Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Lối ra tuỳ thuộc đường vào nội tâm

Lối ra tuỳ thuộc đường vào nội tâm

Posted on 01/04/202428/03/2024 by admin

Một khảo sát 2018 chỉ ra rằng, với trung bình 2 tiếng sử dụng điện thoại mỗi ngày, có 5 hoạt động chúng ta thường xuyên làm nhất khi sử dụng smartphone đó là: mua sắm, xem video, đọc tin tức, chơi game và tham gia vào các nền tảng mạng xã hội. Và hầu hết là ít có hoạt động nào liên quan đến công việc.

Theo một nghiên cứu của Rakuten Viber, người Việt dành khoảng thời gian 2 giờ 32 phút mỗi ngày cho mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin. Con số trên lâu hơn một phút so với mức trung bình của người dùng toàn cầu.

Trong khi đó, nghiên cứu trực tuyến do Q&me thực hiện năm 2021 đã chỉ ra, thời gian sử dụng các ứng dụng di động của người Việt Nam khá cao, trung bình tới 6,1 giờ đồng hồ/mỗi ngày. Trong đó, nhóm người có độ tuổi dưới 26 thường có thời gian sử dụng lâu hơn, với hơn 7 giờ mỗi ngày. Đây chỉ là số liệu thống kê ở một vài thành phố lớn và mẫu thống kê chỉ là một số đối tượng đại diện, chưa kể ngày nay mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hơn từ thành thị tới nông thôn, vậy nên con số này sẽ còn tăng lên đáng kể.

Chúng ta đang sống ở trong thế giới mà cứ khoảng tầm 10 đến 11 phút ta sẽ bị mất tập trung. Và mỗi lần mất tập trung chúng ta sẽ mất từ 20-23 phút để lấy lại được sự tập trung đó. Với social media, trung bình một ngày chúng ta sẽ chạm vào màn hình 2500 lần, và bởi vì có thói quen sử dụng điện thoại một cách vô thức nên ta sẽ không ý thức được mình chạm nhiều như vậy.

Và để lấy lại sự tập trung là một điều vô cùng khó khăn. Để rồi hiệu suất trong công việc giảm, làm nhiều nhưng không bao giờ thấy hết việc. Luôn trong trạng thái quá tải, chán nản, mệt mỏi bởi những sức ép từ công việc và cuộc sống. Làm nhiều giờ, nhiều việc, nhiều ngày nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.

.

Nhà sử học Israel Yuval Noah Harari trong cuốn “21 bài học cho thế kỉ 21”, từng đặt ra câu hỏi: Con người chi phối công nghệ hay công nghệ thao túng con người? Liệu những loài Homo Sapiens thượng đẳng hơn có tự do hay không?

Tác giả chỉ ra rằng trong hàng ngàn năm nay con người luôn đi tìm ý nghĩa của sự sống, của cuộc đời, của ý chí tự do tuyệt đối. Nhưng những bằng chứng khoa học hiện nay chỉ ra rằng, con người không hề có ý chí tự do tuyệt đối. Chúng ta càng ngày càng bị các thuật toán của công nghệ chi phối. Mỗi lần người dùng truy cập Internet để tìm kiếm, mua sắm, lướt web, đều để lại những dấu chân và công việc của các nhà công nghệ là sẽ thu thập chúng. Từ đó, các thuật toán được lập trình để tiên đoán hành vi tiếp theo của người dùng theo cách ngày một chính xác hơn.

Với kỷ nguyên thông tin bùng nổ hiện nay, khi chúng ta đọc báo, lướt Facebook, chúng ta đang bị ảnh hưởng của chính những thông tin chúng ta thu được và do đó bị thao túng. Thậm chí sẽ chẳng có chút thời gian để xem liệu những thông tin thu được ấy có đáng tin hay không, có phục vụ cho mục đích của ý chí tự do của chúng ta hay không. Về cơ bản chúng ta bị chính các thuật toán thao túng.

Chúng ta đang sống trong thời đại ngập tràn tin tức, một thời đại thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ việc truy cập tin tức lại dễ dàng và tiện lợi đến như vậy. Thậm chí không cần làm gì, tin tức cũng tự tìm đến.

