Thường thì trong cuộc đời, ai cũng đều phải đóng 2 vai, lúc hỏi lúc trả lời. Cũng có khi tự phải đặt câu hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời. Và đó cũng là lúc tự nghiệm ra cho mình về ý nghĩa cuộc đời.
Khi còn trẻ và mới bắt đầu, tôi cho rằng giá trị của mình nằm ở khả năng “Say Yes”.
Say yes với mọi tình huống, với những điều mới mẻ, những điều mình chưa biết. Chỉ cần thời gian, năng lượng, kiên trì luyện tập rồi sẽ tìm ra cách. Rồi những lần say yes đó sẽ trở thành những kinh nghiệm quý báu cho hành trình trình trưởng thành của tôi sau này.
Giống như có rất nhiều người anh hùng trong cuộc sống bình thường, có bộ dạng bình thường như bao người. Nhưng một ngày, họ được ai đó kêu tên, đem đến cho họ một thử thách mà họ chưa bao giờ nghĩ đến. Rất nhiều anh hùng khi đối diện với thử thách thường không sẵn sàng. Họ nghi ngờ bản thân mình, nghĩ họ không đủ khả năng, nghi ngờ với sứ mệnh mà cuộc đời trao cho họ. Nhưng sau khi đã trải qua những dằn vặt nghi ngờ, sau khi đấu tranh với bản thân, và quyết định chấp nhận tiếng gọi của cuộc đời, họ bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu lớn.
Rồi trên hành trình đó, họ sẽ gặp những người bạn đồng hành, chiến đấu cùng nhau, giúp đỡ nhau cùng vượt qua trở ngại.
Hành trình đó cũng có những sai lầm, thất bại, mất mát, những giây phút sẽ phải đối diện với những góc khuất trong lòng. Nhưng họ cứ tiếp tục bước lên, không dừng bước, rồi họ hoàn thành sứ mệnh, giải cứu thế giới.
Sự khác biệt giữa người hùng và người thường, là vào cái giây phút quyết định của cuộc đời, các anh hùng luôn đưa ra lựa chọn, và họ luôn chọn chấp nhận thử thách.
Có lẽ khi “Say yes” trước thử thách, thì mới thấy được những tiềm lực bên trong chính mình. Mình cứ chấp nhận thử thách trước, coi chúng như những cơ hội học hỏi. Khi không biết cách thực hiện một nhiệm vụ nào, thì mình sẽ học cách để làm điều đó.
Nhưng sẽ có một vài giai đoạn, một vài thời điểm, tôi bắt đầu nhận ra giá trị nằm ở chữ “Say no”.
Say no với các thứ quen thuộc, tư duy cũ, những niềm tin cũ, từ chối những môi trường cũ, gạt đi những mối quan hệ không cần thiết…để chọn lọc cho mình điều tích cực hơn.
Bởi giờ đây đã nhận ra rằng thời gian và năng lượng của bản thân mới chính là 2 thứ quan trọng và cần được ưu tiên nhất, vậy nên say no để còn dành cho những điều thật xứng đáng hơn.
Nhiều người hỏi rằng, tôi có thấy mình đang phải “bắt đầu lại” mọi thứ hay không? Có áp lực gì với một khởi đầu hoàn toàn mới? Hay, có lo sợ chút nào rằng mình sẽ thất bại với những dự án mới hay không?
Điều này làm tôi nhớ đến một câu nói mà bản thân đã được truyền cảm hứng và động lực rất nhiều.
Đôi khi việc dừng lại không phải là kết thúc, dừng lại chỉ là để lựa chọn một lộ trình mới để bắt đầu mà thôi. Và lựa chọn mới đó không nhất thiết phải thành công, mà chỉ đơn giản là cách để thiết kế lại cuộc đời mình theo một cách khác, cách của riêng mình.
Gần 28 tuổi rồi nhưng vẫn quyết định học một ngành mới, và thậm chí sẵn sàng cho cả việc…đổi nghề nếu sau này vẫn có khả năng theo đuổi. Gọi là mới thì không hẳn, vì hơn 3 năm trước tôi đã mày mò đọc sách và có tìm hiểu về tâm lý học chữa lành, vì thời điểm đó bản thân cũng đang gặp một số vấn đề về kiểm soát lo âu.
Nhiều năm trước nếu ai đấy nói rằng nếu chịu khó tìm tòi đọc sách rồi những câu chữ ấy sẽ khiến bạn được thức tỉnh hoàn toàn, thì đấy là điều khá khó tin. Nhiều năm trước, vẫn giữ cái tôi quá lớn, nên tôi đã chọn sự cô độc để đồng hành. Tránh xa đám đông, vì nghĩ rằng ở nơi đông người thì mình sẽ không thể tỏa sáng được.
Nếu tâm niệm điều gì – có thể sẽ mất nhiều thời gian mới ngộ ra được. Giống như một hạt giống cần phải trải qua thời gian ngủ đông, tích trữ cho mình nguồn dinh dưỡng, rồi chờ khi mùa xuân đến mang theo ánh sáng, hơi ấm, và rồi hạt mầm ấy sẽ dần tách vỏ và nảy mầm. Với tôi đó là lĩnh vực mới, giá trị mới.
Bản thân giờ đây bắt đầu có được hai định nghĩa “khác đi” về thành công và cả thất bại.
Có thể trước đây thành công với tôi là được mọi người trầm trồ và ngưỡng mộ, hay khi kinh doanh thì sẽ muốn đạt được một lợi nhuận khổng lồ nào đó, còn giờ thì thành công với tôi là tạo ra được một giá trị nào đó và thấy bản thân mỗi ngày được tiến bộ hơn trong mỗi việc mình làm.
