Có một câu thoại trong tác phẩm: “Cánh buồm đỏ thắm” của nhà văn Aleksandr Grin. Tôi luôn ấn tượng một đoạn văn của 2 nhân vật người cha là Longren và cô con gái nhỏ là Assol. Đó là đoạn cô con gái nhỏ hỏi cha mình rằng tại sao những người xung quanh lại xa lánh và trêu chọc cô.
Người cha trả lời rằng: “Bởi vì họ không biết yêu, yêu thì cũng phải học còn họ thì không biết điều đó”.
Lúc ấy, cũng từng đặt câu hỏi rằng tại sao yêu cũng cần phải học, yêu thì cứ yêu thôi. Vẫn nghĩ rằng trái tim và cảm xúc mới là 2 thứ quan trọng nhất để quyết định nên tình yêu.
Giờ đây khi đã dần trưởng thành hơn, có nhiều trải nghiệm hơn, đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều mối quan hệ khác nhau, tôi mới nhận rằng, đúng là yêu cũng phải học và chúng ta chỉ thật sự trưởng thành khi chúng ta biết yêu đúng cách.
Tình yêu trưởng thành là như thế nào?
Làm sao để cả 2 đều được trưởng thành từ tình yêu?
Làm sao để yêu đối phương mà không mong muốn, không có nhu cầu chiếm hữu họ làm của riêng cho mình?
Làm sao để có thể chấp nhận những điểm yếu, khiếm khuyết của nhau?
Làm sao để mình được là chính mình, và cho phép họ được là chính họ trong tình yêu?
Ai mà không yêu cơ chứ, nhưng yêu với sự trưởng thành thì không hề dễ chút nào và không nhiều người có thể làm được.
Trong cuốn “Trưởng thành khi yêu” của tác giả David Richo, nêu ra rằng: Nền tảng của một tình yêu trưởng thành chính là sự cam kết trao cho nhau những gì tác giả gọi là Năm Chữ A:
Attention – Quan Tâm.
Acceptance – Chấp Nhận.
Appreciation – Trân Trọng.
Affection – Yêu Thương.
Allowing – Cho Phép.
Sự quan tâm từ người khác đem đến cho ta lòng tự trọng. Sự chấp nhận làm ta cảm thấy mình là một người tốt đẹp. Sự trân trọng tạo ra cảm giác mình có giá trị. Sự âu yếm làm cho ta cảm thấy mình đáng được yêu thương. Và sự cho phép mang lại cho ta sự khích lệ để theo đuổi những nhu cầu, giá trị và mong muốn sâu thẳm của mình.
5 chữ A để có được một tình yêu trưởng thành.
ATTENTION – QUAN TÂM
Quan tâm, để ý và lắng nghe lời nói, cảm xúc, trải nghiệm của ai đó.
Có nghĩa là những nhu cầu, những sự nhạy cảm trong cảm xúc của chúng ta được người khác biết, được người khác nghe và được người khác hiểu. Đây không phải là 1 điều dễ dàng ở trong mối quan hệ nói chung và tình yêu nói riêng.
Nhìn lại cuộc sống trước đây của ta với những mối quan hệ, những khi chúng ta cảm thấy sợ hãi, cô đơn, thì đối phương có chú ý nhận ra và quan tâm đến ta hay không, hay họ chỉ bận tâm đến những vấn đề khác mà không phải là nhu cầu của chúng ta.
Những lần ai đó từ chối lắng nghe ta, không sẵn lòng ở lại kiên nhẫn và thấu hiểu ta. Để rồi tâm hồn chúng ta sẽ trở nên tổn thương và vụn vỡ như thế nào khi mà chúng ta đang có nhiều mối quan hệ, nhưng ta lại trở nên vô hình trong những mối quan hệ đó. Sự hiện diện của ta không được họ chú tâm đến.
Trong khoảnh khắc nhận được sự quan tâm đích thực, ta sẽ cảm thấy mình được thấu hiểu sâu sắc trong từng cảm xúc, từng lời nói, từng hành động, trong chính bản thể con người mình, ta được chú ý, được thừa nhận và được lắng nghe.
Sự quan tâm phù hợp tạo ra một vùng tin tưởng và an toàn ngày càng rộng mở.
Đó chính xác là sự bao dung không nhuốm màu sợ hãi, sự bao dung của chánh niệm và từ bi. Khao khát được quan tâm không phải là mong muốn có “khán giả”, mà là mong muốn có “thính giả”.
