Đời này không lấy đi của ta bất cứ thứ gì, khổ đau, mất mát chỉ là do ta còn mong cầu, tham vọng quá nhiều thứ, mà lại không trân trọng những gì mình đang có.
Nhìn lại mình trước đây cũng từng sống mặc nhiên với những thứ diễn ra xung quanh mình, mà nào biết rằng buồn vui sướng khổ đều do chính mình tạo nên. Bản thân vẫn thích những chuyến xê dịch, có lẽ phải đi xa mình mới có dịp quay đầu nhìn ngắm lại những điều mình đang có, bởi có khi những thứ gần gũi quá, hiển nhiên quá thì mình quên mất đi sự tồn tại và không nhận ra giá trị.
Đời vô thường, có cái chết đến từ từ ví như lâu lâu lại hay nghe người quen xung quanh vừa phát hiện bệnh. Cũng có chết đến bất ngờ như có người ngủ sau một đêm rồi chẳng còn dậy nữa.
Có lẽ trước sau gì cũng chết. Vậy mà con người chúng ta hình như chẳng ai dọn mình cho cái chết.
Thường người ta chỉ tìm đến thần phật, khi có điều gì đó muốn cầu xin, hay khi có khổ đau mất mát rồi, mới cầu xin cho tai qua nạn khỏi, và rồi lại chờ đợi một sự kì diệu, một phép màu nào đó xuất hiện. Việc tìm đến Đấng tối cao cho người ta cảm giác che chở trong đôi cánh yêu thương, để họ thấy rằng họ không đơn độc.
Giống như đến khi có bệnh đau đớn vật vả thì mới tìm đến bác sĩ van nài cứu chữa kể cả khi phải dùng đến thuốc tốt nhất, đắc tiền nhất, miễn sao giữ lại tính mạng mình. Trong khi đa phần đều chủ quan và xem thường thói quen sinh hoạt hằng ngày, những báo động của cơ thể. Biết rượu bia có hại nhưng vẫn tụ tập nhậu nhẹt hằng đêm, biết thuốc lá không tốt có thể gây ung thư phổi, nhưng vẫn hút đều đều rồi trặc lưỡi:
“Nghiện rồi không bỏ được, biết sao giờ?”
Có lẽ chẳng sai khi Đức Bụt từng nói rằng: “Đời là bề khổ, là sinh lão bệnh tử, là không thể tránh khỏi. Cuộc sống có những phút giây vui tươi, nhưng cho dù ta cố gắng kéo dài chúng thì đến một lúc nào đó chúng cũng tan biến.”
Khổ vì mưu sinh, khổ vì bệnh tật, khổ vì tuổi già. Ai cũng có bệnh, có người bệnh ở thân, có người ở tâm, cũng có người bệnh ở nhân cách. Bấy nhiêu chưa đó vẫn chưa đủ khổ hay sao, vậy mà vẫn còn thấy rất nhiều người còn tự mang thêm bao nhiêu là cái khổ nữa: khổ vì tham vọng, khổ vì hận thù đố kỵ, khổ vì tham lam sân hận, khổ vì tranh giành đấu đá lẫn nhau.
Có nhiều người đôi khi khờ dại mà phung phí cả cuộc đời mình vào những niềm đau, những câu chuyện đã cũ, trong khi đáng lý ra phải sống thật vui, thật hạnh phúc, thật bình an. Trong khi lẽ ra phải mỉm cười, bởi cuộc sống có bao nhiêu ngày vui đâu.
Nhiều lúc thấy người mệt mỏi, khó thở để rồi vội vàng đổ lỗi do ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, do những yếu tố bên ngoài, mà chẳng chịu nhìn lại bên trong, mình khó thở là do cái tâm mình còn chất chứa quá nhiều những sân hận, tham lam, đố kỵ, nó chiếm hết không gian không còn khoảng trống cho những yêu thương len lỏi vào nữa mà thôi.
Con người ta luôn muốn né tránh khổ đau, nhưng có những việc nếu không đau thì làm sao thức tỉnh được.
Phép màu đâu phải để cầu xin, mà phép màu là mỗi ngày mình còn được sống trên cuộc đời này, phép màu là những gì bản thân mình đang có: một cơ thể lành lặn, một sức khoẻ tốt, một tinh thần minh mẫn, một trái tim tràn đầy tình yêu thương và rộn ràng nhịp đập mỗi ngày. Thần phật đâu chỉ có chùa ở miếu, mà thần phật là cha mẹ, là anh, là chị, là những người thương, những người ta gặp mặt hằng ngày.