Trong quyển Nghệ thuật kiêng khem tin tức, Rolf Dobelli từng khẳng định rằng:

“Không phải tất cả các tin tức đều giá trị, chỉ một số ít là hữu ích và số khác thì không, quan trọng là chúng ta phải nhận ra được đâu là những điều thật sự có ích và quan trọng với chính mình. Giữa giá trị và khả năng gây chú ý truyền thông có một mối quan hệ đối nghịch: tin tức càng bùng nổ, thì càng vô nghĩa, cái gì không được đưa tin thì thường có giá trị. Giá trị là một vấn đề thuần tuý cá nhân, nó không được định nghĩa bởi truyền thông. Với truyền thông thì hễ cái gì có tiềm năng thu hút sự chú ý thì cái đó có giá trị. Đây chính là cốt lõi mô hình hoạt động của ngành công nghiệp tin tức. Họ bán cho chúng ta những tin tức vô bổ dưới vỏ bọc hữu ích.”

Việc tiêu thụ tin tức thôi thúc chúng ta không ngừng đưa ra ý kiến, thích hay không thích, ủng hộ hay phản đối, đó là lúc cái tôi muốn được thể hiện rõ nhất. Càng muốn thể hiện bản thân ta càng dễ mất đi sự tĩnh tâm. Và dễ hình thành nên một lỗi tư duy đó là “Thiên kiến xác nhận – confirmation bias”, chúng ta dễ dàng lờ đi những gì trái ngược với quan điểm của bản thân và dễ dàng tiếp nhận những thông tin có tính chất khẳng định niềm tin đôi khi là định kiến của mình. Nguồn tin tức phổ biến nhất chính là mạng xã hội, nơi mà các thuật toán facebook thay nhau hiển thị nội dung thông qua những gợi ý , dựa trên những điều mà người dùng quan tâm. Nhưng bức xúc đâu làm ta vô can, như Bác Đặng Hoàng Giang cũng từng nói: “Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn.”

.

Một nghiên cứu của đại học Tokyo đưa ra kết luận rằng: Một người càng thường xuyên tiêu thụ nhiều hình thức truyền thông thì người đó càng có ít tế bào não ở vùng “vỏ đai não trước trán – khu vực não chịu trách nhiệm cho các chức năng tập trung chú ý, nghiền ngẫm đạo đức và kiểm soát xung động.

Hầu hết những người tiêu thụ nhiều tin tức trong một thời gian dài, họ dần mất đi khả năng tập trung, ví như một số người dù trước đây dù đã có thói quen đọc sách, nhưng sau một thời gian tiêu thụ nhiều tin tức liên tục họ không còn khả năng đọc sách hay những bài viết dài. Chỉ sau 4, 5 trang sẽ cảm thấy mệt mỏi, giảm tập trung và trở nên bồn chồn, lý do không phải do tuổi tác mà là do cấu trúc vật lý của não bộ đã bị thay đổi.

Khi tiêu thụ tin tức, ta sẽ dần dần thay đổi cấu trúc vật lý của não bộ, những phần não bộ phụ trách thông tin ngắn gọn sẽ được phát triển, thay vào đó phần não phụ trách xử lý văn bản dài đều sẽ bị tiêu biến, và dần mất đi chức năng hoạt động.

.

Một thế giới bận rộn và quá tải thông tin đến từ đời sống thực như: những tấm biển tiếp thị lòe loẹt khắp phố, những tấm ắp phích, những tờ rơi, đến nền tảng online như những video quảng cáo vài giây trên youtube, những thông báo trên điện thoại, mạng xã hội, những trang bán hàng cứ cách vài phút lại thay phiên nhau hiện lên. Tất cả đều có cùng một mục đích duy nhất là đều muốn được ta chú ý, tranh giành nhau từng khoảnh khắc để nhận được sự quan tâm. Nghiên cứu của Dentsu Aegis năm 2019 gọi đây là kỷ nguyên của “nền kinh tế chú ý – the attention economy”.

Con người ngày càng dễ mất tập trung bởi điện thoại, email, social media, bởi tin nhắn, bởi game, chúng ta không thể nào ngồi yên và tập trung được. Chúng ta cũng thường hào phóng và dễ dãi với sự chú ý của mình. Dặn lòng là mình chỉ giải trí một chút thôi, mình xem thêm 1 video clip nữa thôi, vậy mà vừa quay đi cái đã ngồi lướt mạng xã hội mấy tiếng đồng hồ rồi.

Thuyết tâm lý của Carl Jung cũng từng chỉ ra, Những sự kiện hoặc trải nghiệm mà một người chú tâm đến, sẽ được tâm trí lưu giữ lại trong vô thức cá nhân. Cho dù có được hồi tưởng lại hay không, những ký ức ấy vẫn sẽ trở thành một phần tiềm thức trong mỗi con người, phần nào tác động đến cách tư duy và hành động về sau. Giống như những trải nghiệm tuổi thơ định hình nên con người của ta hiện tại.

