Đối với nhiều người, một trong những nỗi sợ lớn nhất đó là sợ thất bại. Nếu lỡ thất bại, hậu quả tôi nhận lấy sẽ là gì?
Thế nhưng nếu đổi lại, nếu lỡ thất bại, kết quả tôi đạt được sẽ là gì? Thì ý nghĩa của thất bại không còn đáng sợ và gây nhiều ám ảnh đến ta nữa.
Thất bại không phải là dấu chấm hết cho một cuộc đời, và thất bại cũng là điều khó tránh khỏi.
Ai trong chúng ta cũng ít nhiều lần đã từng trải qua những thất bại: thất bại trong một buổi thuyết trình, thất bại trong buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên, thất bại khi lần đầu tiên tỏ tình…v.v.
Có những sự thất bại mang lại nỗi đau vô cùng lớn, ta gần như gục ngã và nghĩ rằng chắc chẳng thể nào có thể vượt qua được. Ấy vậy mà giờ phút này đây, tôi và bạn có mặt ở đây, để nhìn lại chặng hành trình mà bản thân đã mạnh mẽ vượt qua như thế nào.
Nỗi sợ thất bại giờ đây còn đeo bám và len lỏi trong những đứa trẻ lên 7 lên 8, bởi cái cách nhìn nhận về thành công và thất bại của người lớn quá tiêu cực, đến nổi vô tình tạo nên những áp lực cho những đứa trẻ.
Đôi khi một đứa trẻ chơi thể thao không cần lúc nào phải là người về nhất và thắng cuộc.
Tuy nhiên, những đứa trẻ được dạy rằng, luyện tập, không ngừng luyện tập và phải giành chiến thắng bằng mọi giá, để rồi những buổi tập luyện đá bóng chỉ còn là những cú đá phải trúng mục tiêu, phải vào khung thành thay vì những buổi chạy nhảy lung tung trên đồng. Hay đôi khi chúng cần phải học được cách thua, học cách cười chính mình khi đá trật mục tiêu, học những bài học về tinh thần đồng đội và cùng lúc nằm dài trong đống bùn cùng những đứa trẻ khác.
Điều chắc chắn là: Không ai thoát được thất bại. Nhưng khi không dành được chiến thắng thì ta suy sụp.
Nhà soạn nhạc vĩ đại Irving Berlin đã viết: “Điều khắc nghiệt nhất của thành công chính là bạn phải tiếp tục thành công”.
Ta thấy mình ở trong tình cảnh khi mà chiến thắng nhưng cảm giác nhận lại được vẫn tồi tệ như khi thất bại.
Chúng ta những cá thể đang mang trên mình ít nhiều những vết sẹo từ những lần thất bại trong cuộc đời. Để rồi chúng ta mải miết lao ra bên ngoài, không ngừng tìm mọi cách để show up bản thân, cố gắng phô trương, hòng lấy được sự công nhận từ người khác. Bởi ta đã được dạy rằng:
“Để được người khác chấp nhận thì bạn phải luôn là người thắng cuộc”.
Đôi khi ta cần thất bại để học được rằng, mình không cần phải chiến thắng hết mọi cuộc đua mới có thể chứng tỏ được giá trị của bản thân. Chiến thắng là một phần của cuộc sống, đúng, nhưng bao nhiêu người ngoài kia họ vẫn sống hạnh phúc và vui vẻ mà không cần đến nó.
Bạn biết không, giá trị là cái bất biến, bất cứ điều gì xảy đến với cuộc đời bạn đều sẽ không làm bạn mất đi giá trị.
Giá trị không phụ thuộc vào những thành tích hào nhoáng bên ngoài như: của cải, vật chất, bằng cấp, trình độ. Giá trị cũng sẽ không mất đi dẫu cho bạn có bao nhiêu lần thất bại hay bị đời vùi dập đi chăng nữa. Giá trị sẽ vẫn vẹn nguyên khi bạn nhận ra rằng bạn xứng đáng có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ta không ở đây để lao vào những cuộc đua marathon đường dài. Ta sinh ra trên cuộc đời này không phải để chiến thắng một ai cả. Ta sinh ra để trưởng thành, phát triển, trở thành con người tốt đẹp nhất của mình – và để tận hưởng cuộc sống.
(Trích “Một cuốn sách về trò chuyện bằng an“)
. . .
.