“You are what you eat – Chúng ta sẽ trở thành cái mà chúng ta ăn”
Trước đây từng cho rằng ăn chay sẽ giúp con người tốt bụng hơn, nhân hậu hơn và tử tế hơn. Câu nói ấy thôi vẫn chưa đủ, sự thật rằng ăn chay không giúp trở thành con người tốt hơn. Điều đó chỉ đúng một phần thôi.
Bản thân tôi cũng đã tiếp xúc với nhiều người ăn chay xung quanh, có người ăn chay vì tôn giáo, có người ăn chay vì tâm linh, có người ăn chay để trị bệnh, một số người khác ăn để xin ông bà thần phật phù hộ cho tai qua nạn khỏi, có người ăn để trả nợ vì đã khấn xin trước đó, có người ăn vì tin rằng ăn chay sẽ có được phước đức trả nợ cho những nghiệp quả mà đã gây ra trước đó hoặc là ngăn ngừa những nghiệp quả sẽ gây ra trong tương lai.
Có nhiều người rất tự hào vì họ ăn chay trường, từ bi với chúng sinh, họ thuộc rất nhiều những bài kinh kệ, họ đã đi hành hương qua rất nhiều chùa chiềng, trong nước có ngoài nước cũng có. Họ có cảm giác họ sống đạo đức hơn, giác ngộ hơn, sống có ý nghĩa hơn hầu hết những người ăn mặn. Rồi khi được hỏi khi thực hành ăn chay như thế anh/chị thấy có dễ dàng không? Và rất nhiều câu trả lời khác nhau như: có mấy hôm hôm giữa trưa nắng phải chạy rất xa mới có tiệm cơm chay hay những ngày rằm lớn phải chen chúc nhau ở những quán chay làm họ bực tức, có người thì la lối vì đến trước nhưng lại bị chen ngang. Có người thì phải nấu ăn cho gia đình, nấu tận 2-3 bận, rồi thì chén bát đũa muỗng xoong nồi đều phải để riêng hết.
Và hầu hết những người ăn chay mà tôi gặp và tiếp xúc, thì hiếm thấy được người nào có được sự điềm tĩnh, tâm sáng và trí sáng, nói đúng hơn là thật sự vẫn có nhưng rất ít. Lúc đó tự hỏi: Vậy họ ăn chay vì điều gì? Chẳng phải việc ăn chay như lớp vỏ bọc đầy hào quang màu sắc để họ khoát lên đó sao. Khoát lên để trình diễn, để được người khác trầm trồ, để thấy mình hơn người khác.
Ngày xưa vẫn nghỉ rằng chỉ cần ai là người ăn chay, chỉ ăn thực vật là tâm trí sẽ tự nhiên được sáng, tính tình cũng sẽ có được sự điềm tĩnh hơn. Nhưng không hẳn thế, bởi điều đó còn phụ thuộc ăn chay vì mục đích nào, ăn như thế nào, ăn những gì, có thực hành ăn trong chánh niệm hay không, có ăn với sự hiểu biết hay không, chưa kể ngoài việc ăn thì còn lối sống hằng ngày nữa.
Nhiều nghiên cứu chứng minh, khi chúng ăn trong niềm vui và sự biết ơn, thì cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều hormon giúp chuyển hoá tốt thức ăn và giúp chúng ta ngon miệng và cảm thấy hạnh phúc hơn.
Bởi việc ăn chay chỉ chiếm tầm 3 tiếng mỗi ngày, khoảng thời gian còn lại họ làm những gì, tiêu thụ những tin tức gì, rồi môi trường sống, mối quan hệ, cách thức tương tác, còn tận 21 tiếng để tạo nên con người họ nữa mà.
Đúng là cơ thể sẽ dựa trên thức ăn, nhưng còn lối sống, còn sức khoẻ tinh thần, còn cảm xúc, trí tuệ, nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thay đổi của cơ thể này chứ chỉ việc ăn chay mà có thể quyết định nên một con người tốt hơn là không thể.
