Mình có thật sự giỏi như mình nghĩ?
Có phải tất cả những thành tựu mình đạt được, đều là do may mắn hay không?
Đó là những câu hỏi luôn hiện ra trong đầu tôi mỗi khi tôi muốn bắt đầu một điều gì mới. Đặc biệt là thời điểm tôi quyết định nghỉ việc và thành lập nên blog này.
Tôi luôn có những suy nghĩ là tại sao các bạn phải xem blog của mình. Trong khi ở ngoài kia có hàng ngàn người khác đang làm rất giỏi ở mảng này. Họ có kiến thức nhiều hơn tôi, viết hay hơn tôi, nội dung cuốn hút hơn tôi. Họ nói về những chủ đề phổ biến hơn tôi nào là tài chính, cách tạo thu nhập thụ động, cách kiếm tiền online .v.v. Họ làm về youtube, tiktok các thứ, thì có nhiều người xem hơn, ai lại đi xem blog như này…
Những suy nghĩ này thì trong khoa học được gọi là Imposter syndrome. Đây là một hiện tượng tâm lý khiến ta nghĩ rằng ta không xứng đáng để đạt được những gì đang có. Và bạn sợ rằng một ngày nào đó mọi người sẽ phát hiện ra sự thật là ta rất tệ và những thành tựu mà ta đạt được chỉ là do may mắn mà thôi.
Hầu hết chúng ta đều dễ dàng mắc phải hội chứng này không kể là già hay trẻ, ở bất cứ độ tuổi hay giới tính nào.
Vậy làm sao để biết được ta có đang mắc phải hội chứng này hay chưa?
Dưới đây là 6 biểu hiện tiêu biểu của người mắc phải hội chứng “kẻ giả mạo”.
- Luôn cảm thấy lo lắng khi nhận phải phản hồi không được tốt từ bạn bè, từ người thân gia đình, đồng nghiệp hay cấp trên.
- Luôn cảm thấy những thành tựu trong cuộc sống đạt được đều là do may mắn mà ra.
- Cảm thấy khó chịu bực mình, thậm chí ức chế khi gặp phải những lỗi rất nhỏ trong công việc.
- Dễ dàng bỏ qua những cơ hội tốt trong cuộc sống bởi vì luôn cảm thấy chưa đủ sẵn sàng, thời điểm chưa thích hợp để làm những việc đó.
- Tập trung quá sức cho một công việc, đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho bản thân.
- Dễ bị kẹt lại trong những thất bại trên hành trình phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp. Luôn cho rằng bản thân không đủ tốt, người khác sẽ đánh giá thấp mình.
Nếu bạn gặp phải một trong những trường hợp như trên thì bạn có khả năng đang mắc phải hội chứng kẻ giả mạo.
Những sinh viên luôn nghĩ rằng mình sẽ không giỏi như những sinh viên khác.
Những giáo viên sẽ luôn nghĩ rằng mình sẽ không thể dạy tốt bằng những giáo viên khác. Rồi lỡ đâu có một ngày sinh viên sẽ phát hiện ra là mình không giỏi nhiều về những kiến thức chuyên môn thì sao?
Những người sếp luôn nghĩ rằng mình sẽ không giỏi như những người sếp khác. Rồi nhân viên sẽ sớm phát hiện ra rằng mình không có đủ năng lực để quản trị, lãnh đạo, để ngồi ở vị trí này và rồi họ sẽ thôi không tôn trọng mình nữa.
. . .
Nếu chúng ta tiếp tục để cho những vấn đề này ảnh hương đến cuộc sống thì ta sẽ không bao giờ đạt được những tiềm năng tối đa của bản thân, sẽ không bao giờ dám dấn thân vào những công việc phức tạp, sẽ dễ dàng bỏ qua những cơ hội mới, thử thách mới.
Sẽ luôn hoài nghi về chính bản thân mình rằng, rằng mình rất kém cỏi, rất tệ. Không dám đưa ra những quan điểm ý kiến trái chiều đối với người khác, không dám đi ngược lại số đông. Bởi vì lo sợ khi nói ra như thế thì người khác sẽ đánh giá ta là khác người. Không còn tự do và thoải mái sáng tạo bởi lo sợ rủi ro, sợ những điều khác lạ.
Hay những ai đã làm một công việc quen thuộc lâu dài, không dám nghỉ việc ở những cơ quan cũ vì luôn cho rằng sẽ chẳng một ai dám nhận vào làm bởi vì bản thân không có năng lực. Để rồi họ nhìn sự nghiệp như một cái hộp đen không biết bên trong sẽ có gì, như một chặng marathon đường dài mà không có điểm kết. Và rồi không còn dám phát triển sự nghiệp nữa.
Thậm chí hội chứng kẻ giả mạo này còn ảnh hưởng đến cả vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Thường xuyên rơi vào tiêu cực, stress, thậm chí là trầm cảm, vì liên tục phải suy nghĩ rất nhiều và bản thân luôn ở trong tình trạng lo sợ kéo dài.
Vậy làm sao để có thể loại bỏ được hội chứng kẻ giả mạo này đây?