Tôi lựa chọn thướt đo thành công thông qua sự hạnh phúc, cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cũng như khả năng ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xung quanh. Thành công không chỉ là một điểm đến mà là một hành trình liên tục của sự học hỏi, sáng tạo.
Như Osho từng nói: “Một điệu vũ là một cái gì đó hoàn thiện, những chi tiết cuối cùng đã được hoàn thành, giờ chẳng còn gì để làm. Một thứ hoàn thiện là một thứ chết. Cuộc sống không biết tới dấu chấm, dấu phẩy thì được, nhưng dấu chấm thì không. Nơi nghỉ ngơi thì được, đích đến thì không.”
Tương tự, thất bại cũng vậy.
Trước đây, luôn cho rằng thất bại luôn gắn liền với việc đạt được hay không đạt được một điều gì, và kèm theo đó là sự kỳ vọng quá lớn, nên bản thân vô tình gắn cho thất bại một ý nghĩa tiêu cực. Nhưng giờ đây đối với tôi thất bại thật ra là một CƠ HỘI KHÁC cho học hỏi và phát triển. Nó là nơi mà tôi có thể rút ra những bài học quý báu từ những trải nghiệm không thành công.
Từng nghe được một lời khuyên rằng: càng có nhiều trải nghiệm “lần đầu tiên” càng tốt.
Đúng, trải nghiệm đầu tiên, dám làm cái mới, là điều vô cùng quan trọng. Nhưng với một đứa có phần hơi lì và luôn muốn được làm điều gì đó mới như mình, thì bản thân lại thấy có lẽ bắt đầu từ lần thứ 3 trở đi thì mới là trải nghiệm quan trọng hơn nhiều…
Và 2 trở ngại lớn nhất mà tôi gặp phải trong quá trình này đó là: thời gian và sức ì.
Thứ nhất là thời gian.
Sắp xếp thời gian, giữa công việc hằng ngày, rồi nào là phải kỷ luật vượt qua những mốc thời gian bị cám dỗ bởi những vui chơi giải trí hàng ngày. Và thời gian có lẽ cũng là yếu tố dễ làm cho con người ta bỏ cuộc nhất bởi vì mất động lực, trong khi kết quả mang lại thì không rõ ràng.
Trở ngại thứ 2 có lẽ là sức ì.
Cứ tưởng một người hay tiêu thụ nội dung và đọc sách như mình, việc nhồi kiến thức là phải dễ dàng chứ? Không hề!
Đọc tài liệu chuẩn bị cho một mảng công việc mới, có thể nói là một con đường hoàn toàn mới, cũng chẳng biết sẽ như thế nào. Tài liệu thì chi chít chữ, cứ đọc vào như bị thôi miên, mắt cứ nhắm tịt lại, nhưng vẫn tự nhắc nhở mình, buồn ngủ mấy cũng phải mắt nhắm mắt mở bật bài giảng lên mà nghe.
Lần thứ 3 trở đi cũng có khi quá sớm để hy vọng rằng bản thân sẽ nhảy được cột mốc mới hay rồi sẽ có được một bước tiến vĩ đại nào đó, điều đó thật sự quá mong manh, chưa nói lên được điều gì. Rất nhiều người dừng lại ở vài lần thử, đôi khi dừng ngay từ lần đầu tiên thất bại.
Chính tôi cũng phải luôn tự nhắc nhở bản thân bền sức mới là thứ quyết định tất thảy.
Sau này cứ tạo cho bản thân một thói quen dù là trong công việc hay bất một điều gì muốn làm, dù chán nản đến mấy cũng sẽ cố gồng thêm ít nữa. Đó là hành trình liên tục khắc phục những điểm yếu của chính mình, và tiếp tục, để phát triển thêm lên. Nó không phải là việc thử một lần, hai lần, rồi lựa chọn bỏ cuộc khi mọi chuyện không như ý.
Như mấy hôm rồi tập yoga bắt đầu ì, có lẽ phần vì bản thân đang có nhiều suy nghĩ, phần vì bị cảm nên người cứ lừ đừ, nản nản nghĩ bụng hay là nghỉ, là tôi lại nhắm mắt nhắm mũi lao thẳng đến phòng tập, không cho thời gian để đắn đo suy nghĩ.
Chúng ta đôi lúc bị cuốn vào trong guồng quay của những cỗ máy khổng lồ và không có lối thoát. Thức dậy, bon chen, tranh giành, đấu đá, hơn thua, cạnh tranh, so đo, chỉ vì kiếm sống, kiếm tiền, hay đôi khi là địa vị, chức vụ, rồi trở về nhà sau một ngày mệt mỏi vất vả, rồi lại đi ngủ và cứ thế lặp lại chu trình ấy vào ngày hôm sau. Chỉ để đổi lấy sự trầm trồ và ngưỡng mộ mà người khác dành cho mình.
Con người chúng ta trở thành 1 kẻ ưu tích trữ, tích trữ kiến thức, tích trữ tiền bạc, tích trữ đức hạnh, và ngày càng trở nên keo kiệt. Bản tính con người luôn muốn sỡ hữu, không muốn bỏ đi bất cứ thứ gì cả. Bất kể nắm được thứ gì, con người cũng giữ chặt nó lại.
Nhưng nếu có thể dừng lại và tách mình ra một chút, để nhìn lại cuộc đời mình bằng một cái nhìn “triết học” hơn, có thể chúng ta sẽ vỡ oà ra với những điều rất đỗi đơn giản. Thật ra cho đến cuối cùng con người chúng ta đâu cần nhiều thứ như thế để hạnh phúc đâu.
Và cho đến cuối cùng thì cả “say yes” hay “say no” đều cần rất nhiều sự dũng cảm.
.
.
.
.