Chỉ cần những khoảnh khắc bé nhỏ, chỉ cần cảm nhận được sự hiện diện của người kia, hoàn toàn ở đây, hoàn toàn gắn bó, kết nối và chấp nhận, thì ta đã có được mối liên hệ mạnh mẽ bền lâu nhất rồi.
Ta có thể dành hàng giờ cho ai đó, nhưng nếu không thật sự hiện diện và chú tâm, thì bao nhiêu giờ đi nữa cũng là thừa.
Sự kết nối của người khác là yếu tố đệm đỡ quan trọng cho bất kỳ tác nhân gây căng thẳng, cũng như để chữa lành vết thương lòng trong quá khứ. Ở bên những người thật sự hiện diện, những người giúp đỡ và vỗ về ta, khi đó ta có được cảm giác thuộc về.
ACCEPTANCE – CHẤP NHẬN
Chấp nhận là vô điều kiện, vì nó có nghĩa là coi trọng lựa chọn và lối sống của một ai đó ngay cả khi chúng ta không đồng ý với họ.
Chấp nhận là không áp đặt lên người khác một hình mẫu mà ta mong muốn họ phải trở thành.
Ngược lại với sự chấp nhận là những cố gắng nổ lực, kỳ vọng, mong muốn người khác phải thay đổi dựa trên những mong muốn, khao khát của chúng ta. Chúng ta biến đối phương thành hình mẫu mà ta mong muốn, chứ không phải là con người thật sự của họ.
Chấp nhận là một lối chánh niệm thuần khiết. Chúng ta nhìn thấy tất cả những gì đang có và cảm nhận tất cả những gì đang là.
Trong một mối quan hệ khi có được sự chấp nhận, ta sẽ cảm nhận được sự trọn vẹn trong mối quan hệ đó.
Khi được chấp nhận, ta thấy mình có giá trị, không bị kẹt lại trong cảm giác bị so sánh. Ta cảm nhận được sự tin cậy, được thấu hiểu và trao quyền quyết định. Ta cảm nhận được sự thông cảm, bao dung dành cho những thiếu sót của mình dù cho chúng có tệ đến đâu. Ta cảm thấy được hiểu, được tôn trọng những khuyết điểm, những điểm yếu của bản thân để từ đó ta không còn sợ hãi vì những phán xét, chỉ trích của người khác nữa.
Trong mối quan hệ, ta hoàn toàn là chính chính, hạnh phúc vì được là chính mình, vì được là con người thật của chúng ta, chứ không phải vì những lớp vỏ bọc mà chúng ta tạo nên và người kia cũng được là chính họ. Và thế là đủ.
Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, lâu dần, chúng ta sẽ thấy những hạn chế nơi người thương của mình, và họ cũng sẽ nhìn thấy những hạn chế nơi chúng ta. Nhưng yêu thương là ôm lấy những khiếm khuyết của nhau trong chánh niệm, yêu thương đối phương như chính con người họ, yêu thương bằng cả trái tim không phán xét hay chỉ trích.
APPRECIATION – TRÂN TRỌNG
Trong mối quan hệ cả 2 có sự tôn trọng và thừa nhận những tìm năng của nhau, đặc điểm của nhau và quan trọng là dành cho nhau sự biết ơn. Biết ơn vì đối phương đã nổ lực, đã hiện diện, đã cho mình cơ hội để trải nghiệm tình yêu.
Biết ơn đối với bất kỳ lòng tốt hay món quà nào chúng ta được trao tặng. Lòng biết ơn là sự ghi nhận của chúng ta và cách ta mở rộng trái tim mình. Vì tình cảm có cả cho và nhận nên trân trọng sẽ giúp hai người gắn bó hơn.
Sự trân trọng sẽ được thể hiện qua việc thường xuyên trao tặng cho họ lời khen, lời động viên, một cái nháy mắt khi thấy đối phương làm tốt điều gì đó, một cái vỗ vai khi thấy họ xuất sắc, hoặc một ánh nhìn yêu thương và đầy tinh tế nhận ra họ đang là chính họ và dành cho họ sự khích lệ và cổ vũ.
Trân trọng mang lại chiều sâu cho chấp nhận: “Tôi ngưỡng mộ em; tôi rất vui khi được ở bên em; tôi trân quý em, tôn trọng em; tôi thừa nhận em và tất cả những tiềm năng nơi em. Với tôi, em là duy nhất” – Trích Trưởng thành khi yêu.
Để tự tin và làm giàu giá trị của bản thân, chúng ta chỉ cần được khích lệ như vậy mà thôi.