Ăn chay chỉ là một tiền đề, một trong những hạt giống để chúng ta kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên, với thức ăn, nhưng chỉ ăn nhưng không có trí tuệ đúng đắn thì khó mà trở thành con người tốt hơn được. Mặc dù bản thân vẫn chưa phải là người ăn chay hay thuần chay gì cả, chỉ là vẫn ưu tiên ăn nhiều hơn rau xanh, trái cây, hạn chế ăn thịt mỡ từ động vật. Kể từ khi rèn cho thói quen đó tự thấy bản thân cũng có nhiều sự thay đổi rõ rệt.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết ở đây: “Ăn chay sao mà cô đơn quá” ; “Lối ra tuỳ thuộc đường vào nội tâm”
Ngoài một số sự thay đổi tích cực về mặt dinh dưỡng, cảm nhận cơ thể, sức khoẻ tinh thần, thì việc ăn chay cũng có nhiều sự ảnh hưởng trong khía cạnh những mối quan hệ.
Việc hạn chế ăn thịt động vật khiến bản thân tôi vừa chủ động cũng vừa thụ động mất đi một vài mối quan hệ, một vài kết nối mang tính chất xã giao. Nhưng bù lại tôi có được những mối quan hệ chất lượng, sự thấu hiểu của những người bạn. Giờ đây mỗi khi đi ăn uống chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những quán chay, nếu có không gian yên tĩnh lại càng được ưu tiên hơn. Để rồi 3-4 tiếng đồng hồ cho những cuộc nói chuyện sâu trên bàn ăn là bình thường. Và nguồn năng lượng tích cực từ những cuộc gặp gỡ đó đem lại vẫn còn đến tận 2-3 ngày sau.
Ngày trước lối sống của tôi đa phần chú trọng sự hướng ngoại và sôi động, nên vẫn cố gắng duy trì vòng tròn kết nối mối quan hệ sao cho đông đảo, đủ bạn, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Giờ đây thay đổi thói quen ăn uống thì lối sống cũng chậm hơn, gặp gỡ ít hơn nhưng chất lượng thì được đảm bảo rất nhiều.
Thú thật đôi lúc bản thân rất muốn chia sẻ những kiến thức ích lợi từ việc ăn trên nền thực vật, những điều mình đã nghiên cứu từ sách vở, đã học được, và thật sự bị thuyết phục bởi những lập luận dẫn chứng từ những nghiên cứu đó.
Trong cuốn “How not to die – Ăn gì không chết” bác sĩ Michael Greger, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng quốc tế, và là nhà sáng lập nutritionfacts.org đã kết luận rằng: Chế độ ăn được chứng minh giúp ngăn ngừa và điều trị tốt nhất nhiều bệnh mãn tính đó chính là chế độ ăn thực phẩm thực vật toàn phần, được định nghĩa là một mô hình ăn uống khuyến khích ăn thực phẩm thực vật không qua tinh chế và không khuyến khích thịt, sản phẩm sữa, trứng, và thực phẩm chế biến. Đây không phải là chế độ ăn chay hoặc chế độ ăn thuần chay, mà chỉ là một chế độ ăn dựa trên bằng chứng, và khoa học cho thấy rằng càng ăn thực vật toàn phần nhiều thì càng tốt cho sức khoẻ con người.
Nhưng rồi khi thấy cũng có nhiều người bị thần thánh hoá bởi một số chế độ dinh dưỡng, tập luyện, và những trận chiến ném đá bằng những bình luận tiêu cực trái chiều, nên đôi lúc bản thân cũng ngần ngại.
Như việc tập luyện yoga đang trở thành trào lưu trong những năm gần đây, người người tập, nhà nhà tập, hàng ngàn giáo viên dạy yoga được đào tạo ra lò, chỉ cần vài trăm giờ đào tạo là đã có thể trở thành giáo viên và đi dạy được người khác. Trong khi bản thân còn tập luyện sai thì làm sao hướng dẫn người khác đúng được, để rồi bản thân mình gặp chấn thương và hướng dẫn người cũng gặp chấn thương tương tự.
Rồi nhiều người khi không thật sự hiểu cũng thần thánh hoá công dụng của nó lên. Rồi cố ép cơ thể có chinh phục những tư thế thật đẹp để chụp hình cho giống người khác, mà không chịu tìm hiểu và cảm nhận về sức khoẻ bản thân. Rồi càng tập lại càng gây nên nhiều chấn thương cho cơ thể, thật sự nếu luyện tập như thế, tôi khuyên chân thành đừng luyện tập còn hơn, ít ra không làm cơ thể phải chịu thêm tổn thương nữa.
