, đều là những suy nghĩ lo lắng về quá khứ và tương lai, hầu hết những suy nghĩ đều không hề dễ chịu, và khi những suy nghĩ này xuất hiện đều có những hành động đi kèm nhằm mau chóng loại bỏ những suy nghĩ đó. Bằng cách nói với bản thân những điều tích cực hoặc với một cách khác là chúng ta đánh lạc hướng những suy nghĩ của mình bằng cách giải trí thông qua phim ảnh, thông qua mua sắm, ăn uống hoặc tìm cách kiểm soát và phán xét suy nghĩ rằng bản thân không được có suy nghĩ như thế và đó là lúc ta rơi vào cái bẫy của tâm trí. Dù rằng có hằng ngàn suy nghĩ khác cũng đang xuất hiện trong đầu, nhưng chúng ta chỉ lo tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực và tuân theo nó một cách tuyệt đối.

Bước đầu tiên cần hành xử lành mạnh với suy nghĩ là thay đổi thái độ của chúng ta với những suy nghĩ đó. Bởi suy nghĩ tiêu cực không phải là vấn đề, vấn đề là chúng ta lại tuân thủ theo những suy nghĩ tiêu cực này và rồi chúng dần kiểm soát mà ta không hay biết.

Tâm trí luôn tìm cách bảo vệ ta nhưng không phải sự bảo vệ nào cũng là hữu ích, vậy nên cần có thái độ đúng đắn đối với suy nghĩ là điều vô cùng quan trọng.

Hành động cần rèn luyện tiếp theo là gọi tên và nhận diện suy nghĩ giúp chúng ta lấy lại sự kiểm soát chứ không để những suy nghĩ chi phối. Thiền được ví như liều thuốc dành cho những tâm trí bất an, những tâm trí rối loạn và so sánh.

Từ ngày tìm đến và thực tập với thiền, bản thân tự cảm nhận cũng có nhiều sự thay đổi tích cực. Giờ đây, bất cứ một thời điểm nào đó tôi thấy bản thân có ý muốn so sánh mình với những người xung quanh hoặc là đang tự so sánh với chính mình, đó là lúc tôi dừng lại, hít thở và buông bỏ sự so sánh.

Học cách tự quán sát chính mình, kể cả những suy nghĩ trong đầu. Suy nghĩ đó có cần thiết hay không, mình có nên suy nghĩ tiếp không, hay là để nó tan đi. Những khi ngồi lại, tự nghiệm lại, mỗi lần nhìn vào người khác, phê phán chỉ trích họ, là mình lại mất đi sự chánh niệm của mình, mình lại vô tình gieo một hạt giống xấu, vô tình lại trồng thêm một cây cỏ. Ngừng phê phán, đánh giá người khác, thay vào đó là học cách chú tâm vào chính mình. Mỗi lần nghe âm thanh hay thấy gì đều chỉ ghi nhận nó lại, để không bị vướng mắc vào đó mà nổi tâm tham hay sân. Chỉ quan sát và ghi nhận những suy nghĩ và cảm nhận bên trong chính mình.

Việc dừng lại, quan sát tâm trí với hơi thở chánh niệm, nhận diện tâm trí luôn có mặt cùng hơi thở, tập trung vào một điều duy nhất, khoảnh khắc duy nhất, thời điểm duy nhất, đó là hiện tại. Dần dần cảm nhận được sự nhẹ nhõm của việc chỉ làm một điều duy nhất, một thời điểm duy nhất, mỗi lần chỉ làm một việc, quan sát một thứ duy nhất, với sự tỉnh táo, chú tâm và tĩnh lặng.

Chỉ mỗi việc hít thở mà lại cảm nhận được tâm trí bình yên và thoải mái đến lạ kỳ, cảm giác nhẹ nhàng an nhiên khi tâm trí được an trú trong hiện tại, không trông đợi gì, không suy nghĩ gì. Một niềm hạnh phúc vững chắc và bền chặt, xuất phát từ sâu bên trong mà không phụ thuộc vào bất kì điều kiện bên ngoài nào cả.

Khi nhìn đủ sâu và mọi thứ lắng lại, dần thấy mọi sự rõ ràng sáng tỏ hơn. Khi tâm trí sáng tỏ cũng dễ tìm thấy lối ra hơn.

Tinh thần tôi dần dà học được cách bình an, tĩnh tại lâu hơn. Tôi thấy bớt nóng nảy, bớt hối hả. Suy nghĩ và cảm xúc cần được ta quan sát chứ không phải để phản ứng. Tôi học cách dừng lại trước khi diễn giải sự kiện và phản ứng bằng suy diễn của mình.

Dần dần những suy nghĩ lan man cũng ít đi, có lúc còn cảm nhận được trước mỗi khi có một suy nghĩ nào đó sắp xuất hiện. Thấy tâm trí ngày càng dịu xuống, nhường chỗ cho sự tĩnh lặng, sáng suốt và tỏ tường. Chợt hiểu ra vấn đề của chính mình, đã ngộ ra mình sai ở đâu, tại sao trước đó bản thân luôn có nhiều suy nghĩ tiêu cực và mệt mỏi đến vậy.

Mạng xã hội bây giờ cho người ta cơ hội để nhìn tận vào ngóc ngách cửa nhà người khác, khiến ta thấy và nghe nhiều hơn những gì ta cần, tạo cơ hội cho những hạt giống tham muốn đố kỵ hay chỉ trích phán xét nảy sinh.

Khi có thể sống mà không cần phải nhìn những người xung quanh để ép mình phải thay đổi và chạy theo thì đã là 1 sự tiến bộ vượt bậc.

Mình có thể mặc quần áo vì đó là sở thích của mình, miễn sao không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, không ảnh hưởng đến những người xung quanh, chứ không cần phải đẹp hơn hay là xấu hơn 1 ai đó, không phải bị một tiêu chuẩn chung nào của đám đông ràng buộc mình.

Và rồi con đường mình đang đi do chính mình lựa chọn và chịu trách nhiệm hoàn toàn, mình có thể đi nhanh, mình có thể đi chậm hoàn toàn do mình quyết định, mỗi bước đi của mình đều do mình lựa chọn và mình hạnh phúc vì điều đó, chứ không cần phải chạy đua, hay phải chạy thật nhanh để bắt kịp một ai khác, cũng không cần phải tự mãn khi thấy bản thân hơn người khác. Mỗi người có một con đường riêng và sự so sánh không nên có trên con đường này.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.