Triết gia Epictetus đã từng nói: “Bạn trở thành chính điều gì mà bạn chú tâm đến”.

Điều đó có nghĩa: những gì ta quan tâm và chú ý đến, sẽ gieo vào tâm hồn ta những hạt mầm. Theo thời gian, những hạt mầm ấy sẽ bén rễ, sẽ thay đổi mỗi người một cách âm thầm mà trở thành cái mà ta hay gọi là “căn tính”.

Hay khi nhắc về khái niệm “dấu ấn” chẳng hạn, vào ban đêm trước khi đi ngủ, hãy nghĩ sâu sắc về điều gì đó. Và sáng hôm sau ngay khi thức dậy, nó sẽ trở thành suy nghĩ đầu tiên của bạn. Dấu ấn tốt mang lại niềm hạnh phúc, dấu ấn xấu mang lại khổ đau.

Thế giới hiện đại, với tất cả sự ồn ào của nó, liên tục xâm lấn sự chú ý của mỗi người chúng ta. Càng ngày, lượng thông tin mà mỗi chúng ta tiếp nhận ngày càng nhiều, từ online đến offline, có lẽ đó cũng là một trong những lý do giải thích cho việc con người ngày càng mệt mỏi, kiệt sức, mất phương hướng, mắc đủ các chứng bệnh rối loạn, lo âu, trầm cảm, v.v.

Bản thân tôi giờ đây cũng bắt đầu nhận thức và xác định rõ hơn đâu mới là giá trị mà mình đang cần, và giành lại cho mình quyền tự quyết. Rèn luyện sự tỉnh thức và dành sự chú tâm từng khoảnh khắc trong cuộc đời này, để sự chú tâm trở thành một thói quen thường nhật. Bởi thói quen hình thành tính cách. Tính cách hình thành số phận. Số phận cũng chính là định mệnh cuộc đời mình.

Dưới đây là một vài điều bản thân đã và đang thực hành trong hành trình giành lại sự kiểm soát và chú tâm của chính mình.

1. Tìm về giá trị bình an

Đầu tiên ta cần phân biệt giữa bình yên và bình an.

Bình yên là một trạng thái tĩnh lặng của môi trường sống xung quanh. Cuộc sống bình yên là cuộc sống mà chúng ta ít có biến cố, môi trường sống nhẹ nhàng không có nhiều xung đột hay tiếng ồn.

Còn bình an nghe cũng giống bình yên, nhưng thật ra nó sẽ có điểm khác biệt lớn. Bình an là chúng ta giữ được cái tâm an dù bên ngoài có nhiều biến động như thế nào đi chăng nữa, sẽ có những biến động lớn, sẽ có những lúc ta ở đỉnh cao của cuộc sống, cũng sẽ có những lúc ta chạm đáy cảm xúc với những nỗi buồn. Và bình an là trạng thái mà ta chủ động để đưa mọi thứ trở lại trạng thái quân bình nhất.

Kể từ khi nhận thức được những điều này, bản thân cũng bắt đầu chọn lọc những thông tin mà mình sẽ tiếp nhận. Những thông tin vô nghĩa, tiêu cực, độc hại, cho dù là người đời đang xôn xao bàn tán, tôi vẫn chấp nhận bỏ ngoài tai. Vì càng ít bị phân tán, thì những mối bận tâm quan trọng và giá trị hơn mới càng được chuyên sâu. Thay vào đó tôi sẽ chọn cho mình những nội dung hữu ích, chất lượng, và có ý nghĩa, để rèn luyện và phát triển thêm tư duy cho chính mình.

Đừng sợ một mình. Một mình là thời gian tốt nhất để buông xả hết mọi gánh nặng mình mang vác hàng ngày ra, trở về với bản thân và tìm đến sự bình an. Khi chúng ta dành thời gian cho bản thân, nhìn lại những cảm nhận, suy nghĩ, hình ảnh trong đầu mình, ta sẽ có kết nối sâu hơn với não bộ.

Khi và chỉ khi mình ổn thì thế giới ngoài kia mới ổn. Tâm an trời đất cũng an mà. Dừng lại một chút, cho tâm trí nghỉ ngơi chút, dành chút thời gian riêng tư cho bản thân bạn nhé.