Vô thường có nghĩa là mọi sự rồi sẽ thay đổi. Vậy mà con người chúng ta thì lại thường lại buồn rầu và đau khổ bởi vì sự thay đổi đó. Đời này không biết trước được điều gì. Nhiều người chọn ngày tốt để khởi hành, chọn giờ tốt để nên vợ nên chồng, để sinh con đẻ cái. Ừ, thì ai cũng mong muốn có được những thứ tốt đẹp nhất, lành nhất, để mong mọi chuyện được suôn sẻ nhất.
Nhưng vô thường đâu có chọn ngày lành giờ lành đâu. Có những sự việc, biến cố, những điều bất như ý ập đến hoàn toàn bất ngờ, nó cũng đâu chọn ngày lành, giờ lành để tới đâu. Vô thường cũng đâu phân biệt ai trẻ, ai già, ai sang, ai hèn, ai có gia đình, ai có vợ, ai có con, ai độc thân đâu. Nó cứ ập đến mặc cho ta có đồng ý hay sẵn sàng đón nhận hay không. Chính vì bất ngờ nên con người ta đâm ra bối rối, trở tay không kịp, rồi hoang mang, vô định, rồi lạc. Có lẽ vì thế mà còn nhiều điều dở dang, ngỡ ngàng và tiếc nuối.
Nhưng sự thay đổi, sự vô thường cũng có khía cạnh tích cực của nó.
Ví như nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội biểu hiện. Hạt bắp nhờ có vô thường mới có cơ hội biểu hiện thành cây bắp, đơm hoa rồi cho quả. Ví như nhờ có vô thường mà ta mới có cơ hội tỉnh thức và trân trọng hơn những gì mình đang có. Đó là phép lạ của vô thường.
Như Osho cũng từng nói: “Vẻ đẹp của cuộc sống luôn là sự vô thường, bình yên trong an nguy, sống trong sự đe doạ của cái chết, nhưng chúng tuỳ thuộc vào bạn. Bạn chấp nhận hay không chấp nhận? Bạn thấy mặt sáng hay mặt tối của vấn đề? Bạn thấy cuốc sống là tù ngục hay tự do..tất cả phụ thuộc vào cách nhìn của bạn.”
Làm sao biết được vô thường giờ nào đến gõ cửa? Làm sao biết được những gì đôi bàn tay mình đang cố nắm giữ, rồi một ngày khi về với cát bụi đôi bàn tay ấy cũng buông lơi mà thôi. Bởi đâu ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Vui buồn, sướng khổ, an lạc, hạnh phúc là tuỳ vào thái độ sống mỗi người, tuỳ vào việc mỗi ngày trôi qua chung ta chọn gieo những gì vào cuộc đời này.
Sao không để mọi thứ phát triển thuận theo tự nhiên?
Sao không đón nhận mọi thứ bằng lòng yêu thương vô điều kiện, hà cớ gì phải áp đặt sự tính toán tinh vi vào làm gì?
Sao không sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc?
Osho cũng từng nói: “Chúng ta đang sống và cũng đang chết trong từng sát na của đời sống. Ta đón tiếp sự sống nhưng cũng phải hoan nghênh cái chết vì có thở ra mới có hít vào”.
Đức Phật sống từng sát na của thời gian. Tựa như con sóng có lúc dâng cao cũng có lúc hạ xuống, đôi lúc biến mất rồi cũng quay trở lại để bắt đầu một đợt sóng mới. Tâm niệm “Có rồi không, đi không ai hay đến không ai biết” là tâm niệm của lẽ vô thường, của Đức Phật. Mỗi khoảnh khắc ta sống, ta hít thở cũng vậy. Hít vào thở ra, không khí đến rồi đi để giúp cho cơ thể ta được tươi mới. Hít vào mang theo sự sống, thở ra mang đi cái chết.
Đức Phật chết đi trong từng khoảnh khắc, ngài không có gánh nặng nào để mang theo vì chẳng có sự đau khổ kết nối chồng chất từ ngày này sang ngày khác.
Quá khứ là một hình thức của sự chồng chất.
Không sở hữu quá khứ, tức là không sở hữu khổ đau.
Và khi không còn sở hữu tức đã là Phật.
.
.
.
.