Thực tế là sẽ không bao giờ có thể loại bỏ được hội chứng này, tuy nhiên sẽ có những cách để ta có thể đối đầu và giảm thiểu nó. Cái quan trọng nhất là chúng ta cần phải đối mặt và phát hiện ra được giá trị cốt lõi của bản thân ta là gì.
Tôi có cần phải hoàn hảo 100% thì người khác mới yêu quý tôi hay không?
Tôi có cần phải giỏi toàn diện thì mới có thể làm được công việc như người khác không?
Dưới đây là cách để tôi có thể đối mặt với tình trạng trên:
Đối với việc viết blog:
Khi tôi mới bắt đầu hình thành ý tưởng thành lập blog, một trong những điều làm tôi lo lắng là khi tôi nhìn xung quanh mình, tham khảo rất nhiều những blogger khác cũng đang làm cũng chủ đề với tôi. Và họ đang làm cực kì tốt. Nhưng rồi tôi tự nhủ rằng bản thân tôi cũng sẽ có những giá trị riêng, vẫn sẽ mang lại được giá trị cho người xem ở một góc độ nào đó.
Điều thứ 2 làm tôi lo lắng là thời điểm đầu, blog của tôi khá đơn giản và chưa được chỉnh chu về mặt nội dung lẫn hình ảnh. Trong khi nhìn những trang blog khác chuyên nghiệp và bắt mắt hơn blog của tôi rất nhiều. Tôi luôn cho rằng người khác viết hay hơn tôi, chắc ngày xưa họ học giỏi lắm, chắc là dân chuyên văn nên mới có được năng khiếu viết hay như thế.
Nhưng rồi tôi nhận ra, nếu đã là năng khiếu bẩm sinh là điều mà tôi không thể quyết định được, tôi cũng không thể trở về quá khứ để cố gắng trở thành học sinh giỏi văn. Tôi cũng không có được một bạckgroud đẹp là học sinh trường chuyên hay gì cả.
Hay khi tôi bắt đầu show những thông tin bài viết trên trang fb cá nhân, thì liệu những người quen bạn bè sẽ nghĩ gì về tôi. Họ có nói tôi sến súa, mơ mộng quá không?
Nhưng thật ra chỉ có bản thân tôi mới đang bận tâm quá nhiều về những khiếm khuyết và nỗi sợ đó. Chứ còn người xem, thì họ quan tâm nhiều hơn về giá trị mà tôi sẽ mang lại cho họ là gì.
Vậy nên thay vì tập trung vào những điều tôi không thể kiểm soát ấy, thì tôi bắt đầu nhìn nhận bản thân xem liệu tôi sẽ đem lại được cho người khác những giá trị gì?
Ví dụ so với người khác về mặt hình ảnh, cách viết họ đang làm tốt rất nhiều lần so với tôi. Nhưng chỉ cần qua thời gian thì tôi vẫn có thể phát triển lên được. Tôi bắt đầu đăng kí khoá học về thiết kế chỉnh sửa hình ảnh. Học những khoá học về kĩ năng viết, từ những anh chị đi trước.
Đó hoàn toàn là những điều mà tôi có kiểm soát và thay đổi được.
Trong công việc
Thời điểm tôi mới vừa ra trường và vào làm ở ngân hàng, ngày đầu tiên đi làm tôi được nghe những anh/chị xung quanh nói về sản phẩm tín dụng, tài sản đảm bảo, dòng tiền..v.v đó là những từ lần đầu tiên tôi được nghe đến. Cũng là lần đầu tôi phải lên mạng tra thông tin về những khái niệm đó. Bởi lĩnh vực ngân hàng sẽ có rất nhiều những khái niệm chuyên ngành. Lúc đó tôi tự hỏi chính mình liệu tôi có thực sự phù hợp để làm công việc này hay không?
Nhưng rồi khi tôi bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề, đâu là điểm mạnh và đâu là những khó khăn mà tôi đang phải đối mặt.
Điểm mạnh: bản thân tôi vẫn đang có được những kỹ năng giá trị nào đó, thì nhà tuyển dụng mới nhận tôi vào làm. Vậy thì tôi sẽ vận dụng và phát huy những kỹ năng ấy vào trong công việc của mình.
Vấn đề của tôi: Tôi đang gặp vấn đề về kiến thức chuyên ngành, vậy thì tôi sẽ phải tìm cách để tìm hiểu và học về những kiến thức ấy. Đây là vấn đề mà bản thân tôi có thể kiểm soát và quyết định được.
Và kết quả cuối cùng là tôi đã hoàn toàn vượt qua được những tháng thử việc và bắt đầu dần quen với công việc, thành quả của tôi là nhận được sự khen ngợi từ các anh chị đi trước.
Tôi rất tâm đắc câu nói:
“Just say yes, even if you don’t know how to do it”.
Khi đứng trước những thử thách, cơ hội mới, thay vì lo lắng sợ rằng bản thân sẽ làm không tốt, thì hãy nhận nó và cố gắng tìm ra giải pháp để vượt qua. Đó sẽ là lúc ta có thể bước lên những nấc thang tiếp theo trong hành trình cuộc đời mình. Nếu chúng ta cứ mãi làm những việc quen thuộc, lặp đi lặp lại trong vùng an toàn, thì chúng ta sẽ mãi dậm chân tại chỗ mà thôi.