2. Hạn chế tiếp xúc với những tin tức bên ngoài

Có một điểm nếu để ý kĩ sẽ thấy rằng, phần lớn những tin tức mà chúng ta tiêu thụ, đều là những tin tức mang tính chất tiêu cực với những nội dung: lừa đảo, scandal của người nổi tiếng, chém giết lẫn nhau, bạo lực học đường, bạo lực gia đình…v.v. Chúng ta đang sống trong một thế giới những điều tiêu cực được coi trọng hơn những điều tích cực. Và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thông tin tiêu cực tác động lên con người gấp đôi những thông tin tích cực. Những hình ảnh, video tựa đề càng kích thích, càng xúc động sẽ càng chiếm nhiều không gian trong não bộ con người, từ đó tin tức chiếm lấy vị trí tiên phong trong tư duy.

Tâm lý học gọi hiện tượng này là “thiên kiến tiêu cực”, ta dễ phản ứng mẫn cảm hơn trước những thông tin tiêu cực. Thiên kiến tiêu cực là một trong những phản ứng bẩm sinh của con người, truyền thông và tin tức đang thao túng con người một cách khéo léo, họ mang đến những câu chuyện ồ ạt có những tiêu đề giật gân nhằm để kích thích bộ não lo âu của chúng ta. Khi đọc tin tức ta đặt mình trong trạng thái lo âu căng thẳng, dễ tức giận và đôi khi là hội chứng vô cảm.

Giáo sư, nhà tâm lý học Davey đã chứng minh: “Tin tức tiêu cực trên tivi làm trầm trọng hoá nỗi lo cá nhân, cho dù nội dung chúng chẳng liên quan gì đến nhau. Có lẽ việc đọc tin tức là ta đang mạo hiểm sức khoẻ tinh thần.”

Nhiều nghiên cứu đã đưa ra kết luận, hầu hết những người tiêu thụ quá nhiều tin tức đều bị suy giảm ý chí. Mà ý chí chính là yếu tố giữ cho ta có thể tư duy sáng suốt, để làm việc hiệu quả, để ăn uống lành mạnh và giữ cho cơ thể luôn năng động. Và nếu càng stress thì ý chí sẽ càng giảm. Thế là con người chúng ta rơi vào một vòng lẩn quẩn, tiêu thụ tin tức dẫn đến stress, càng stress thì ý chí càng tuột dốc.

Ngày trước cứ nghĩ bản thân biết hết những tin tức đó là mình sẽ không bỏ lỡ, sẽ sống theo kịp thời đại, chuyện gì ở bên ngoài cũng biết, để rồi giây phút chợt giật mình nhìn lại, mình không biết nhiều lắm về những thứ ở bên trong mình. Những tin tức bên ngoài đó không giúp được gì nhiều cho mình ngoài việc tạo ra thêm những nguồn năng lượng tiêu cực.

Thói quen hạn chế tiếp xúc với những nguồn tin tức tiêu cực bên ngoài có từ khi tôi đọc xong quyển “Thả một bè lau” của Sư Ông. Bản thân đã phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước cái cách mà Sư Ông giải thích về cuộc đời của Thuý Kiều dưới lăng kính thiền quán.

Sư Ông có nhắc đến 2 khái niệm là đoạn thực và xúc thực.

Đoạn thực: là những thức ăn ta đưa vào thân. Xúc thực là những thứ đưa vào tâm chúng ta thông qua những giác quan hằng ngày.

Sư Ông dạy rằng, chúng ta cần phải hạn chế tiếp xúc với những thông tin mang tính chất gây hận thù, gây thèm khát, kích động bản tính tham sân si, hay những tin tức mang tính bi thương, tuyệt vọng, giật gân. Khi tiêu thụ những sản phẩm văn nghệ như: nhạc, thơ ca,,,chúng ta phải chọn những bài lành mạnh, có sự cởi mở, nhẹ nhàng, giải thoát. Không nên hát ngâm những bài rên rỉ đau thương quá. Ngâm hát những câu thơ và những bài hát đó là chúng ta đang thực tập tưới tẩm những hạt giống đau thương có bên trong mình. Mình sẽ vận nó vào trong người, rất nguy hiểm. Nếu cứ hát những bài khóc gió than mây và cứ nghe những bài độc huyền thì có thể “vận cái rủi” vào số mạng của mình, tưới tẩm những hạt giống đau buồn, điều đó không tốt.