Mỗi người một phương pháp, một cách tập, một quan điểm rồi thi nhau show up bản thân kiến thức của mình, ai cũng cho là mình đúng, rồi lao vào chỉ trích, phán xét, soi mói lẫn nhau. Bởi yoga giờ đây trở thành một nghề kiếm cơm, yoga là trẻ hoá, yoga là chữa lành nên khó trách một số người họ thổi phồng tác dụng thực của nó lên như vậy.
Bản thân tôi cũng là người tập luyện yoga gần 8 năm, cũng từng hiểu sai và tập luyện sai về yoga. Yoga vẫn có những mặt tốt, xấu của nó như bao nhiêu bộ môn rèn luyện sức khoẻ khác, quan trọng nhất là sự cảm nhận cơ thể của mỗi người, để lựa chọn những tư thế phù hợp với bản thân mình mà thôi.
Cũng biết một số người từng từng được chuẩn đoán mắc bệnh, nhờ được phát hiện sớm, sau một thời gian được điều trị khỏi nhờ phẫu thuật mà khỏi bệnh. Bẵng đi một thời gian lại thấy họ trở thành huấn luyện viên dạy yoga, thường xuyên chia sẻ những bài viết như hoàn toàn khỏi bệnh chỉ nhờ vào yoga, thực dưỡng, thiền định, rồi tự xưng mình là thầy chữa bệnh, thầy chữa lành, học viên thì ùn ùn tìm đến và tin theo một cách tuyệt đối.
Thật ra ăn uống bằng dinh dưỡng, tập luyện thể thao, hay rèn luyện sự tĩnh tâm bằng thiền định không có gì sai, chỉ sai ở chỗ là chúng ta có niềm tin mù quáng, thần thánh hoá chúng lên. Vấn đề cốt lõi là tuỳ người, tuỳ bệnh, mà có từng phương pháp phù hợp.
Ví như bản thân tôi vẫn là người đã và đang thực hành thiền. Ngày xưa khi nhắc đến thiền đa phần sẽ nghĩ ngay đến một người tu hành, bỏ thành thị, tìm đến một nơi hoang vắng, rồi tìm đến phương pháp rèn luyện tâm trí, kết nối thế giới siêu nhiên nào đó.
Nhưng thực chất trước khi bản thân tìm đến thiền, tôi cũng đã tìm và đọc rất nhiều sách, từ những bậc triết gia dạy về thiền, rồi những quyển sách nghiên cứu và chứng minh công dụng của thiền dưới góc độ khoa học, rồi cũng đăng kí học thêm những khoá học về thiền. (có lẽ bản thân vẫn lựa chọn tin vào khoa học và dữ liệu hơn) nên trước những thông tin đó đã thật sự thuyết phục tôi tin theo và rèn luyện về thiền.
Vậy nên thiền cũng giống như một bộ môn khoa học, thật sự giúp ích cho tâm trí con người, bởi sự tĩnh tâm dừng lại quan sát tâm trí, phân tích, hiểu rõ những suy nghĩ của mình rồi sẽ giảm bớt những căng thẳng. Vậy nên thiền hoàn toàn không phải là một điều thần bí gì cả.
Ngày nay vẫn thấy nhiều người có niềm tin mù quáng và thần thánh hoá vào một điều gì họ mà họ đã tin. Niềm tin không hề xấu, bởi niềm tin đôi khi lại là thần dược mạnh nhất giúp con người ta có thêm sự mạnh mẽ để vượt qua những vấn đề, trở ngại, ốm đau bệnh tật.
Thường trong cơn hoảng loạn, người ta sẽ có trạng thái phản ứng đầu tiên là không chấp nhận “tại sao lại là tôi?” rồi vội vàng đổ lỗi cho người khác. Tiếp theo khi đã bình tĩnh lại thì sẽ bắt đầu tìm đến mọi phương cách, để giải quyết từ tâm linh như lập đàn cầu khấn, đi chùa cúng bái, nhang khói giấy tiền mù mịt. Nào là thỉnh bùa bình an, tìm mua những đồ vật phong thuỷ để giải trừ hạn vận, cho đến tìm đến những thần dược như uống sừng tê giác, uống nước thỉnh từ những chùa được các sư trì niệm. Hay nghe theo lời dân gian uống những cây thuốc nam, để rồi có khi ngộ độc trước khi bệnh phát nặng. Lúc đó không biết họ đang tin hay là đang mê tín.