AFFECTION – ÂU YẾM
Âu yếm chính là gần gũi cả về thể chất lẫn cảm xúc. Chúng ta thể hiện tình yêu bằng cảm xúc, tinh thần và thể chất. Ở khía cạnh thể chất, âu yếm bao gồm tất cả các xúc chạm, từ cái ôm cho đến sinh hoạt tình dục.
Âu yếm không chỉ là sự gần gũi về mặt cơ là thể mà nó còn là sự thấu hiểu về mặt cảm xúc. Sự ân cần, chu đáo và cho người kia thấy rằng họ quan trọng đối với chúng ta.
Âu yếm xuất phát từ lòng cảm mến thật sự dành cho một ai đó. Một cái chạm hay cái ôm trìu mến từ người thật sự yêu thương có thể giúp ta được chữa lành. Tất cả nỗi sợ hãi của chúng ta, dù hằn sâu đến đâu, đều có thể được xóa mờ bởi một bàn tay âu yếm vuốt ve.
Tôi học được tình yêu là gì khi lần đầu tiên tôi thấy mình được yêu. Điều đó đã được ghi nhận trong mỗi tế bào của cơ thể tôi. Nếu lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được yêu là khi có ai đó ôm chặt lúc tôi đang đau đớn hay khi được ai đó tin tưởng, quan tâm, hoặc được tặng một món quà, cơ thể tôi sẽ ghi nhớ điều đó suốt đời.
Tình yêu ở tuổi trưởng thành là sự trải nghiệm lại tình yêu mà từng tế bào của chúng ta ghi nhớ. Cách chúng ta được yêu thương trong thời thơ ấu là cách mà chúng ta muốn được yêu cả đời.
Những gì chúng ta phải học là làm thế nào để yêu cầu chúng từ người khác. Không mấy ai đọc được suy nghĩ của người khác. Do đó, chúng ta phải trực tiếp trao đối với đối phương về cách chúng ta cảm nhận tình yêu.
Và nếu phải dạy người bạn đời cách để yêu mình, chúng ta cần phải học cách để yêu họ trước đã.
Yêu là điều dễ dàng nhất và cũng là điều khó khăn nhất mà chúng ta đã, đang và sẽ làm.
Trong các mối quan hệ trưởng thành, thi thoảng sẽ có sự thân mật không tình dục, nhưng tình dục thì luôn có sự thân mật.
ALLOWING – CHO PHÉP
Hỗ trợ và cho phép người khác sống với tiềm năng của họ, thoải mái thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau của họ mà không bắt họ phải dồn nén.
Cho phép cũng có nghĩa là để ai đó ra đi, cho phép là đúng sang một bên khi ai đó cần không giản riêng hay thậm chí là rời bỏ chúng ta.
.
Tuổi trẻ vẫn luôn cho rằng yêu chỉ đơn giản là xuất phát và được cảm nhận bằng trái tim, nhưng khi lớn hơn một chút, trải nghiệm nhiều, va vấp cũng nhiều mới thấy rằng yêu cũng phải học.
Và để yêu thương một cách đúng nghĩa đòi hỏi bản thân phải trưởng thành không chỉ về suy nghĩ mà còn cả về tâm hồn.
5 chữ A. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện được thì không đơn giản chút nào.
Thường khi chúng ta bước vào những mối quan hệ mới, chúng ta cũng mang theo những tổn thương cũ, và trong quá trình đó chúng ta sẽ dễ dàng phán xét và chỉ trích người khác, chúng ta không cho phép họ được là chính họ, để rồi tình yêu cũng sẽ dần tan vỡ.
Nhưng khi ta rèn luyện và thực tập 5 chữ A, ta sẽ dần thoải mái hơn với chính mình. Ta chấp nhận được chính mình, trân trọng chính mình, chấp nhận cả những khiếm khuyết, hạn chế trên cơ thể, hay kể cả những nỗi đau tổn thương trong quá khứ. Đó là lúc ta có thể chấp nhận và chữa lành cho chính mình.
Từ đó ta thấy được giá trị của việc yêu thương bản thân là quan trọng như thế nào, trước khi ta bắt đầu bước vào một mối quan hệ với người khác.
Khi có thể thoải mái với chính mình, yêu được chính mình, ta sẽ dễ dàng nhận ra được đâu là người mà ta nên dành thời gian, ai là người ta sẽ có thể gắn bó và đi xa hơn trong mối quan hệ.
Bởi ta là người hiểu rõ những nhu cầu của mình là gì, biết rõ việc bản thân đang cần điều gì trong mối quan hệ.
.
.
.