Nhiều nhà khoa học đã kết luận rằng: Năng lượng và âm thanh là dao động, vậy nên con người chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hát và ngâm thơ là một cách tưới tẩm những hạt giống trong lòng mình. Có những hạt giống cần tưới tẩm và có những hạt giống không nên tưới tẩm. Chúng ta có đầy đủ tất cả các hạt giống.

Ta là quyển sách ta đang đọc, bộ phim ta đang xem, những điều ta đang quan tâm đang làm, và những người mà ta đang tiếp xúc. Hay như câu “Hãy cho tôi biết 3 người bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào.”

Sư ông từng dạy: “Lối ra tuỳ thuộc đường vào nội tâm”. Tâm hồn cũng như cơ thể, mình nuôi dưỡng tưới tẩm cho cả hai bằng gì thì sẽ biểu hiện ra thế ấy. Nếu biết chọn sách, chọn bạn, chọn điều mình quan tâm, theo dõi, đó là cách chúng ta đang nuôi dưỡng và tưới tẩm cho chính mình. Chọn những nụ cười lạc quan, chọn những suy nghĩ tích cực, chọn những hành động yêu thương, chọn những lời động viên tích cực để tưới tẩm cho chính mình và cho cả những người xung quanh.

Trong cuốn “Power and Force”, cũng đã chỉ ra rằng tình yêu thương, sự biết ơn, lòng trắc ẩn, cảm thông là những mô thức năng lượng cao nhất, đạt 600 điểm trở lên. Khi tâm mình rộng mở, khi hiểu và chấp nhận được chính mình thì cũng sẽ chấp nhận được người khác, mình hạnh phúc thì người thương mình cũng hạnh phúc. Bởi mình có yêu thương, có hiểu biết, có hạnh phúc thì mình mới cho đi được. Mình không thể cho đi những gì mình không có.

Đó là cột mốc thay đổi tôi về cách tiêu thụ thông tin.

Rằng bản thân vẫn làm nội dung cho fan page nhưng lại rất ít sử dụng facebook. Nếu có sử dụng sẽ chỉ tập trung vào những trang có nội dung về sáng tạo, những trang mang nội dung tích cực, thỉnh thoảng cũng sẽ lướt xem một vài video nhưng có thể chỉ là những bộ phim để giải trí cho đầu óc đỡ căng thẳng.

Bản thân bắt đầu sử dụng công nghệ một cách có ý thức chứ không để công nghệ dẫn dắt và thao túng, để có thêm thời gian dành cho sự tập trung và bảo vệ tâm trí của mình. Cách hạn chế tiếp xúc thông tin này cũng giúp cho tôi có sự chuyển hoá trong cách mình tiêu thụ nội dung để rồi bây giờ hơn 90 phần trăm nội dung tiêu thụ là đến từ sách và các khoá học kỹ năng chứ không đến nhiều từ những nền tảng mạng xã hội hay những kênh tin tức khác nhau.

Và một điều tôi thấy rõ nhất là tâm trí được yên ổn hơn rất nhiều, khi không biết nhiều lắm về thế giới xung quanh. Nhờ vậy mà bản thân có thể tập trung vào xây dựng thế giới bên trong chính mình được vững vàng hơn. Cuối tuần sẽ dành phần lớn thời gian cho gia đình, đó cũng là lúc tôi ngắt kết nối với công nghệ hầu như là dài nhất.

Công nghê vẫn mang lại lợi ích cho chúng ta rất nhiều (ví như hầu hết hơn 90 phần trăm công việc của tôi vẫn diễn ra online mà). Tuy nhiên nếu chúng ta không có ý thức, không có sự vững vàng, không có sự luyện tập thì việc quá tiện lợi, quá dễ dàng, sử dụng quá đà sẽ chiếm lấy rất nhiều thời gian và sự tập trung, để rồi chúng ta có thể bị cuốn vào những vòng xoáy khác nhau, kết quả là tâm trạng dễ rơi vào trạng thái bất an, bồn chồn, căng thẳng và kết quả là để có được những ngày tháng bình an sống nó không hề dễ dàng chút nào.

3. Kết nối với thiên nhiên

Mỗi lần được ở với thiên nhiên, ngắm nhìn thiên nhiên, sự hùng vĩ của thiên nhiên chợt thấy bản thân thật nhỏ bé. Giây phút đó cũng thấy cuộc sống thật tĩnh lặng và yên bình.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi con người càng tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, sẽ giảm được sự căng thẳng, giảm sự lo lắng, có thêm niềm vui, tăng thêm sự phấn khích, mang lại nhiều lợi ích về mặt tinh thần. Về mặt sức khoẻ vật lý thì cải thiện khả năng đề kháng của cơ thể, ổn định được huyết áp và vô vàn những lợi ích khác nhau nữa.