Có những trường hợp dựa vào lòng tin để trục lợi, kiềm tiền. Cũng có trường hợp xuất phát từ lòng tốt muốn giúp đỡ người khác chữa bệnh nên biết điều gì thì chỉ người khác thế ấy, chỉ là đôi khi sự chỉ dẫn ấy không có nền tảng khoa học, sự biết ấy chỉ là truyền miệng, là nghe người ta nói nên nói lại, có người mách bảo, có người tin, đến cuối cùng lại càng làm vấn đề trầm trọng thêm.
Trong cuộc đời rộng lớn mênh mông này, đôi khi có được một niềm tin, một niềm hy vọng lại là một đặc ân, một niềm may mắn, bởi ít ra nó cũng giúp cho con người ta đỡ chơi vơi vô định hơn và chí ít cũng cho họ một niềm tin tích cực về để hướng đến con đường phía trước. Hãy thử tưởng tượng khi một người đang đi và lạc trong đêm tối, việc có ai đó đến cầm một ngọn dèn, nắm tay họ bảo là đi cùng, thì đó là một phép màu, một cái ơn vô cùng lớn vì đã cho họ niềm tin để bấu víu vào.
Đâu phải ai cũng đủ niệm định tuệ để mà vững an, mà bình tâm đi qua cuộc đời này. Thôi thì với được cái gì, tìm được cái gì để bám vào để mình không chìm trong cơn tuyệt vọng là may mắn rồi, dù chỉ là một niềm tin dù nhỏ đến mấy vẫn tốt hơn rất nhiều.
Cúng gì cũng được, lạy ai cũng được, miễn lòng thấy an là được. Hiểu rồi sẽ thấy thương, thương rồi thì thấy sống ở đời này cũng nhẹ. Có những chuyện, những người, đôi khi chúng ta nên nhìn nhoè đi một chút để lòng được an hơn.
Vẫn là quay về câu nói đời này không có gì đúng sai tuyệt đối, không chỉ có trắng và đen, cũng không có tốt xấu. Vấn đề là hãy nhìn nhận nó với góc độ khách quan nhất, tránh vì lợi dụng lòng tin mà gây tổn hại lẫn nhau.
Quan điểm bản thân lựa chọn không phán xét, không nói chế ăn nào tốt hơn chế độ ăn nào, hay tập luyện đúng sai ra sao, bởi cuộc đời này muôn hình vạn trạng, rộng lớn và diệu kì, mỗi người là một cá thể hoàn toàn riêng biệt và hoàn toàn khác nhau, vẫn còn nhiều điều khoa học vẫn chưa lý giải được mà, điều này hợp với mình nhưng chắc gì đã hợp với người khác.
Trở lại vấn đề trước khi vội tin vào một phương pháp ăn uống hay tập luyện nào đó, mỗi người chúng ta cần dành thời gian để tìm hiểu kĩ và cũng phải hiểu rõ cơ thể mình nữa, để xem đâu là điều phù hợp đâu là không.
Mỗi người mỗi lựa chọn, chẳng người nào phải bắt buộc giống người nào. Có người thích hợp với việc ăn chay, có người thích hợp với việc ăn mặn, có người thích vận động, có người thích tĩnh lại. Vấn đề là mỗi người phải hiểu và biết lắng nghe cơ thể mình mong muốn điều gì và tuỳ vào hoàn cảnh mà thay đổi. Khi đã hiểu và dành lòng biết cho cơ thể, chúng ta sẽ biết nên ăn gì và không nên ăn gì.
Đôi khi cũng đừng quá tạo áp lực cho bản thân phải thế này thế khác, phải giống một người nào đó. Hãy ăn với lòng biết ơn, biết ơn cha mẹ, biết ơn người nấu vì đã mang đến cho mình bữa ăn, cũng biết ơn cơ thể này đã có thể chuyển hoá thức ăn thành dinh dưỡng cung cấp cho mình nguồn năng lượng sống mỗi ngày.
.
.
.
.