Đây có lẽ là thói quen vô cùng quan trọng để nhắc nhở cho những người trẻ như chúng ta, khi sống ở nơi đô thị lớn, quay cuồng với công việc không có thời gian để nghỉ ngơi và học cách sống trọn vẹn cho hiện tại.

“Một ý nghĩa của sự tồn tại chính là hiện tại. Là sự trải nghiệm hiện tại của chính bản thân mỗi chúng ta. Chúng ta không sống vì ai hết, không sống vì bất kỳ ý tưởng hay câu chuyện nào của người khác, kể cả chính chúng ta. Bởi thực ra, trong vũ trụ rộng lớn này, con người chỉ như tập hợp của những hạt phân tử luôn luôn biến động mà thôi. Các quốc gia rồi sẽ tiêu biến, các tôn giáo cũng không vĩnh hằng, ngay cả danh tiếng đóng góp của chúng ta chăng nữa. Chắc giờ này cũng chẳng ai nhận ra tên của người Homo Sapiens đầu tiên tạo ra lửa đâu. Thứ duy nhất thực sự tồn tại chính là vũ trụ, chính là khoảnh khắc hiện tại.” – Yuval Noah Harari

Giờ đây tôi đang thực hành phương pháp mang rừng vào nhà, bằng cách mua thêm những chậu cây xanh để vào phòng, nhìn ngắm màu xanh của lá cây vừa giúp cho tinh thần thoải mái mà cũng vừa tốt cho mắt (bởi màu xanh lá cây được chứng minh là màu làm dịu mắt rất nhiều).

Hoặc bạn có thể tham khảo Mô hình 7 hoạt động – 7 món ăn tinh thần cho não bộ khỏe mạnh của Dr. Daniel J. Siegel (UCLA) dưới đây:

1- Focus time (Thời gian tập trung): Khoảng thời gian thử thách não bộ tập trung vào những công việc quan trọng để tạo kết nối sâu.

2- Playtime (Thời gian chơi): Không phải chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng cần chơi những hoạt động sáng tạo, vui vẻ, hoạt bát để giúp não bộ có những kết nối mới, tươi trẻ hơn.

3- Connecting time (Thời gian kết nối): Dành thời gian kết nối với người thân, bạn bè, những mối quan hệ xung quanh, để giúp não bộ kích hoạt những mối nối quan hệ xã hội, giúp ta cảm thấy mình là một phần của thế giới.

4- Physical time (Thời gian vận động thể chất): Chơi thể thao không chỉ giúp ta tăng cường thể chất mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp não bộ khỏe mạnh toàn diện.

5- Time in (Thời gian tập trung vào bên trong): Khi dành thời gian cho bản thân, nhìn lại những cảm nhận, suy nghĩ, hình ảnh trong đầu mình, đó là cách có được những kết nối sâu hơn với não bộ.

6-Downtime (Thời gian ngưng nghỉ): Đây là khoảng thời gian “không làm gì cả” để não bộ được thư giãn, bay bổng, lang thang theo cách nó muốn.

7- Sleep time (Thời gian ngủ): Ngủ đủ 8 tiếng một ngày để não bộ được nghỉ ngơi, phục hồi và ghi nhớ những bài học và trải nghiệm trong ngày.

.

Hãy nhớ rằng: sự chú ý của ta là một nguồn tài nguyên hữu hạn. Một ngày, ta chỉ có bấy nhiêu thời gian và năng lượng. Và cũng như một khoản tiền sở hữu, sự chú ý cũng nên được sử dụng một cách khôn ngoan. Đừng phung phí nó vào những kích thích vô nghĩa nhất thời, mà hãy đầu tư vào những gì thật sự có ích, mang lại giá trị cho chính mình.

Mỗi người chúng ta cần nhận định rõ ràng đâu là thứ quan trọng và thật sự cần thiết, bởi ta dành sự tập trung cho điều gì, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống của ta.

Vậy, câu hỏi cần được đặt ra là: Đâu là điều mình cần để tâm đến, điều đó có thật sự quan trọng không? Nó có mang lại giá trị hay lợi ích gì cho cuộc sống của mình? Có điều gì khác giá trị hơn mình cần chú tâm vào hay không?

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

1 thought on “Lối ra tuỳ thuộc đường vào nội tâm”

  1. Pingback: You are what you eat?

Comments are closed.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.